Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Văn Chánh, Trưởng khoa Khoa Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, cho biết: Tình hình tội phạm nói chung và tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp với thủ đoạn tinh vi, xảy ra ở nhiều địa phương, lĩnh vực trọng điểm về kinh tế và xã hội.
Đại tá, PSG, TS Võ Quốc Công phát biểu tại Hội thảo.
Kết quả đấu tranh cho thấy, tội phạm về chức vụ xảy ra hầu hết các lĩnh vực kinh tế Nhà nước, các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm như, tài chính, ngân hàng, thuế, trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư công, đấu thầu, đấu giá, cổ phần hóa, quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, đất đai, khoáng sản, điện lực, xăng dầu, y tế, giáo dục...
Các đại biểu tham luận tại Hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá, phân tích các nội dung như, làm rõ và thống nhất nhận thức lý luận về công tác phòng, chống tội phạm về chức vụ của lực lượng Cảnh sát kinh tế; phân tích, làm rõ tình hình, diễn biến, cơ cấu của tội phạm về chức vụ và nguyên nhân, điều kiện của loại tội phạm này ở Việt Nam hiện nay; Phân tích, đánh giá thực trạng và làm rõ những vấn đề đặt ra trong công tác phòng, chống tội phạm về chức vụ.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.
Đại tá, PSG, TS Võ Quốc Công, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học CSND, chủ trì hội thảo cho biết thêm, hội thảo đã nhận được 91 bài viết khoa học của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học trong lực lượng Công an, các Cục nghiệp vụ, Trường CAND và Công an các đơn vị, địa phương. Các bài viết đã tập trung phân tích các vấn đề lý luận, thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm về chức vụ theo chức năng của lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an các tỉnh, thành phố phía Nam; định hướng xây dựng lực lượng Cảnh sát kinh tế thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hội thảo là diễn đàn chuyên sâu để các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các nhà khoa học trao đổi những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm về chức vụ theo chức năng của lực lượng Cảnh sát kinh tế. Qua đó, giúp cho Trường Đại học CSND có cơ sở khoa học xây dựng, hoàn thiện báo cáo tổng luận, đề xuất với lãnh đạo Bộ Công an những giải pháp, kiến nghị để bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận, xây dựng các phương pháp, quy trình công tác thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm về chức vụ trong thời gian tới.
Nguyễn Đức Mừng