Năm 2024, ngành Y tế tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống y tế phát triển, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân.
Trung tâm Y tế huyện Sông Lô được đầu tư hệ thống chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner) hiện đại. Ảnh: Dương Chung
Ngành Y tế Vĩnh Phúc có mạng lưới y tế đồng bộ với 7 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh; 9 trung tâm y tế tuyến huyện; 8 phòng khám đa khoa khu vực; 136 trạm y tế tuyến xã. Các đơn vị y tế đều được đầu tư xây dựng khang trang với nhiều trang thiết bị hiện đại, điển hình như hệ thống cộng hưởng từ; máy chụp cắt lớp vi tính; máy chụp SPECT-CT; máy siêu lọc máu; hệ thống phẫu thuật nội soi…
Năm 2024, ngành Y tế đã hoàn thành 3 nhiệm vụ trọng tâm Tỉnh ủy giao và hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội HĐND tỉnh giao. Trong đó, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 16,9 bác sĩ/vạn dân, vượt chỉ tiêu được giao (chỉ tiêu giao 16,6 bác sĩ/vạn dân); số giường bệnh/vạn dân đạt 43 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%.
Công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai hiệu quả. Các dịch bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, Covid-19... được kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch lớn; hầu hết số ca mắc giảm so với năm 2023.
Các chương trình quản lý và điều trị bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, mang lại chất lượng đời sống tốt hơn cho người bệnh. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt 98%, bảo vệ an toàn sức khỏe cho thế hệ tương lai.
Chất lượng và hiệu quả công tác khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Với quan điểm “Lấy người bệnh làm trung tâm”, toàn ngành đã thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức; xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh, hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh.
Năm 2024, toàn ngành triển khai được 533 kỹ thuật mới, trong đó có 452 kỹ thuật lâm sàng, 81 kỹ thuật cận lâm sàng. Đơn vị thực hiện nhiều kỹ thuật mới nhất tuyến tỉnh là Bệnh viện Giao thông vận tải Vĩnh Phúc với 229 kỹ thuật; tuyến huyện là Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên với 149 kỹ thuật.
Năm 2024 là năm đánh dấu bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số ngành Y tế. Đến nay, có hơn 1,2 triệu hồ sơ sức khỏe điện tử đã được tạo lập, giúp quản lý sức khỏe cá nhân và đồng bộ hóa thông tin trên hệ thống dữ liệu điện tử.
Với đội ngũ thầy thuốc có chuyên môn cao và hệ thống trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên đã cứu sống nhiều trẻ sinh non. Ảnh: Dương Chung.
100% cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh đã chủ động trang bị thiết bị đọc mã QR để hoàn thành việc ứng dụng thẻ CCCD gắn chíp vào khám, chữa bệnh BHYT. 100% cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện liên thông giấy chứng sinh, giấy báo tử lên cổng giám định của BHXH. 100% cơ sở khám, chữa bệnh đã triển khai ít nhất 1 hình thức hỗ trợ người bệnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Có 3 bệnh viện đã triển khai áp dụng bệnh án điện tử để quản lý toàn diện hồ sơ bệnh án trên phần mềm khám, chữa bệnh (HIS) gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.
Nguồn nhân lực y tế được quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu chuyên môn ngày càng cao. Toàn ngành hiện có hơn 1.400 bác sĩ, hơn 6.000 cán bộ y tế, trong đó nhiều người đã được đào tạo chuyên sâu để áp dụng các kỹ thuật mới, khó, vượt tuyến.
Với mục tiêu “Trung ương làm được kỹ thuật nào thì Vĩnh Phúc cũng cơ bản làm được kỹ thuật đó”, ngành Y tế tỉnh tiếp tục đổi mới đào tạo nguồn nhân lực theo hướng hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực nghiên cứu y học - công nghệ y tế, dược, y sinh học, ưu tiên các lĩnh vực có thế mạnh; triển khai các chương trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cử cán bộ y tế đi đào tạo chuyên sâu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Xây dựng các quy trình cải cách hành chính theo hướng hiện đại, hiệu quả thông qua việc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe.
Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường xã hội hóa, hợp tác quốc tế và đầu tư trang thiết bị y tế, phấn đấu 100% cơ sở y tế trong tỉnh đạt tiêu chí xanh - sạch - đẹp. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển ngành Y tế theo hướng toàn diện, công bằng, chất lượng, hiệu quả.
Minh Nguyệt