Nâng cao năng lực thu hút đầu tư từ cải biến nội lực - Bài cuối: Điểm đến của nhiều doanh nghiệp

Nâng cao năng lực thu hút đầu tư từ cải biến nội lực - Bài cuối: Điểm đến của nhiều doanh nghiệp
5 giờ trướcBài gốc
Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN
Tạo thuận lợi, “gỡ” khó khăn
Ông Ho Joong, Tổng giám đốc Công ty cổ Phần Nosafood cho biết, công ty có nhà máy ở huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) và tại Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc 2, huyện Bến Lức (Long An); trong đó, nhà máy đặt tại Long An có tổng diện tích giai đoạn 1 là 14.000 m2. Công ty đang sản xuất nhiều loại gia vị và nông sản như cà ri, sa tế, nước tương, tương ớt, tương đen, tương cà, các loại lá gia vị, các loại hạt… với công suất khoảng 6.000 tấn sản phẩm/năm. Công ty có kế hoạch đầu tư thêm 8 dây chuyền thiết bị máy móc tự động hóa nhằm tăng công suất lên 12.000 tấn sản phẩm/năm.
“Quyết định đặt nhà máy tại Long An, thuận lợi lớn nhất mà chúng tôi cảm thấy thật may mắn đó là sự hỗ trợ đúng, kịp thời của các cơ quan chính quyền tại Long An. Các hồ sơ giấy tờ xúc tiến cho việc đầu tư, sản xuất hoặc các hoạt động cấp phép đều diễn ra đúng tiến trình, được phản hồi, hướng dẫn nhanh chóng, chính xác giúp chúng tôi có cơ sở để làm việc và đi đúng hướng. Cụ thể là giấy phép lao động, giấy phép xây dựng, các thủ tục đăng ký thuế, bảo hiểm, lao động rất dễ dàng, theo lộ trình và được hướng dẫn chi tiết” - ông Ho Joong cho biết.
Bà Kim Sunsook, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sung Hwa Vina tại Khu Công nghiệp Hòa Bình, huyện Thủ Thừa (Long An) thông tin, doanh nghiệp chuyên sản sản xuất các dòng sản phẩm tất (vớ) trẻ em, người lớn, thời trang, thể thao,... cung cấp cho hơn 80 thương hiệu thời trang trên thế giới, xuất khẩu 100% sản phẩm sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu. Doanh nghiệp đang có đơn hàng ổn định, lâu dài, đã nhập thêm nhiều dệt kim hiện đại, phục vụ các dây chuyền sản xuất nhiều dòng tất cao cấp, công suất khoảng 100 triệu đôi/năm.
“Bắt đầu sản xuất, kinh doanh tại Long An vào năm 2016, nhìn lại thời gian đã qua, chúng tôi trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, nhất là khi mới thành lập và giai đoạn dịch COVID-19. Nhờ sự quan tâm và hỗ trợ nhiệt tình, động viên của các cơ quan ban ngành và chính quyền tỉnh Long An, chúng tôi đã vượt qua để phát triển sản xuất. Ngoài ra, với sự hợp tác với Trường Cao đẳng Long An, chúng tôi triển khai các chương trình đào tạo và thực tập để tuyển dụng nhân lực chất lượng cao. Do đó, Sung Hwa Vina có nguồn lao động lành nghề, đáp ứng được các yêu cầu đa dạng của nhiều khách hàng” - bà Kim Sunsook chia sẻ.
Bà Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Medcen tại Khu công nghiệp Hòa Bình, huyện Thủ Thừa (Long An) cho hay, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh dược phẩm. Dự án xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm của Medcen được thực hiện vào cuối năm 2020. Nhưng sau đó dịch COVID-19 bùng phát, đến năm 2022 doanh nghiệp mới hoàn thành xây dựng nhà máy với 2 dây chuyền sản xuất, gồm: dây chuyền hóa dược và dây chuyền dược liệu, y học cổ truyền.
Nhà máy sản xuất được trang bị công nghệ hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Thực hành sản xuất tốt (GMP). Công suất dự kiến của nhà máy khoảng 55 triệu viên/năm. Hiện nay, giai đoạn I, Medcen chủ yếu tập trung vào thị trường Việt Nam. Giai đoạn tiếp theo, Medcen mong muốn đưa sản phẩm ra thị trường ở khu vực Đông Nam Á.
