Mặc dù liên tục phải chịu các cuộc tấn công từ Nga nhằm vào các căn cứ quân sự, Ukraine vẫn duy trì được sức kháng cự trên chiến trường.
Đáng chú ý nhất, Kiev vẫn duy trì năng lực sản xuất vũ khí đủ để đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu vũ khí của quân đội, đặc biệt là các loại pháo, tên lửa và máy bay không người lái (UAV).
Năng lực của Ukraine sau 3 năm chiến sự
Theo tờ The Economist, Ukraine vẫn đang sở hữu những yếu tố quan trọng phục vụ năng lực sản xuất vũ khí, bao gồm các cơ sở kỹ thuật để sản xuất cũng như rất nhiều trường kỹ thuật và trường đại học để đào tạo nhân sự.
Ngoài ra, theo ông Andriy Zagorodnyuk - Chủ tịch nhóm nghiên cứu Trung tâm Chiến lược Quốc phòng (CDS - thủ đô Kiev), nhiều người có kiến thức chuyên môn cao trong các trường đại học đã chuyển sang làm việc cho lĩnh vực quốc phòng, hỗ trợ Ukraine sản xuất vũ khí.
Vẫn còn nhiều yếu tố quan trọng trong nước giúp Ukraine sản xuất vũ khí phục vụ chiến trường. Ảnh: Global Images Ukraine
Thống kê hồi tháng 3-2025 của Viện nghiên cứu tương lai Ukraine (UIF) cho thấy có khoảng hơn 800 doanh nghiệp tư nhân và nhà nước của Ukriane hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, và số lượng công nhân lành nghề làm việc cho các doanh nghiệp này lên tới 300.000 người. Các công ty vũ khí Ukraine cũng sản xuất ra số lượng sản phẩm quân sự trị giá 10 tỉ USD trong năm 2024, tăng gấp 3 lần so với năm 2023 và gấp 10 lần so với năm 2022.
Ông Zagorodnyuk khẳng định nhờ việc giữ được những yếu tố này mà Ukraine vẫn có đủ năng lực sản xuất vũ khí đáp ứng nhu cầu trên các mặt trận. Báo cáo của UIF đánh giá có 30% nhu cầu của lực lượng vũ trang Ukraine được đáp ứng thông qua sản xuất trong nước, trong khi ông Zagorodnyuk cho rằng con số này đạt mức gần 50%.
Và mặc dù vẫn chịu các cuộc tấn công của Nga, khả năng Ukraine sản xuất vũ khí mở rộng theo thời gian. Kiev dự kiến sẽ sản xuất 5 triệu UAV trong năm 2025, tăng gần gấp đôi so với 2 triệu UAV vào năm 2024. Ukraine cũng đã đặt mục tiêu tham vọng rằng sẽ sản xuất hàng chục nghìn UAV tầm xa lớn hơn cũng như hàng nghìn tên lửa hành trình hiện đại có tầm bắn 1.000 km.
Bên cạnh đó, Ukraine cũng đang thúc đẩy sản xuất các loại vũ khí quân sự truyền thống. Năm 2024, Kiev đã sản xuất và gửi hơn 2,5 triệu quả đạn pháo và đạn cối ra tiền tuyến, với sự hỗ trợ của công ty quân sự Nammo (Na Uy) và công ty quân sự liên doanh Pháp-Đức KNDS. Sản lượng hàng tháng của loại pháo tự hành Bohdana do công ty KZVV của Ukraine sản xuất đã tăng tốc từ 6 lên khoảng 20 khẩu. Nếu có nhiều nguồn tài trợ hơn từ châu Âu, sản lượng của pháo Bohdana có thể tăng gấp đôi.
Bên cạnh đó, những yếu tố về nhân sự và kỹ thuật hiện tại còn giúp Ukraine có năng lực phát triển và đổi mới vũ khí, khiến cho công nghệ tác chiến điện tử của Ukraine trở nên tiên tiến.
Ông Nico Lange - cựu quan chức của Bộ Quốc phòng Đức - đánh giá các hệ thống tác chiến điện tử của Ukraine có khả năng vượt trội hơn cả hệ thống của Nga và phương Tây. Một thành công gần đây là máy gây nhiễu Lima, có khả năng làm nhiễu loạn hệ thống dẫn đường của bom lượn của Nga.
Thách thức vẫn còn
Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng cách đáng kể giữa khả năng Ukraine sản xuất vũ khí với nhu cầu trên chiến trường. Trong đó, Ukraine vẫn còn phải phụ thuộc vào nhiều mặt hàng quân sự quan trọng của châu Âu, chẳng hạn như khung gầm cho xe bọc thép chở quân.
Vẫn còn những khoảng cách đáng kể giữa khả năng Ukraine sản xuất vũ khí với nhu cầu trên chiến trường. Ảnh: NPR
Một thách thức quan trọng khác là sự phụ thuộc của Ukraine vào các hệ thống phòng không phương Tây, đặc biệt là các hệ thống của Mỹ. Ông Zagorodnyuk nhận định số lượng mà Kiev đang cần là "quá lớn đến mức không thể đáp ứng được bằng hàng nhập khẩu".
Chuỗi cung ứng của các công ty sản xuất hàng quân sự của Ukraine cũng có vấn đề. Ông Fabrice Pothier - cựu lãnh đạo bộ phận chính sách và kế hoạch của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - lo ngại về sự phụ thuộc của Kiev vào các thành phần của Trung Quốc cho UAV trên chiến trường.
Những điểm yếu trên trong năng lực sản xuất vũ khí của Kiev hoàn toàn có thể khắc phục nếu việc hợp tác quốc phòng và tài chính giữa Ukraine và châu Âu được mở rộng. Thế nhưng, đầu tư trực tiếp của châu Âu vào các công ty quốc phòng Ukraine bị cản trở bởi vấn đề minh bạch trong hệ thống pháp lý của Kiev và mức xếp hạng tín dụng thấp của quốc gia này.
Hiện tại, phần đông các chuyên gia cho rằng mô hình của Đan Mạch là cách nhanh nhất để giúp Ukraine vũ trang binh lính cho nước này. Theo mô hình này, Ukraine sẽ xác định các ưu tiên về vũ khí, Đan Mạch trả tiền mua, và các chuyên gia Đan Mạch sẽ đảm nhiệm việc đánh giá các nhà cung cấp cũng như giám sát giao hàng. Mô hình này đã từng được thực hiện thành công khi vào tháng 9-2024, Đan Mạch đã mua 18 khẩu pháo Bohdana để chuyển giao cho lực lượng Ukraine.
Tuy vậy, xét đến việc một lệnh ngừng bắn toàn diện giữa Nga và Ukraine vẫn còn xa vời và lượng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine sẽ sớm cạn kiệt, cuộc chiến có thể sẽ còn kéo dài với áp lực về vũ khí sẽ ngày một lớn đối với Kiev. Ukraine có thể sẽ phải cần một nỗ lực hỗ trợ lớn hơn đáng kể, với sự tham gia của toàn bộ châu Âu để có thể tiếp tục duy trì năng lực sản xuất vũ khí trong cuộc chiến kéo dài này.
TRỌNG TẤN