Hàng nghìn người đã mất nhà cửa khi đám cháy lan nhanh và mạnh mẽ do gió Santa Ana, khí hậu khô hạn và thảm thực vật dễ cháy. Hậu quả này không chỉ đến từ biến đổi khí hậu mà còn từ sự phát triển đô thị không kiểm soát.
Khói từ đám cháy Palisades bốc lên trên các khu dân cư ở Mandeville Canyon vào ngày 11 tháng 1 năm 2025, tại Los Angeles. (Ảnh do AP cấp bản quyền, không phát hành lại)
Trong bối cảnh này, nhiều công ty bảo hiểm, bao gồm cả State Farm, đã cắt giảm hoặc không gia hạn các hợp đồng bảo hiểm tại những khu vực dễ cháy, với lý do rủi ro tài chính quá lớn.
State Farm, công ty bảo hiểm lớn nhất tại Mỹ, đã gây chú ý khi quyết định hạn chế phạm vi bảo hiểm tại California từ năm ngoái. Trong lá thư gửi đến Ủy viên Bảo hiểm California Ricardo Lara vào tháng 3/2024, CEO Denies Hardin cho biết mức phí bảo hiểm cao hơn là không đủ để bù đắp chi phí do thảm họa.
"Chúng tôi không muốn thực hiện bước này vì biết rằng điều này sẽ gây khó khăn cho người dân. Tuy nhiên, chúng tôi buộc phải giảm thiểu rủi ro", Hardin viết.
State Farm không phải là trường hợp duy nhất. Theo Sở Bảo hiểm California, 7 trong số 12 công ty bảo hiểm hàng đầu đã rút lui khỏi thị trường bảo hiểm trong 4 năm qua. Tình trạng này đã đẩy gần 500.000 người dân chuyển sang sử dụng FAIR Plan, chương trình bảo hiểm cuối cùng của bang.
Tuy nhiên FAIR Plan cũng đối mặt nguy cơ quá tải tài chính, với thiệt hại tiềm tàng vượt xa khả năng chi trả hiện có.
Về mặt pháp lý, các chuyên gia như Dave Jones (giám đốc Sáng kiến Rủi ro Khí hậu tại Trung tâm Luật, Năng lượng và Môi trường) và Gary Kwasniewski (và luật sư của công ty luật Viau & Kwasniewski tại Los Angeles) cho rằng hành động của các công ty bảo hiểm không vi phạm luật, miễn là họ tuân thủ quy định thông báo trước và không phân biệt đối xử.
Tuy nhiên nhiều cư dân, đặc biệt ở khu vực như Pacific Palisades, nơi đã chứng kiến 28% hợp đồng bảo hiểm không được gia hạn từ năm 2019, cho rằng họ bị đối xử bất công và không được giải thích rõ ràng.
Tháng trước, California đã điều chỉnh chính sách để thu hút các công ty bảo hiểm quay lại, như cho phép sử dụng mô hình thảm họa và chuyển chi phí tái bảo hiểm sang khách hàng. Tuy nhiên những biện pháp này không làm giảm chi phí bảo hiểm mà còn có thể đẩy giá lên cao hơn.
Chỉ riêng lũ lụt và cháy rừng đã có thể gây ra hơn 1 nghìn tỷ USD tổn thất tiềm ẩn về giá trị nhà ở, dấy lên lo ngại về nguy cơ khủng hoảng tài chính trong ngành bảo hiểm. Nhiều tiểu bang của Mỹ cũng đang phải vật lộn với các vấn đề bảo hiểm, với những nỗ lực giải quyết đạt kết quả khác nhau.
Ngọc Ánh (theo Newsweek, JT)