Bộ Tài chính vừa có dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ kỳ tính thuế năm 2026.
Hai phương án nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân
Dự thảo nghị quyết đã đưa ra 2 phương án về mức giảm trừ gia cảnh. Phương án thứ nhất, mức giảm trừ cho cá nhân nộp thuế được đề xuất tăng lên 13,3 triệu đồng/tháng (tương đương 159,6 triệu đồng/năm), trong khi mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 5,3 triệu đồng/tháng. Phương án thứ hai đưa ra con số cao hơn, với mức giảm trừ cho người nộp thuế là 15,5 triệu đồng/tháng (tức 186 triệu đồng/năm) và 6,2 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc.
Chi phí ăn uống và sinh hoạt tại TP HCM tăng từng năm, trong khi mức giảm trừ gia cảnh đã nhiều năm chưa được điều chỉnh Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hiện nay, theo quy định đang áp dụng từ tháng 7-2020, mức giảm trừ cho cá nhân là 11 triệu đồng/tháng và cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Như vậy, nếu chọn phương án 1, người nộp thuế sẽ được giảm 2,3 triệu đồng/tháng; còn với phương án 2 là 4,5 triệu đồng/tháng. Mức tăng tương ứng với người phụ thuộc là 0,9 triệu đồng và 1,8 triệu đồng.
Theo Bộ Tài chính, nếu điều chỉnh theo 2 phương án trên, người dân sẽ được giảm nghĩa vụ thuế, từ đó tăng thu nhập khả dụng. Dù ngân sách nhà nước có thể giảm thu trước mắt nhưng về lâu dài, tiêu dùng hộ gia đình sẽ được thúc đẩy, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế và gián tiếp tạo nguồn thu mới cho ngân sách từ các hoạt động sản xuất - kinh doanh khác.
Thực tế, nâng mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN là chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của người dân thời gian qua, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Chị Trần Thu Thủy, một người lao động đang sinh sống tại TP Hà Nội, chia sẻ vợ chồng chị đều làm việc trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ, thu nhập mỗi người khoảng 15 - 16 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, với chi phí sinh hoạt ở Hà Nội, vừa phải nuôi con nhỏ thì khoản thu nhập đó chỉ đủ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu như nhà ở, ăn uống, đi lại; những khoản như học hành, y tế ngày càng trở thành gánh nặng. Do đó, chị Thủy nghiêng về phương án 2, thậm chí đề xuất nâng mức giảm trừ lên 17 - 18 triệu đồng/tháng để thật sự tạo ra tác động thiết thực.
Không ít đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng về sự cần thiết của việc điều chỉnh này. Tại kỳ họp vừa qua, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) nhấn mạnh không thể chậm trễ hơn trong việc sửa đổi các quy định liên quan thuế TNCN, đặc biệt là mức giảm trừ gia cảnh, để phản ánh đúng thực tế chi tiêu hiện nay của người dân.
Xem xét sửa đổi toàn diện
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 21-7, chuyên gia kinh tế - PGS-TS Ngô Trí Long nhấn mạnh trong bối cảnh giá cả tăng cao và đời sống người lao động bị bào mòn bởi lạm phát, việc đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN là rất cấp thiết. Mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc hiện đã lỗi thời so với chi phí sống thực tế và chỉ số CPI cũng đã tăng trên 15% từ năm 2020. "Việc duy trì mức cũ khiến người lao động bị đánh thuế cả vào phần thu nhập tối thiểu đáng lẽ phải được bảo vệ, vi phạm nguyên tắc công bằng thuế và dẫn đến lạm thu ngầm" - ông Ngô Trí Long nêu rõ.
Về 2 phương án Bộ Tài chính đưa ra, PGS-TS Ngô Trí Long đánh giá phương án 1 giúp bảo toàn ngân sách nhưng chưa phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Trong khi phương án 2, dù làm giảm thu khoảng 10.000 - 12.000 tỉ đồng/năm nhưng thể hiện tinh thần cải cách đúng đắn, giúp giảm gánh nặng cho người thu nhập thấp mà không ảnh hưởng lớn đến nguồn thu (chủ yếu từ người thu nhập cao).
Không dừng lại ở việc nâng mức giảm trừ, PGS-TS Ngô Trí Long đề xuất cần thiết lập cơ chế điều chỉnh tự động theo diễn biến CPI, đồng thời rà soát toàn bộ biểu thuế lũy tiến để bảo đảm công bằng và phù hợp hơn với thực tiễn đời sống. "Điều chỉnh giảm trừ gia cảnh là cách xây dựng niềm tin xã hội, thể hiện một hệ thống thuế biết chia sẻ và bảo vệ người lao động" - chuyên gia Long nêu rõ và bày tỏ đồng tình với phương án 2, bởi lẽ, đây là phương án "minh chứng cho tinh thần cải cách vì công bằng và thích ứng".
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Việt, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng việc chỉ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh dựa trên ngưỡng CPI tăng 20% như hiện tại đã trở nên lỗi thời và không còn phù hợp. Theo ông, chính sách thuế TNCN cần được xây dựng trên cơ sở các chỉ số đo lường thường xuyên, phản ánh sát thực tế đời sống và mức sống của người dân, thay vì chỉ dựa vào một chỉ số chung như CPI.
Cũng theo chuyên gia này, việc cải cách nên được thực hiện đồng bộ trong khuôn khổ sửa đổi Luật Thuế TNCN, thay vì chỉ ban hành một nghị quyết mang tính tạm thời.
