Nâng cao trách nhiệm phòng, chống bạo lực học đường

Nâng cao trách nhiệm phòng, chống bạo lực học đường
13 giờ trướcBài gốc
Trường THCS Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) phối hợp với cơ quan công an tổ chức truyền thông về sử dụng mạng xã hội an toàn cho học sinh.
Thầy giáo Vũ Quang, Hiệu trưởng Trường THCS Thiệu Dương cho biết: “Ở lứa tuổi này, các em rất hiếu động và chưa ý thức được đầy đủ hành vi của mình. Vì vậy, để ngăn chặn kịp thời bạo lực trong học đường, thì vai trò của giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng. Từ việc thường xuyên gần gũi, lắng nghe tâm sự, đề xuất của học sinh, các thầy, cô giáo có lời khuyên bổ ích trong việc hóa giải những mâu thuẫn".
Bạo lực học đường có nhiều nguyên nhân, không chỉ bị bạo lực về thể chất mà còn bạo lực về tinh thần. Trên thực tế đã có nhiều học sinh thành lập hội, nhóm để nói xấu bạn qua mạng xã hội và kêu gọi các bạn không chơi cùng. Từ đó, gây ảnh hưởng nặng nề về tâm lý và tinh thần của người bị cô lập. Cô giáo Khương Thị Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Sơn (Ngọc Lặc) cho biết: “Học sinh ở lứa tuổi này rất thích thể hiện, muốn khẳng định bản thân, vì vậy khi định hướng cho học sinh, chúng tôi phải linh hoạt tuyên truyền bằng nhiều hình thức như sinh hoạt đầu giờ, sinh hoạt dưới cờ, tích hợp trong các môn học; qua các buổi giáo dục kỹ năng sống. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng để tuyên truyền giúp các em hiểu được những thông tin hữu ích về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; cách phòng, chống bạo lực học đường và hậu quả của bạo lực học đường".
Bạo lực học đường có thể được hiểu là những hành động hoặc hành vi gây tổn hại cả về thể chất, tinh thần, thậm chí tình dục đối với học sinh hoặc giáo viên trong môi trường học đường. Nó có thể diễn ra giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, hoặc giữa các thành viên trong trường học với những hành vi như đánh đập, lạm dụng lời nói, quấy rối, đe dọa, và thậm chí là việc sử dụng vũ khí trong một số trường hợp. Các hình thức bạo lực học đường không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn có thể để lại hậu quả lâu dài đối với sức khỏe tâm lý và sự phát triển cá nhân của học sinh.
Theo TS. Nguyễn Thị Lý, Trưởng bộ môn Xã hội học, Khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Hồng Đức thì: “Những đứa trẻ có hành vi bạo lực, chủ yếu là những đứa trẻ đã từng bị bạo lực tại gia đình, tại nhà trường hoặc trong cộng đồng. Muốn chấm dứt bạo lực học đường cần chấm dứt các hành vi bạo lực thể xác, tinh thần tại gia đình, vì thế vai trò của cha mẹ là rất quan trọng. Bên cạnh đó, tại mỗi nhà trường cần phải có các phòng công tác xã hội học đường, nhằm lắng nghe, giải quyết các vấn đề học sinh vướng mắc và hướng dẫn giải quyết các vấn đề bạo lực trong trường học một cách an toàn và hợp lý. Không những thế, phòng công tác xã hội học đường còn có thể tham vấn cho các thầy, cô giáo, bởi thầy cô cũng cần được lắng nghe, chia sẻ tâm tư và quan trọng nhất là đào tạo kỹ năng ứng xử phù hợp trong môi trường sư phạm".
Để hạn chế các vụ bạo lực, tránh cho các em nguy cơ phải đối mặt với những hậu quả không mong muốn, các nhà trường và tổ chức đoàn thể cũng nên tổ chức thêm nhiều sân chơi bổ ích, tăng cường các buổi học ngoại khóa, cuộc thi, xây dựng môi trường học đường hạnh phúc về chủ đề này để mỗi cá nhân không chỉ có kiến thức mà còn có kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường.
Bài và ảnh: Trung Hiếu
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/nang-cao-trach-nhiem-phong-chong-bao-luc-hoc-duong-236339.htm