Theo bà Nguyên, đầu tư nhà máy sản xuất tại Long An rất thuận lợi do vị trí địa lý cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long, giáp TP Hồ Chí Minh, thuận tiện vận chuyển hàng hóa và nguyên vật liệu giữa các khu vực. Điều này giúp doanh nghiệp giảm chi phí logistics và rút ngắn thời gian vận chuyển. Bên cạnh đó, cũng dễ thu hút lao động từ TP Hồ Chí Minh hoặc ở Đồng bằng sông Cửu Long. Long An có hệ thống hạ tầng giao thông khá phát triển, cả đường bộ, đường thủy. Các khu công nghiệp và cụm công nghiệp được đầu tư mạnh về hạ tầng kỹ thuật, điện, nước, xử lý nước thải, hệ thống viễn thông, thuận lợi cho hoạt động sản xuất.
Cùng đó, tỉnh đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm và công nghệ cao. Quá trình xây dựng cũng như đi vào sản xuất, Sở Y tế hướng dẫn kịp thời, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong xét duyệt và đăng ký công bố sản phẩm. Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An hỗ trợ các thủ tục liên quan đến giấy phép xây dựng và nhà xưởng. Chính quyền tỉnh và các cơ quan xúc tiến thương mại tại Long An thường xuyên tổ chức các sự kiện kết nối, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
“Doanh nghiệp mong thời gian tới, Long An có thêm các chính sách ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất xanh và bền vững. Các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục tổ chức các sự kiện kết nối doanh nghiệp, hội chợ thương mại và các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội mở rộng thị trường và tìm kiếm đối tác chiến lược” - bà Nguyên chia sẻ thêm.
Trạm biến áp 110KV của Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2 (Bến Lức, Long An) đảm bảo cung cấp điện cho tất cả các doanh nghiệp hoạt động. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN
Động lực tăng trưởng bền vững
Quyết định chọn được nơi đầu tư “ưng ý” chính là bước mở đầu giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi. Các chiến lược, dự định mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp sẽ có đà phát triển. Trong quá trình hoạt động, tiếp tục nhận được sự đồng hành, tạo thuận lợi, kịp thời tháo gỡ khó khăn khiến doanh nghiệp tin tưởng, gắn bó lâu dài tại địa phương chính là câu trả lời rõ ràng về hiệu quả thu hút đầu tư.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Long An, tỉnh được định hướng phát triển đến năm 2030 trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam. Tầm nhìn đến năm 2050 trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, thu hút đầu tư hiệu quả sẽ tạo động lực phát triển kinh tế toàn diện, bền vững tại địa phương.
Trên cơ sở định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng và phương hướng tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội, tỉnh xác định các dự án lớn, có tính chất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội để ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư.
Đối với ngành công nghiệp, Long An ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng tái tạo; tập trung phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu như: sản xuất kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm, các sản phẩm điện tử, hóa chất và sản phẩm hóa chất, sản phẩm từ cao su và plastic, dược phẩm: dệt may, phát triền năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Ở ngành dịch vụ, tỉnh tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, ưu tiên các hạ tầng có tính lan tỏa, tác động mạnh đến hỗ trợ sản xuất lưu thông; phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng. Tỉnh cũng đa dạng hóa loại hình sản phẩm du lịch, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, năng lực cạnh tranh cao.
Đối với ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, Long An phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, quy mô phù hợp gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng các thương hiệu sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm chủ lực theo hướng tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng đất hiệu quả, linh hoạt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Huỳnh Văn Sơn khẳng định, Long An luôn đồng hành với các doanh nghiệp, tiếp tục tích cực đẩy mạnh triển khai đồng bộ các kế hoạch, chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư một cách quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Tỉnh cũng mong muốn tiếp tục nhận được các sáng kiến, hiến kế từ cộng đồng doanh nghiệp phù hợp với tình hình thực tiễn để đầu tư hiệu quả và cùng tỉnh phát triển bền vững.
Hưng Trà Bình (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/nang-cao-nang-luc-thu-hut-dau-tu-tu-cai-bien-noi-luc-bai-cuoi-diem-den-cua-nhieu-doanh-nghiep-20240925184359641.htm