Một đề xuất đáng lưu ý là xác định mức giảm trừ gia cảnh dựa trên mức lương tối thiểu vùng, tức lấy mức lương tối thiểu làm căn cứ, sau đó nhân với một hệ số hợp lý để đưa ra mức giảm trừ phù hợp cho từng khu vực. Phương án này, theo ông Việt, vừa khoa học vừa phản ánh đúng sự khác biệt về chi phí sinh hoạt giữa các vùng miền.
Ngoài ra, mức lương tối thiểu vùng cũng cần được điều chỉnh thường xuyên và thể hiện rõ mặt bằng sống ở từng địa phương, thậm chí có thể trở thành cơ sở hợp lý cho việc thiết kế chính sách thuế công bằng hơn. "Bộ Tài chính cần chủ động rà soát toàn diện Luật Thuế TNCN, trình Chính phủ và Quốc hội theo quy trình rút gọn, nhằm ban hành chính sách vừa "đúng" với thực tế vừa "trúng" với nhu cầu của người dân trong giai đoạn hiện nay" - TS Nguyễn Quốc Việt góp ý.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC NGHĨA, thành viên Hội Tư vấn và Đại lý thuế TP HCM:
Điều chỉnh từ năm 2025
Tôi cho rằng mức giảm trừ gia cảnh cần được điều chỉnh ngay từ kỳ tính thuế năm 2025, chứ không nên chờ tới năm 2026 như đề xuất. Thực tế, trong 5 năm qua, giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nhà ở, y tế, giáo dục… đã tăng nhanh hơn nhiều so với CPI trung bình. Dự báo nửa cuối năm 2025, giá cả sẽ tiếp tục leo thang. Vì vậy, mức giảm trừ 15,5 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 6,2 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, điều đáng nói là Luật Thuế TNCN hiện còn nhiều bất cập, gây thiệt thòi cho người nộp thuế. Ở các nước như Mỹ, Đức hay Thụy Sĩ, người dân được phép khấu trừ thuế đối với nhiều khoản chi phí thiết yếu phát sinh trong quá trình sống và lao động, như chi phí ăn ở, học hành, chữa bệnh, đào tạo chuyên môn... Điều này bảo đảm nguyên tắc công bằng trong thuế. Còn ở Việt Nam, mọi người, dù sống ở đô thị lớn hay vùng nông thôn, đều bị áp chung một mức giảm trừ, bất chấp sự chênh lệch rất lớn về chi phí sinh hoạt.
Do vậy, tôi đề xuất cần sửa đổi luật theo hướng chấp nhận khấu trừ một số chi phí hợp lý khi tính thuế TNCN, có thể quy định hạn mức và yêu cầu người nộp thuế cung cấp hóa đơn, chứng từ. Cụ thể, nên cho phép khấu trừ các chi phí như tiền thuê nhà, điện nước, đào tạo nghiệp vụ, học phí cho con, lãi vay mua nhà ở duy nhất, chi phí đi lại và cả viện phí đối với bệnh hiểm nghèo cho bản thân hoặc người phụ thuộc.
PGS-TS NGUYỄN HỮU HUÂN, Đại học Kinh tế TP HCM (UEH):
Giảm trừ dựa trên mức lương tối thiểu vùng
Theo tôi, xây dựng mức giảm trừ gia cảnh cần dựa trên mức lương tối thiểu vùng. Vì mỗi khu vực có mặt bằng thu nhập và mức sống rất khác nhau, việc áp dụng một mức chung là không công bằng. Ví dụ, ở TP HCM hay Hà Nội, chi phí nuôi con rất cao, chỉ riêng học phí trường công đã 5 - 6 triệu đồng/tháng/trẻ. Vì vậy, mức giảm trừ ở các đô thị lớn cần cao hơn so với vùng nông thôn.
Về biểu thuế lũy tiến hiện nay, khoảng cách giữa các bậc thuế quá hẹp. Thu nhập chỉ cần vượt mốc một chút là đã phải chịu mức thuế cao, ví dụ thu nhập trên 1 tỉ đồng/năm phải đóng tới 35%, điều này làm giảm động lực kiếm tiền chính đáng. Mức thuế với các khoản thu nhập không thường xuyên cũng chưa hợp lý, cần được tính toán lại để phản ánh đúng bản chất thu nhập.
Ông ĐỖ THIÊN ANH TUẤN, chuyên gia Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright:
Cập nhật ngưỡng thu nhập chịu thuế
Hệ thống thuế TNCN cần được cải cách toàn diện thay vì chỉ điều chỉnh một phần nhỏ. Các ngưỡng thu nhập chịu thuế hiện tại cũng nên được cập nhật. Ví dụ, bậc thuế đầu tiên nên tăng từ 5 triệu lên 6 triệu đồng/tháng, bậc tiếp theo từ 6 triệu lên 12 triệu đồng và bậc cao nhất từ 80 triệu lên 96 triệu đồng/tháng. Điều này giúp duy trì mức thuế suất trung bình hợp lý khi thu nhập danh nghĩa tăng do lạm phát.
Ngoài ra, việc thiết kế chính sách thuế nên tính đến sự khác biệt giữa các địa phương. Các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội cần được trao thêm quyền tự chủ tài khóa, bao gồm cả việc điều chỉnh mức giảm trừ, để quản lý ngân sách và phát triển kinh tế địa phương một cách hiệu quả và linh hoạt hơn.
Thy Thơ - Thái Phương ghi
MINH CHIẾN