Nhật Bản có kế hoạch đưa năng lượng tái tạo trở thành nguồn cung cấp năng lượng hàng đầu vào năm 2040. Ảnh AFP
13 năm sau thảm họa Fukushima, năng lượng hạt nhân dự kiến cũng sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) và sản xuất chất bán dẫn.
Nhật Bản trước đó đã đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Bản dự thảo kế hoạch năng lượng chiến lược mới của quốc gia này dự kiến các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió sẽ chiếm 40-50% sản lượng điện vào năm 2040.
Đây sẽ là một sự gia tăng đáng kể so với mức 23% vào năm ngoái và mục tiêu 38% đã đề ra cho năm 2030.
Là một quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, Nhật Bản "sẽ nỗ lực tối đa để sử dụng năng lượng tái tạo như nguồn năng lượng chính", bản dự thảo nêu rõ. Kế hoạch này sẽ được các chuyên gia xem xét trước khi trình lên Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, Nhật Bản cũng hướng đến một cơ cấu năng lượng cân bằng, không phụ thuộc quá mức vào bất kỳ một nguồn nào, nhằm đảm bảo vừa ổn định nguồn cung năng lượng vừa giảm phát thải carbon.
Năm 2023, gần 70% nhu cầu điện của Nhật Bản vẫn phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện.
Đến năm 2040, Chính phủ đặt mục tiêu giảm tỷ lệ này xuống còn 30-40%. Mục tiêu trước đó cho năm 2030 là 41%, hoặc 42% nếu tính cả hydro và amoniac.
Năng lượng hạt nhân
Tokyo dự báo sản lượng điện của Nhật Bản sẽ tăng 10-20% vào năm 2040 so với năm 2023.
Dự thảo mới của Cơ quan Tài nguyên và Năng lượng Nhật Bản không còn đề cập đến mục tiêu "giảm phụ thuộc đáng kể vào năng lượng hạt nhân", vốn được đặt ra sau thảm họa Fukushima năm 2011.
Sau nhiều sự kiện bao gồm động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân, Chính phủ Nhật Bản đã đóng cửa toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, các nhà máy này đã dần được tái khởi động bất chấp sự phản đối ở một số khu vực, trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh chính sách giảm phát thải.
Chính phủ dự kiến đưa toàn bộ các lò phản ứng hiện có vào hoạt động trước năm 2040, và có khả năng xây dựng thêm lò phản ứng mới.
Mục tiêu của Nhật Bản là năng lượng hạt nhân sẽ chiếm khoảng 20% nhu cầu năng lượng vào năm 2040, tương đương mục tiêu hiện tại cho năm 2030, nhưng vẫn thấp hơn mức 30% trước năm 2011.
Điều này sẽ hơn gấp đôi so với mức 8,5% trong tổng sản lượng điện mà năng lượng hạt nhân đóng góp vào năm 2023.
Giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Nhật Bản đã ghi nhận nhiệt độ mùa hè cao kỷ lục trong năm nay.
Các vấn đề địa chính trị ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng, từ xung đột ở Ukraine đến căng thẳng ở Trung Đông, cũng là một phần lý do khiến Nhật Bản đẩy mạnh chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và hạt nhân, theo bản dự thảo này.
Nh.Thạch
AFP