Bên cạnh những thuận lợi khi vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1-7 đến nay, các địa phương cũng chia sẻ những khó khăn và đề xuất các giải pháp cụ thể. Từ đó, góp phần giúp mô hình mới vận hành thông suốt, hỗ trợ người dân được tốt nhất.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch HĐND TP.HCM khảo sát tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Tân Đông Hiệp.
Cần liên thông dữ liệu hơn nữa
Ông Võ Chí Thành, Chủ tịch UBND phường Bình Dương (TP.HCM), cho biết phường đang gặp khó khi tốc độ xử lý hồ sơ cho người dân còn chậm do nhiều trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin chưa được trang bị đầy đủ…; cơ sở dữ liệu của các ngành về phường còn chưa liên thông, đồng bộ. Đáng chú ý, một số lĩnh vực như thuế, giấy phép xây dựng, kết nối dữ liệu đất đai, dữ liệu hộ tịch, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cá thể… chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể.
“Đề nghị các ngành bố trí trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ, “thông” dữ liệu của các ngành để phường dễ xử lý các thủ tục hành chính (TTHC)” - ông Võ Chí Thành nói và kiến nghị lãnh đạo TP chia sẻ, sớm trang bị cơ sở vật chất để trung tâm của phường phục vụ người dân được tốt nhất.
Những khó khăn này cũng được UBND phường Thủ Đức (TP.HCM) nêu ra, đồng thời cho biết một số phần mềm giải quyết TTHC chưa thực sự ổn định, thường xuyên xảy ra lỗi kỹ thuật, quy trình xử lý chưa đồng bộ với thực tế, gây khó khăn cho cán bộ, công chức trong thao tác, làm chậm tiến độ giải quyết và kéo dài thời gian chờ của người dân.
Một khó khăn khác được cán bộ tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Tân Đông Hiệp chia sẻ là thủ tục đăng ký biện pháp đảm bảo bằng quyền sử dụng đất (thế chấp) hiện nay phải mất ba ngày để trả kết quả, thay vì chỉ cần 1 ngày như trước.
Lý do là chưa có phần mềm thông suốt, cán bộ chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai đặt tại phường Tân Đông Hiệp phải nhận thủ tục giấy, chuyển về chi nhánh để thực hiện rồi mới trả kết quả cho người dân.
Ông Nguyễn Thanh Huy, Chủ tịch UBND phường Tân Đông Hiệp, cho biết mới đây Chủ tịch HĐND TP.HCM Võ Văn Minh khi làm việc với lãnh đạo phường Tân Đông Hiệp và đã có chỉ đạo “nóng”, yêu cầu UBND phường phối hợp với chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai để có giải pháp sớm, liên thông phần mềm để xử lý trả kết quả trong vòng 1 ngày như trước đây.
Người dân đến làm thủ tục ở phường Đống Đa, TP Hà Nội. Ảnh: TP
Tại phường Đống Đa (TP Hà Nội), mỗi ngày bộ phận “một cửa” tiếp nhận khoảng 200 hồ sơ, từ các thủ tục dân sự như khai sinh, khai tử, kết hôn, hộ khẩu… đến các thủ tục từ cấp quận chuyển về.
Để đáp ứng khối lượng công việc, phường đã bố trí bảy ô tiếp nhận, với bảy cán bộ túc trực, trong đó có hai người tăng cường từ các phòng ban khác. “Dù áp lực lớn, cán bộ vẫn đang cố gắng thích nghi để giải quyết công việc kịp tiến độ, không để người dân phải chờ đợi” - ông Nguyễn Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Đống Đa nói.
Ông Hải cũng kiến nghị các cấp nghiên cứu để phân bổ biên chế hợp lý theo đặc thù từng khu vực. “Phường đông dân, khu vực lõi đô thị khác với ngoại thành; nơi nhiều dịch vụ thương mại khác với nơi làm nông nghiệp. Nếu bố trí số lượng cán bộ hợp lý hơn, hiệu quả xử lý công việc sẽ cao hơn” - ông Hải phân tích.
Ngoài ra, ông cũng đề xuất sớm ban hành hướng dẫn về phân cấp, ủy quyền cho trưởng các bộ phận hoặc chuyên viên được ký hồ sơ chuyên môn, nhằm giảm tải cho lãnh đạo phường, rút ngắn thời gian xử lý.
