Năm học 2024-2025, ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho lớp 5, 9, 12 (là những khối lớp cuối cấp học) để thực hiện đổi mới đầy đủ, đồng bộ các môn học, hoạt động giáo dục phổ thông nên càng đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng.
Cô và trò Trường Tiểu học Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn) trong Bài học Stem Sổ lật về cây.
Hiện, toàn tỉnh Bắc Kạn có 6.643 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. So với số biên chế được giao, số viên chức có mặt của ngành GD&ĐT thiếu 411 người, trong đó, cán bộ quản lý thiếu 61 người; giáo viên thiếu 239 người, nhân viên thiếu 106 người và hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP thiếu 05 người.
Hiện nay, các đơn vị đã rà soát nhu cầu tuyển dụng viên chức, thực hiện quy trình bổ nhiệm cán bộ quản lý các cấp. Dự kiến sẽ tuyển dụng 213 giáo viên; tập trung tuyển dụng các môn học với chỉ tiêu như: Tiếng Anh 33, Tin học 07, KHTN 03, Lịch sử 08, Văn - Sử 17, Toán - Lý 17... tuyển dụng hết số biên chế giáo viên được giao nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Học sinh phát huy vai trò trung tâm qua mỗi tiết học.
Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 trở lên (tính đến thời điểm kết thúc năm học 2023-2024): Cấp mầm non đạt 97,04%; cấp tiểu học đạt 87,95%; cấp THCS đạt 95,26%; cấp THPT, giáo dục thường xuyên đạt 100%. Trong đó: tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn trình độ được đào tạo cấp mầm non đạt 73,04%; cấp tiểu học đạt 0,43%; cấp THCS đạt 1,23%; cấp THPT đạt 20,87%.
Mặc dù có nhiều nỗ lực trong khắc phục khó khăn nhưng so với yêu cầu đổi mới giáo dục thì hiện nay tỉnh vẫn thiếu giáo viên cục bộ ở hầu hết các địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Cơ cấu đội ngũ giáo viên mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa thành phố, trung tâm huyện lỵ với các xã vùng sâu, vùng xa; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế...
Cô và trò Trường Mầm non Thượng Giáo (Ba Bể) trong một tiết học.
Việc giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi mỗi giáo viên phải tự làm mới mình, không ngừng học hỏi nhằm thể hiện tốt vai trò người tổ chức cho học sinh chiếm lĩnh tri thức thay vì truyền thụ tri thức như trước đây. Chính vì vậy giáo viên thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, tự học, tự làm mới hình thức tổ chức dạy học theo các phương pháp dạy học tiên tiến như STEM, STEAM, Montessori, sơ đồ tư duy…
Đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học không chỉ cung cấp kiến thức cho người học mà còn hướng tới xây dựng, hoàn thiện các phẩm chất như yêu nước, trách nhiệm theo yêu cầu cốt lõi của chương trình GDPT mới. Hoạt động này còn góp phần nâng cao ý thức của người trẻ trong quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương…
Sau hơn bốn năm thực hiện Chương trình GDPT 2018, tại các cấp học trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp; giáo viên đã thực hiện tốt việc tự chủ chương trình, khai thác có hiệu quả sách giáo khoa, nguồn học liệu và các thiết bị, đồ dùng dạy học phù hợp; tích cực ứng dụng CNTT trong dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh.
Học sinh đã tích cực, chủ động tham gia các giờ học, hoạt động giáo dục, mạnh dạn, tự tin trong học tập, giao tiếp trong cuộc sống; được khuyến khích tự học, tự nghiên cứu tìm tòi, chiếm lĩnh và vận dụng kiến thức mới vào cuộc sống... qua đó giúp học sinh hoàn thành tốt các mục tiêu cần đạt theo quy định của chương trình, phát huy được các phẩm chất, năng lực trong quá trình học tập; không xảy ra những bức xúc, nổi cộm trong việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng hoa chúc mừng đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024.
Học sinh được quan tâm giáo dục toàn diện, bên cạnh trang bị kiến thức theo các lớp, cấp học, còn được giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, xây dựng văn hóa ứng xử phù hợp. Các nhà trường đã tạo nhiều sân chơi để học sinh được tham gia, trải nghiệm, qua đó trang bị, hình thành những kiến thức, kỹ năng cơ bản cho học sinh.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT còn tích cực chỉ đạo tổ chức chương trình hội thảo, tập huấn, sinh hoạt chuyên môn cấp tỉnh đầu năm học cho 100% đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy các môn học với chuyên đề nội dung thiết thực như xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy, kiểm tra đánh giá, khai thác, sử dụng SGK và tài liệu dạy học tham khảo đối với các môn học và hoạt động giáo dục của từng lớp ở tất cả các cấp học.
Một tiết học trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học tại thành phố Bắc Kạn.
Tại các trường học trên địa bàn tỉnh, việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn được duy trì nền nếp và đánh giá đạt hiệu quả tích cực, khắc phục tính hình thức trong sinh hoạt chuyên môn những năm trước đây, tạo thêm cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và tích lũy kỹ năng sư phạm, kỹ năng giáo dục học sinh cần thiết cho giáo viên. Bên cạnh đó, nhiều cuộc thi giáo viên dạy giỏi các cấp được tổ chức, thu hút đông đảo giáo viên các cấp học tham gia. Qua mỗi cuộc thi, giáo viên rút ra nhiều kinh nghiệm trong tổ chức các giờ học.
Học sinh thuyết trình trong Ngày hội Stem do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Na Rì tổ chức.
Cô giáo Nông Thị Lê Trinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn): "Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo Chương trình GDPT 2018, chúng tôi luôn cùng các giáo viên nhà trường nỗ lực nâng cao chất lượng chuyên môn. Tham gia đầy đủ các lớp tập huấn; học hỏi từ các trường trong và ngoài tỉnh, tự học tự nghiên cứu các chương trình đổi mới giáo dục để áp dụng vào giảng dạy phù hợp với học sinh của nhà trường. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, chất lượng giáo dục được nâng lên, giáo viên chủ động, tự tin, sáng tạo, học sinh hào hứng, phát huy được vai trò chủ thể trong hoạt động. Hình thức lớp học kết nối, dạy học Stem… đã khuyến khích học sinh sáng tạo, rút ngắn khoảng cách chất lượng giữa các vùng miền".
Hằng năm, ngành GD&ĐT chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức các lớp bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm, nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên thường xuyên được tham gia học tập, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Học sinh Trường PTDT nội trú THCS Pác Nặm trong buổi chào cờ đầu tuần.
Đến nay, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đáp ứng được yêu cầu giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018, đảm bảo theo vị trí việc làm, chuẩn chức danh nghề nghiệp; số cán bộ quản lý, giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo trở lên theo Luật Giáo dục đạt trên 94%, được tham gia bồi dưỡng thường xuyên hằng năm đạt 100%.
Hằng năm, công tác đánh giá, phân loại đội ngũ theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền được chú trọng. Hiện nay, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục và đội ngũ giáo viên ngành giáo dục và đào tạo đang thực hiện 02 hệ thống đánh giá: Đánh giá, xếp loại theo chuẩn nghề nghiệp theo quy định của Bộ GD&ĐT và đánh giá, phân loại công chức, viên chức hằng năm theo quy định. Đây là cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và phát triển đội ngũ đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bền vững./.
Hồng Hạnh