Được định giá 213 tỷ USD
Theo thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, quần thể danh thắng Tràng An hiện có diện tích trên 12.100 ha với hơn 44.000 người đang sinh sống. Từ khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014, đời sống của người dân địa phương đã có nhiều thay đổi tích cực, với hơn 10.000 lao động trực tiếp và hơn 20.000 lao động gián tiếp tham gia vào các công việc như chèo đò, bán hàng lưu niệm, hướng dẫn viên, kinh doanh lưu trú, nhà hàng, dịch vụ vận chuyển và các hoạt động du lịch cộng đồng khác.
Tràng An là điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế. Ảnh: Đình Minh
Không chỉ là tài sản văn hóa, Tràng An còn mang giá trị kinh tế khổng lồ. Tại hội thảo quốc tế “Lượng hóa giá trị quần thể danh thắng Tràng An và phát triển thương hiệu của điểm đến di sản thế giới” được tổ chức vào tháng 3/2025 tại Ninh Bình, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý Việt Nam và quốc tế đã xác định, giá trị của di sản thế giới Tràng An ước tính đạt 213 tỷ USD. Con số này được đo lường dựa trên nền tảng của 10 nhóm giá trị cốt lõi bao gồm: Giá trị giải trí; giá trị hệ thống cảnh quan karst; giá trị đa dạng sinh học; giá trị khảo cổ; giá trị rừng đặc dụng Tràng An; giá trị văn hóa đình, đền, chùa; giá trị văn hóa lễ hội; giá trị văn hóa nghệ thuật biểu diễn dân gian; giá trị đất ở có tác động mạnh mẽ từ di sản trong khu vực vùng lõi di sản và giá trị đất ở có tác động từ di sản trong khu vực vùng đệm di sản.
Theo ông Jonathan Baker - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, nghiên cứu này đánh giá tác động kinh tế của Tràng An trên bốn khía cạnh chính, đó là đóng góp vào sinh kế của người dân địa phương; sử dụng đất bền vững; bảo tồn và phát triển du lịch di sản; khả năng phục hồi kinh tế dài hạn. Ngoài những giá trị trên, Tràng An còn được đánh giá dựa trên những tác động trực tiếp của di sản đến kinh tế du lịch và các ngành công nghiệp văn hóa của địa phương; những tác động và mối quan hệ hữu cơ giữa di sản văn hóa với hoạt động định cư và sinh kế bền vững tại cơ sở.
Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình khẳng định: Với giá trị về kinh tế, văn hóa - lịch sử và cảnh quan tự nhiên, sau khi 3 tỉnh hợp nhất, di sản Tràng An sẽ có một vị thế chiến lược mới, với vai trò như “trái tim phát triển”, góp phần kết nối các vùng kinh tế, mở rộng không gian du lịch, thu hút đầu tư, tạo động lực cho các ngành kinh tế khác theo mô hình “du lịch dẫn dắt”.
Nâng tầm thương hiệu
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết: Theo quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tràng An sẽ là trung tâm của “Đô thị di sản thiên niên kỷ”, một mô hình đô thị đặc trưng kết hợp giữa bảo tồn di sản và phát triển hiện đại. TP Hoa Lư, được định hướng trở thành đô thị loại I và đến năm 2035 sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương.
“Với việc TP Hoa Lư dự kiến sẽ là trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới, tương lai khu vực này sẽ được đầu tư rất mạnh, về cả hạ tầng giao thông, đô thị và dịch vụ. Nằm trong lòng thành phố, di sản Tràng An sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích, về cả vị thế, sự đầu tư và công tác bảo tồn”- ông Mạnh nhận định.
Theo ông Mạnh, sau khi hợp nhất 3 tỉnh, việc liên kết các điểm du lịch sẽ được đẩy mạnh theo hướng hình thành một chuỗi giá trị du lịch thống nhất, lấy Tràng An là trung tâm. “Sau hợp nhất, Tràng An sẽ không còn là “điểm đến nổi bật” mà phải trở thành “điểm đến dẫn dắt”, là đầu tàu kéo theo các cụm du lịch lân cận cùng phát triển, từ chùa Tam Chúc (Hà Nam) đến đền Trần, phủ Dầy ở Nam Định”- ông Mạnh khẳng định, đồng thời cho rằng, khi Tràng An được nâng tầm, cũng đồng nghĩa với việc di sản này sẽ trở thành “gương mặt đại diện” cho thương hiệu du lịch của tỉnh mới, được ưu tiên trong các chiến dịch quảng bá quốc tế. Đây là cơ hội vàng để đưa Tràng An từ một điểm đến nổi tiếng trong nước, trong khu vực thành một biểu tượng của di sản trong tâm thức du khách quốc tế.
Đình Minh