Công bố thông tin sai lệch có thể bị phạt từ 100 - 200 triệu đồng. Ảnh minh họa
Phạt nặng hành vi gian lận trong phát hành cổ phiếu, trái phiếu
Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán; Nghị định số 128/2021/NĐ-CP, Nghị định số 158/2020/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh. Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Trong đó, nhiều mức phạt mới được đề xuất với chế tài mạnh tay hơn nhằm nâng cao tính minh bạch, bảo vệ nhà đầu tư và đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường.
Theo dự thảo, hành vi làm giả giấy tờ, xác nhận trên giấy tờ giả mạo chứng minh đủ điều kiện chào bán, phát hành trong hồ sơ đăng ký chào bán, phát hành cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ có thể bị phạt từ 2 đến 2,5 tỷ đồng - mức xử phạt cao nhất. Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm còn bị tịch thu giấy tờ giả mạo, buộc thu hồi chứng khoán đã phát hành và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, các hành vi lập, xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán, phát hành cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ có thông tin sai lệch, sai sự thật hoặc che giấu sự thật có thể bị phạt từ 500 đến 600 triệu đồng. Nếu doanh nghiệp thay đổi điều khoản của trái phiếu đã phát hành không đúng quy định, mức phạt có thể lên đến 400 triệu đồng.
Đáng chú ý, dự thảo cũng tăng cường giám sát các vi phạm về công bố thông tin. Không công bố thông tin về chứng khoán có thể bị phạt đến 100 triệu đồng, trong khi công bố thông tin sai lệch có thể bị phạt từ 100 - 200 triệu đồng. Nếu vi phạm nghiêm trọng, cơ quan quản lý có thể buộc doanh nghiệp thu hồi chứng khoán đã phát hành.
Đối với công ty chứng khoán, nếu không thực hiện giám sát giao dịch chứng khoán theo quy định, không báo cáo khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, mức phạt có thể lên đến 300 - 400 triệu đồng. Nếu vi phạm nghiêm trọng, công ty có thể bị đình chỉ hoạt động từ 1 đến 3 tháng.
Tăng thời hạn đình chỉ giao dịch có thời hạn
Theo Ban soạn thảo dự thảo cũng dự kiến nâng hình thức xử phạt bổ sung là tăng thời hạn đình chỉ giao dịch có thời hạn đối với một số hành vi nhất định như hành vi cho mượn tài khoản dẫn đến thao túng (thời hạn đình chỉ lên mức tối đa trong xử phạt hành chính), hành vi vi phạm về báo cáo khi giao dịch vi phạm của cổ đông lớn, của người nội bộ, người có liên quan có khối lượng lớn, (thời hạn đình chỉ đến mức tối đa trong xử phạt hành chính đối với vi phạm có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên).
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco cho biết, dự thảo nghị định mới có thể phân thành một số nhóm gồm: Cập nhật, sửa đổi các vấn đề kỹ thuật để thích ứng với tình hình mới trong bối cảnh ứng dụng chuyển đổi số đã tác động sâu sắc tới các thủ tục hành chính và thủ tục quản lý nhà nước; nâng mức phạt và biện pháp bổ sung để thể hiện rõ nét hơn về tính răn đe và giáo dục đối với các hành vi phạm; bổ sung, sửa đổi một số quy định có tính định hướng hoạt động quản trị của các chủ thể kinh doanh trên thị trường chứng khoán.
Theo Luật sư Hà Huy Phong, các sửa đổi nêu trên có tính cập nhật và hoàn thiện pháp luật theo định hướng minh bạch và cải thiện các tồn tại thực tiễn trên thị trường chứng khoán hiện nay. Ông Phong cũng cho rằng, những sửa đổi như vậy là hoàn toàn phù hợp và có cơ sở thực tiễn. Trong tương lai, cùng với sự thay đổi của Luật Chứng khoán, nghị định về xử phạt sẽ cần có sự điều chỉnh mạnh mẽ hơn, xác lập các triết lý mới và xử lý hành vi vi phạm và điều chỉnh hành vi trên thị trường chứng khoán một cách mạnh mẽ, có tính toàn diện và bền vững hơn.
Bình luận về những nội dung liên quan đến hành vi làm giả giấy tờ, xác nhận trên giấy tờ giả mạo chứng minh đủ điều kiện chào bán, phát hành trong hồ sơ đăng ký chào bán, phát hành cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ, ông Phong cho rằng, thực trạng các hành vi khai khống, làm giả, khai khống và chế cháo hồ sơ không phải là cá biệt. Đây là những hành vi cố ý nhằm mục đích tư lợi, gây thiệt hại trực tiếp cho nhà đầu tư, làm nhiễu loạn thị trường và mất niềm tin của nhà đầu tư, nên cần phải xử lý ở mức độ nghiêm minh nhất.
“Ban soạn thảo nên cân nhắc vấn đề này để nâng cao mức phạt, đồng thời kết hợp với các biện pháp xử lý bổ sung nghiêm khắc và kịp thời hơn nữa để đảm bảo hiệu quả điều chỉnh thị trường của pháp luật” - ông Phong kiến nghị.
Chuyển nhượng trái phiếu trong thời gian hạn chế bị phạt đến 200 triệu đồng
Theo dự thảo nghị định, hành vi chứng nhận việc chuyển nhượng trái phiếu trong thời gian hạn chế hoặc phân phối trái phiếu không đúng quy định có thể bị phạt đến 200 triệu đồng. Trong khi đó, các tổ chức tư vấn phát hành nếu cung cấp thông tin sai lệch về trái phiếu hoặc không kiểm tra kỹ hồ sơ phát hành có thể bị phạt từ 200 đến 300 triệu đồng. Đối với các công ty chứng khoán vi phạm quy định về bảo lãnh phát hành chứng khoán, hình thức xử phạt bổ sung có thể là đình chỉ hoạt động từ 1 đến 3 tháng.
Tấn Minh