Theo Trung tâm Phân tích lịch sử và nghiên cứu xung đột (Anh), pháo binh Nga đã chuyển mình từ "một cỗ máy phụ thuộc vào số lượng thành một hệ thống tinh gọn và chính xác hơn, nhằm tăng hiệu quả và khả năng sống sót trong xung đột".
Pháo binh Nga đã trở nên chính xác hơn và nhanh hơn trong cuộc xung đột ở Ukraine. (Nguồn: Getty Images)
Khả năng phản pháo ngày càng hiệu quả của Nga đang gây nhiều khó khăn cho pháo binh Ukraine. Điều đáng chú ý hơn là những bài học Nga thu được từ thực chiến có thể làm thay đổi sâu sắc học thuyết quân sự của nước này. Theo chuyên gia Sam Cranny-Evans, tác giả của nghiên cứu, nếu điều đó xảy ra, NATO có thể sẽ phải đối mặt với những chiến thuật và công nghệ tương tự trong trường hợp xung đột với Nga.
Thay đổi của Nga bắt nguồn từ thời Liên Xô, khi pháo binh được đầu tư mạnh cho nhiệm vụ chế áp hỏa lực đối phương. Nhiều đơn vị pháo cối và bệ phóng tên lửa được bố trí chuyên biệt để phản pháo, duy trì áp lực liên tục lên trận địa pháo đối phương, một khái niệm mà phương Tây gọi là "phản pháo chủ động", được xem là chìa khóa giành ưu thế hỏa lực.
Trong cuộc xung đột Ukraine, khi phải đối đầu với một lực lượng vẫn sử dụng chiến thuật pháo tập trung và đánh trực diện theo kiểu Liên Xô, chiến lược phản pháo của Nga tỏ ra đặc biệt hiệu quả. Miễn là Ukraine triển khai pháo và sở chỉ huy theo đội hình tập trung, Nga có thể dễ dàng dùng một khẩu đội pháo để tiêu diệt mục tiêu.
Tuy nhiên, khi Ukraine thay đổi chiến thuật, phân tán pháo thành các đơn vị nhỏ và triển khai rải rác, Nga buộc phải tiêu tốn lượng đạn vốn đã khan hiếm. Một khẩu pháo đơn lẻ ẩn trong hàng cây rất khó bị phá hủy bằng loạt pháo không chính xác bắn dàn trải.
Để đối phó, Nga đã có sự điều chỉnh. Từ năm 2014, Nga bắt đầu sử dụng máy bay không người lái (UAV) để cung cấp tọa độ mục tiêu cho pháo binh, phương pháp đã giúp họ đánh bại 3 lữ đoàn Ukraine tại Donbass.
Đây là hình mẫu ban đầu của "tổ hợp trinh sát - hỏa lực", trong đó UAV và các thiết bị trinh sát cung cấp dữ liệu thời gian thực, cho phép pháo binh và tên lửa Nga tấn công chính xác trước khi đối phương kịp rút lui. Dù vẫn tồn tại điểm yếu trong chỉ huy, mô hình này cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Bên cạnh radar và cảm biến âm thanh, những công cụ truyền thống trong phản pháo, Nga còn tăng cường sử dụng UAV trinh sát và UAV tấn công, cùng với đạn pháo dẫn đường. Quy trình phản pháo thường bắt đầu với UAV Orlan phát hiện tia lửa đầu nòng hoặc tín hiệu nhiệt từ pháo Ukraine. Đáng chú ý, mẫu Orlan-30 được trang bị thiết bị chỉ thị laser, có thể dẫn đường cho đạn pháo thông minh Krasnopol 152mm.
Radar cũng đóng vai trò quan trọng khi giúp nhanh chóng xác định vị trí khai hỏa. Orlan-30 có thể truyền video từ khoảng cách 120 km và bay liên tục trong 8 giờ, đủ để giám sát sâu vào lãnh thổ Ukraine hoặc hoạt động lâu dài ở tiền tuyến.
Khi đã xác định được vị trí pháo đối phương, Nga triển khai UAV cảm tử Lancet, truyền video về cho người điều khiển chọn thời điểm tấn công. Điều này đặt pháo thủ Ukraine vào thế khó, nếu di chuyển sớm sau khi bắn để tránh bị phản pháo, họ có nguy cơ bị UAV Lancet phát hiện; nếu ở lại, họ có thể trở thành mục tiêu của đạn Krasnopol được Orlan-30 dẫn đường.
Theo trang phân tích thông tin tình báo dựa trên các nguồn công khai có trụ sở tại Nga Lostarmour cho biết, đến đầu tháng 1, UAV Lancet đã thực hiện hơn 2.700 cuộc tấn công tại Ukraine, trong đó có 1.300 vụ nhắm vào pháo binh và hơn 1.000 vụ gây thiệt hại hoặc phá hủy mục tiêu.
Với khoảng 5.000 khẩu pháo hiện diện ở Ukraine, Nga có lợi thế khi có thể phản pháo hiệu quả mà vẫn duy trì sức mạnh tấn công vào lực lượng và công sự Ukraine. Báo cáo khẳng định, khả năng phản pháo không làm suy yếu sức mạnh tổng thể của pháo binh Nga trong các chiến dịch quy mô lớn, cả tấn công lẫn phòng thủ.
Hiện tại, Nga đang sử dụng nhiều loại pháo tự hành hiện đại như 2S19 Msta-SM2 cỡ 152mm (tầm bắn 40 km, tốc độ bắn 10 phát/phút) và cả M-1978 Koksan cỡ 170mm do Triều Tiên sản xuất (tầm bắn 60 km).
Ngoài ra, Nga còn triển khai các hệ thống tên lửa phóng loạt như Tornado-S (12 quả 300mm, tầm bắn 120 km) và BM-27 Uragan (tầm bắn 72 km). Nếu như trước đây các hệ thống này chủ yếu tấn công diện rộng không chính xác, thì hiện nay chúng có khả năng bắn cả đạn dẫn đường.
Khả năng phản pháo của Nga tiếp tục được cải thiện nhờ tiến trình tự động hóa và tăng cường kết nối dữ liệu, giúp rút ngắn đáng kể thời gian phản ứng. Báo cáo cho biết, đã có bằng chứng UAV có thể liên kết trực tiếp với các khẩu pháo, tạo ra hình thức phản pháo mới, nơi từng khẩu pháo được dẫn đường chính xác bởi UAV để đánh trúng mục tiêu theo yêu cầu.
Dù vậy, Ukraine cũng đạt được một số thành công nhất định, khi phá hủy các radar phản pháo lớn của Nga, buộc đối phương phải sử dụng các radar nhỏ hơn, cho thấy hệ thống phản pháo Nga vẫn còn tồn tại những điểm yếu có thể bị khai thác.
Xuân Minh