Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Khánh Hòa đã triển khai thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả Chỉ thị số 40 ngày 20-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận số 06 ngày 10-6-2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40. Qua đó, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.
Gắn kết ý Đảng, lòng dân
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện đã quan tâm, bố trí nguồn vốn bổ sung qua NHCSXH cùng cấp để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Kể từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn hơn 634,4 tỷ đồng, tăng hơn 471,2 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40.
Ông Hồ Đắc Thích - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Khánh Hòa.
Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách hơn 13.693 tỷ đồng, với gần 356.713 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Qua đó đã giúp 84.983 hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 85.061 lao động; xây dựng 541.288 công trình nước sạch và vệ sinh đảm bảo theo tiêu chuẩn, 404 căn nhà ở cho hộ nghèo; 19.478 lượt hộ gia đình tại vùng khó khăn được vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng 889 căn nhà ở xã hội. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; góp phần thực hiện tốt các mục tiêu về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, an sinh xã hội.
Kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, giúp cho hoạt động tín dụng chính sách ngày càng huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy hiệu quả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng tại địa phương.
Tiếp tục phát huy hiệu quả kênh vốn chính sách
Năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng với nhiều sự kiện trọng đại, dấu mốc đặc biệt trong quá trình xây dựng và phát triển của đất nước, của tỉnh; là năm cuối của nhiệm kỳ 2020 - 2025 với mục tiêu tăng tốc, bứt phá, về đích; là năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Chỉ thị số 39 ngày 30-10-2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới; Quyết định số 05 ngày 4-1-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030; nội dung về ủy thác vốn của ngân sách địa phương qua hệ thống NHCSXH theo Nghị quyết số 111 ngày 18-1-2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng trong triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, nâng cao vai trò, khẳng định vị thế của tín dụng chính sách xã hội trong tạo nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Để nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách trong giai đoạn mới, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương và Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tỉnh cũng sẽ quan tâm rà soát, đánh giá hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách hiện hành, trên cơ sở đó nghiên cứu ban hành một số chính sách tín dụng đặc thù của địa phương phù hợp với Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị; lồng ghép tín dụng chính sách với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường chính sách hỗ trợ tín dụng chính sách đối với các hoạt động sản xuất theo chuỗi, liên kết hợp tác nhằm thay đổi phương thức sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng vốn cho người nghèo.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực, đa dạng hóa các kênh huy động vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội; trong đó nguồn ngân sách nhà nước và có tính chất ngân sách nhà nước là chủ đạo, nguồn ủy thác từ các địa phương là quan trọng, đồng thời tăng cường huy động sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Các địa phương tiếp tục quan tâm, bố trí kịp thời ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH, phấn đấu hằng năm chiếm khoảng 10 - 15% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của NHCSXH và đến năm 2030 chiếm tối thiểu 15% tổng nguồn vốn.
Tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm để người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng của NHCSXH.
Năm 2024, doanh số cho vay vốn tín dụng chính sách đạt gần 1.496 tỷ đồng, với 36.880 lượt hộ vay. Tính đến ngày 31-12-2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách gần 4.597 tỷ đồng; tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách hơn 4.588 tỷ đồng với 113.925 hộ vay còn dư nợ.
HỒ ĐẮC THÍCH