Nâng cao tính tự chủ cho doanh nghiệp

Nâng cao tính tự chủ cho doanh nghiệp
4 giờ trướcBài gốc
Không can thiệp sâu vào quyền chủ động của doanh nghiệp
“Lâu nay chúng ta có câu chuyện khối Nhà nước hay tị với khối tư nhân là được cơ chế dễ như tư nhân, nhưng khối tư nhân cũng hay so bì với khối Nhà nước là được nguồn lực cũng như điều kiện như khối Nhà nước”. Nêu thực tế này, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, với mục tiêu quan trọng nhất là bảo đảm quản lý, sử dụng hiệu quả vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dự thảo Luật đã có hướng tiếp cận phù hợp trong bảo đảm Nhà nước thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ sở hữu vốn góp tại doanh nghiệp và bình đẳng như các nhà đầu tư khác.
ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) nhấn mạnh, dự thảo luật lần này đã tiếp thu cơ bản các ý kiến của các ĐBQH và có những sửa đổi căn bản so với Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13), bám sát nguyên tắc không can thiệp trực tiếp và can thiệp sâu vào quyền chủ động của doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, đã bám sát nguyên tắc phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp, mở rộng các quyền tự quyết của doanh nghiệp trong quá trình triển khai. Dự thảo Luật cũng đã bám sát nguyên tắc chuyển từ quản lý sang giám sát, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để tạo sự chủ động hơn cho các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình điều hành, quản lý và đầu tư.
Nhiều nội dung dự thảo Luật hướng đến việc nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, các quy định trong dự thảo Luật đã bảo đảm nguyên tắc doanh nghiệp được chủ động, tự chủ trong việc sử dụng vốn và tài sản cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo phân cấp của đại diện chủ sở hữu nhà nước. Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, dự thảo luật thực hiện phân cấp mạnh mẽ cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty để tự chịu trách nhiệm về việc huy động vốn, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chủ động ban hành chiến lược kinh doanh 5 năm, kế hoạch kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp; quyết định đầu tư, quyết định chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng…
Tạo cơ chế bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp
Góp ý vào nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, khoản 3, Điều 39 dự thảo Luật quy định: “Người đại diện phần vốn nhà nước có trách nhiệm báo cáo kịp thời cơ quan đại diện chủ sở hữu về việc doanh nghiệp có vốn nhà nước hoạt động thua lỗ, không bảo đảm khả năng thanh toán”.
ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Theo quy định này, người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ báo cáo khi doanh nghiệp đó đã thua lỗ. Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nhận thấy, quy định này giống như chuyện "chữa cháy mà không phòng cháy" và đề nghị, nên quy định rõ hơn, yêu cầu người đại diện chủ sở hữu vốn cần có những cảnh báo và báo cáo sớm từ trước khi xảy ra thua lỗ đối với các dự án đầu tư hoặc đối với các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh khác của doanh nghiệp, nhằm nâng cao trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp.
“Ngoài trách nhiệm phải báo cáo kịp thời, người đại diện chủ sở hữu vốn cần đề xuất các biện pháp can thiệp cho phù hợp và khi có nguy cơ thì phải báo cáo ngay để cảnh báo những rủi ro có thể xảy ra”, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị.
Về phân phối lợi nhuận sau thuế, theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng lợi nhuận sau thuế sau khi chia lãi cho các thành viên góp vốn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (nếu có); bù đắp lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; xử lý các chi phí theo quy định của luật chuyên ngành; xử lý chi phí đầu tư thất bại tại các dự án đầu tư có tính đặc thù, rủi ro cao nhưng không được quy định tại Luật chuyên ngành, chi phí đổi mới sáng tạo, dự án đổi mới thất bại, chi phí thực hiện nhiệm vụ chính trị do cấp có thẩm quyền giao theo quy định của Chính phủ. Phần còn lại được trích lập các quỹ và nộp ngân sách nhà nước.
Nhất trí với nội dung này, song đại biểu Trịnh Xuân An cũng đề nghị, nên nghiên cứu có thêm cơ chế đối với một số trường hợp đặc biệt cho phép doanh nghiệp được để lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhà nước tiên phong, đi đầu làm nhiệm vụ trong những lĩnh vực quan trọng, trọng điểm; kèm với đó, cần có những tiêu chí cụ thể để xác định những trường hợp đặc biệt được hưởng cơ chế này.
“Chúng ta đã giao quyền tự chủ doanh nghiệp rất lớn đối với những dự án, công trình trọng điểm, những nội dung cần để lại lợi nhuận sau thuế thì chúng ta để luôn lại cho doanh nghiệp chủ động phần này”, đại biểu Trịnh Xuân An đề xuất.
ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Tán thành với quy định tại khoản 1, Điều 25 dự thảo Luật quy định về việc trích không quá 50% Quỹ đầu tư phát triển để sử dụng vào mục đích đầu tư phát triển và bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp, ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là tiến bộ rất lớn khi tạo cơ chế bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp nhằm mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, dự thảo Luật cũng khống chế 5 lĩnh vực được phép bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp là: công ích thiết yếu; liên quan đến an ninh - quốc phòng; đầu tư công nghệ số, chuyển đổi số; đầu tư vào những dự án đầu tư lớn về hạ tầng, phát triển hạ tầng và những lĩnh vực then chốt. Đại biểu Trần Anh Tuấn nêu thực tế, việc bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp thực hiện theo Luật số 69 rất khó khăn do bị giới hạn trong 5 lĩnh vực này. Hầu như chưa có doanh nghiệp nào được bổ sung vốn điều lệ kể từ khi Luật này có hiệu lực thi hành.
Đại biểu cũng nêu thực tế, doanh nghiệp hiện nay có nhu cầu rất lớn về vốn, nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ hay đầu tư vào những khu công nghiệp… Nếu giới hạn phạm vi như hiện nay, thì việc trích 50% vốn để tăng vốn điều lệ hay thực hiện các dự án đầu tư cũng không có ý nghĩa vì không thể nào bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp để đầu tư vào những lĩnh vực khác.
Do vậy, đại biểu Trần Anh Tuấn đề nghị, nên phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định việc bổ sung vốn điều lệ theo nhu cầu về vốn, yêu cầu về đầu tư phát triển những ngành, lĩnh vực của địa phương. Việc phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định sẽ mở hơn, linh hoạt hơn và đáp ứng được yêu cầu về vốn để đầu tư cho các doanh nghiệp.
Nhật An
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/nang-cao-tinh-tu-chu-cho-doanh-nghiep-10372317.html