Theo ông Nguyễn Văn Duy, Chủ tịch UBND phường Hải Châu (TP Đà Nẵng), thống kê từ ngày 1 đến 20-7, Trung tâm phục vụ hành chính công phường Hải Châu đã tiếp nhận trên phần mềm một cửa điện tử tổng cộng 2.011 hồ sơ, đã giải quyết 1.851 hồ sơ.
Ông Duy cho hay chính quyền hai cấp là mô hình mới nên quá trình vận hành phải tổng rà soát lại những “vùng còn mờ”, chưa rõ để tiếp tục điều chỉnh. Chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị có sự thay đổi nên cũng cần điều chỉnh để bộ máy hoạt động thực sự êm mượt.
Còn Chủ tịch UBND phường Hải Vân (TP Đà Nẵng) Nguyễn Thúc Dũng thông tin hiện nay phường bao gồm cả xã Hòa Bắc cũ, là xã miền núi. Do vậy, phường phải bố trí điểm tiếp nhận TTHC và cử một bộ phận cán bộ lên khu vực này để hỗ trợ người dân. Về lâu dài, phường Hải Vân hướng đến phương án kết nối trực tuyến giữa bộ phận tiếp nhận ở vùng sâu, vùng xa với trung tâm phục vụ hành chính công ở phường để khi tiếp nhận hồ sơ thì trao đổi, xử lý ngay.
Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hải Châu (TP Đà Nẵng) hoạt động trơn tru, hiệu quả sau một tháng vận hành theo mô hình chính quyền mới. Ảnh: TẤN VIỆT
Hướng dẫn xử lý tài liệu trước sáp nhập
Tại TP Hải Phòng, địa phương cũng gặp những khó khăn như quá tải công việc, nhân lực mỏng, phó chủ tịch UBND xã kiêm nhiệm giám đốc Trung tâm hành chính công khiến công việc điều hành đôi lúc bị gián đoạn…
Tại kỳ họp HĐND TP Hải Phòng ngày 25-7 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu đề nghị trong sáu tháng cuối năm, UBND, HĐND TP Hải Phòng cần tập trung cao cho việc vận hành hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bảo đảm thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
“Chính quyền phải là nơi giải quyết vấn đề cho người dân và doanh nghiệp hiệu quả, nhanh chóng chứ không chỉ đơn thuần là nơi tiếp nhận thủ tục” - ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh và yêu cầu tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, bố trí, sắp xếp, cán bộ có chuyên môn cho cấp xã, nhất là cán bộ có chuyên môn về xây dựng, đất đai, khoa học công nghệ và chuyển đổi số…
Với Đồng Tháp, chính quyền tỉnh này đang xây dựng chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức và lên kế hoạch cải tạo trụ sở làm việc. Rà soát hệ thống thể chế, tập huấn quy định mới, bố trí nguồn lực phù hợp và đảm bảo vận hành hệ thống thông tin quản lý hành chính thông suốt, chú trọng việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị từ người dân, doanh nghiệp.
Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Tư pháp và các đơn vị kỹ thuật sớm đồng bộ phần mềm quản lý hộ tịch và TTHC. Bộ Nội vụ cần hướng dẫn chỉnh lý hồ sơ địa giới hành chính mới và xử lý khối tài liệu của các đơn vị trước sáp nhập.
Trong khi đó, Cà Mau đã kịp thời lập 12 tổ công tác để trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương khi chính quyền hai cấp đi vào vận hành. Đồng thời, một tổ tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các đơn vị, địa phương cũng được lập để tiếp nhận và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
Tỉnh Vĩnh Long cũng lập các tổ kỹ thuật chuyên trách để hỗ trợ xử lý các vấn đề liên quan đến vận hành các phần mềm dùng chung và Trung tâm phục vụ hành chính công. Cùng với đó, rà soát, xây dựng phương án bố trí nhân sự bổ sung để đáp ứng yêu cầu xử lý công việc. Đẩy nhanh tiến độ sửa chữa trụ sở, nhà công vụ, nhà lưu trú để bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức về trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh làm việc…
NHÓM PHÓNG VIÊN
Rất đông người dân, doanh nghiệp đến giải quyết thủ tục hành chính tại phường Bình Dương. Ảnh: LÊ ÁNH