Học sinh Trường TH thị trấn Nga Sơn 1 (Nga Sơn) trong giờ Tin học.
Tháng 8/2020, Trường Tiểu học (TH) thị trấn Nga Sơn 1 (Nga Sơn) được thành lập trên cơ sở tách 2 khối TH từ 2 trường liên cấp trên địa bàn huyện là Trường TH và THCS thị trấn 1 và Trường TH và THCS thị trấn 2. Khi mới thành lập, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhưng nhà trường đã từng bước khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của từng năm học.
Khi chưa sáp nhập, chất lượng học sinh chỉ thuộc tốp cuối của huyện. Sau sáp nhập, Trường TH thị trấn Nga Sơn 1 đã có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục toàn diện, thuộc tốp đầu của ngành giáo dục huyện. Trong 5 năm liên tục, tỷ lệ học sinh được công nhận hoàn thành chương trình đạt từ 99,6% - 100%. Chất lượng đại trà luôn xếp thứ 5 - 7 toàn huyện.
Để khắc phục khó khăn, cần phải có định hướng, giải pháp cụ thể. Điều kiện đầu tiên phải ổn định bộ máy tổ chức, tạo sự thống nhất, đoàn kết trong nội bộ để từ đó cùng nỗ lực nâng cao chất lượng chuyên môn, chất lượng giáo dục toàn diện. Đồng thời, cần phải đầu tư về cơ sở vật chất, bảo đảm cho chất lượng dạy và học. Hiệu trưởng Trường TH thị trấn Nga Sơn 1, thầy giáo Mai Xuân Thống, cho biết: “Nhà trường từng bước tiết kiệm nguồn ngân sách kết hợp với công tác xã hội hóa giáo dục để bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác dạy học. Đến nay, sau 5 năm thành lập, nhà trường đã xây dựng được 2 phòng máy vi tính với 30 máy, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Riêng đối với nâng cao chất lượng học sinh, nhà trường đã hiểu rõ là phải đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên, thay đổi cách tiếp cận của học sinh”.
Cụ thể, ở Trường TH thị trấn Nga Sơn 1, nhà trường đã tăng cường công tác thao giảng, dự giờ. Tuy nhiên, mỗi tiết dự giờ của giáo viên không còn đơn thuần là nhận xét ưu, khuyết điểm mà các thầy, cô đã quan tâm nhiều hơn đến đối tượng học sinh. Đó là, tìm hiểu lý do vì sao học sinh tiếp cận được đồng thời phân tích lý do học sinh ngại học, ngại giao tiếp,... để từ đó có những thay đổi phù hợp trong phương pháp. Chia sẻ của cô giáo Mai Thị Huyền: “Bên cạnh đó, nhà trường còn tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá học sinh. Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên có những kỳ đánh giá riêng nhằm biết rõ chất lượng từng lớp, từng em. Ban giám hiệu cùng giáo viên phân tích rõ đặc điểm từng học sinh để có cách kèm cặp phù hợp. Ngoài ra, còn động viên giáo viên tăng cường cuối mỗi buổi để phụ đạo cho một số học sinh yếu, không thu tiền. Phong trào này được các giáo viên nhà trường rất ủng hộ và đã đi vào nền nếp”.
Học sinh bậc TH, Trường TH&THCS Thiệu Giao (Thiệu Hóa) tham gia cuộc thi “Rung chuông vàng” do nhà trường tổ chức.
Những năm qua, thực hiện Đề án kiện toàn, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực giáo dục - đào tạo của huyện Thiệu Hóa, Trường liên cấp TH&THCS Thiệu Giao được tái sáp nhập vào năm 2017 từ hai trường TH và THCS. Trước khi sáp nhập, chất lượng giáo dục toàn diện của bậc THCS đứng vào tốp nửa sau của huyện về chất lượng mũi nhọn, chất lượng thi vào lớp 10 THPT. Sau khi sáp nhập, đặc biệt, trong 3 năm gần đây, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường không ngừng tăng lên. Theo đó, chất lượng mũi nhọn và chất lượng thi vào lớp 10 THPT luôn nằm trong tốp đầu của huyện.
Gỡ khó cho bài toán nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, theo Hiệu trưởng Trường TH&THCS Thiệu Giao, cô giáo Lê Thị Hồng, thì: "Trong quá trình phân công nhiệm vụ, cần phải giao đúng người, đúng việc, phù hợp với năng lực của từng cán bộ, giáo viên. Đối với việc nâng bậc chất lượng giáo dục mũi nhọn, giáo viên được phân công có trách nhiệm lựa chọn chính xác học sinh... Về nâng bậc chất lượng đại trà và chất lượng thi vào 10, sau khi có kết quả chính thức, ban giám hiệu cùng với tổ trưởng và giáo viên dạy ôn thi họp rút kinh nghiệm, tìm ra nguyên nhân, đưa ra các giải pháp khắc phục...”.
Hiện nay, ở Thiệu Hóa có 6 trường liên cấp TH và THCS được sáp nhập bởi các trường TH và trường THCS trong cùng một xã. Sau sáp nhập, các nhà trường đã tập trung được nguồn lực về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên. Về vấn đề này, ông Bùi Quốc Huy, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thiệu Hóa, cho biết: “Học sinh các trường sau sáp nhập đông hơn, môi trường học tập năng động hơn, có nhiều cơ hội giao lưu, thi đua, từ đó nâng cao tinh thần học tập trong các nhà trường. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tại các trường được cải thiện rõ rệt so với trước đây, trong đó, nhiều đơn vị có chất lượng bền vững đã đóng góp đáng kể vào thành tích chung của huyện".
Đến nay, toàn tỉnh đã sắp xếp, giảm 49 trường học và 142 điểm trường thuộc các cấp học. Trong đó, cấp mầm non giảm 12 trường, cấp TH giảm 22 trường, cấp THCS giảm 14 trường và giảm 1 trung tâm giáo dục thường xuyên (giai đoạn 2021-2025). Trước đó, thực hiện chủ trương sắp xếp mạng lưới trường lớp bảo đảm gọn, hiệu quả, toàn tỉnh đã giảm hơn 130 trường mầm non, TH và THCS công lập. Đối với cấp THPT, trong năm 2018 và 2019 toàn tỉnh giảm 13 trường. Hiện tại, toàn tỉnh có hơn 2.000 trường học các cấp, trong đó cấp mầm non có 677 trường, TH có 592 trường, THCS có 610 trường, THPT có 102 trường.
Có thể khẳng định, các trường sau khi sắp xếp, sáp nhập, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý tập trung thuận tiện, dễ dàng hơn. Đồng thời, tình trạng thừa thiếu giáo viên, cục bộ, giáo viên dạy chéo môn được khắc phục tối đa. Quy mô các trường sau sáp nhập đủ lớn để mở rộng các bộ môn, tăng cường hoạt động ngoại khóa, đổi mới phương pháp dạy học, góp phần đáp ứng yêu cầu học tập cũng như thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục...
Bài và ảnh: Vi An