Hỗ trợ nâng cao tay nghề
Được thành lập từ năm 2021, mô hình “Đan, dệt thổ cẩm” tại làng Thơh Ga B (xã Chư Don) đã thu hút 10 phụ nữ Jrai tham gia. Tham gia mô hình, các thành viên được tập huấn nâng cao tay nghề; từ đó, tạo ra những sản phẩm thổ cẩm độc đáo, màu sắc tinh tế, bắt mắt, vừa sử dụng trong gia đình và bán để kiếm thêm thu nhập.
Phụ nữ làng Thơh Ga B (xã Chư Don) được tập huấn nâng cao tay nghề khi tham gia mô hình “Đan, dệt thổ cẩm”. Ảnh: N.T
Gắn bó với khung dệt từ nhỏ, chị Rmah H’Alen chia sẻ: “Trước đây, tôi dệt thổ cẩm để phục vụ cho gia đình. Từ khi tham gia mô hình, tôi được chỉ dạy kỹ thuật dệt các hoa văn khó và có cơ hội học hỏi thêm kinh nghiệm từ các nghệ nhân trong vùng để tạo ra những sản phẩm đẹp hơn. Đặc biệt, sản phẩm còn có cơ hội được nhiều người biết đến khi tham gia trưng bày tại các hội chợ, phiên chợ nông sản”.
Bà Rơ Mah H’Phũin-Chủ nhiệm mô hình-cho hay: “Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm trong các ngày lễ, Tết hay đám cưới của người Jrai ngày càng tăng, chúng tôi đã vận động những chị em biết dệt trong làng Thơh Ga B tham gia mô hình. Nhờ nỗ lực và chịu khó học hỏi, sau một thời gian, sản phẩm thổ cẩm do chị em làm ra được tiêu thụ ngày càng nhiều, không những giúp họ có thêm thu nhập mà còn góp phần khuyến khích, động viên chị em gắn bó, giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc”.
Những sản phẩm thổ cẩm của phụ nữ làng Thơh Ga B đều dệt thủ công nên để hoàn thành sản phẩm có khi phải mất 1 tuần, 1 tháng, thậm chí lâu hơn. Sự cầu kỳ đó như càng tôn thêm giá trị, vẻ đẹp của sản phẩm thổ cẩm truyền thống. Tranh thủ lúc rảnh rỗi việc đồng áng, các thành viên mô hình cũng dệt được 1-2 tấm thổ cẩm/tháng. Mỗi tấm vải thổ cẩm được chị em bán với giá từ 1,2 triệu đồng trở lên. Trong những lễ hội của làng, bà con cũng phấn khởi, hãnh diện khoác những trang phục thổ cẩm rực rỡ sắc màu do chính mình và người làng mình làm ra.
Bà Nguyễn Thị Hiền-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Chư Pưh-chia sẻ: Mô hình “Đan, dệt thổ cẩm” không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống mà còn thể hiện nỗ lực trong hành trình chinh phục ước mơ và khát vọng của phụ nữ Jrai huyện Chư Pưh. Họ ngày càng nỗ lực vượt qua định kiến giới và thể hiện giá trị bằng tài năng, tri thức, lan tỏa tinh thần tích cực trong cộng đồng; từng bước khẳng định vai trò, vị thế của mình trong gia đình và xã hội.
Cơ hội mới cho nghề dệt thổ cẩm
Mới đây, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Chư Pưh đã triển khai hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho 10 thành viên tham gia mô hình “Đan, dệt thổ cẩm” tại làng Thơh Ga B. Dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Kpă H’Mi, chị em được tìm hiểu về công tác bảo tồn nghề dệt truyền thống, giá trị văn hóa của nghề dệt thổ cẩm cũng như các giải pháp bảo tồn và phát huy nghề dệt trong cộng đồng.
Ngoài ra, họ còn được hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng cây bông, làm sợi, dệt vải bằng khung dệt truyền thống, nhuộm vải và cách trang trí hoa văn trên thổ cẩm.
Những tấm áo thổ cẩm do chị em phụ nữ Jrai huyện Chư Pưh dệt nên. Ảnh: N.T
Nghệ nhân Kpă H’Mi cho biết: “Nghề dệt thổ cẩm gắn liền với cuộc sống hàng ngày, thể hiện đức tính khéo léo, chịu khó, đảm đang của người phụ nữ Jrai. Vì vậy, trước đây, phụ nữ trong làng ai cũng biết dệt thổ cẩm. Tôi cũng học từ mẹ và biết dệt khi còn rất trẻ, giờ truyền dạy lại cho chị em với mong muốn có thể giữ gìn được nghề truyền thống của dân tộc mình”.
Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm tại huyện Chư Pưh vẫn đối mặt với không ít thách thức khi một bộ phận giới trẻ ít quan tâm đến nghề dệt truyền thống và sản phẩm thiếu thị trường tiêu thụ ổn định. Để khắc phục tình trạng này, theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Chư Pưh: Từ nguồn vốn Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Hội sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ kinh phí, tổ chức các lớp tập huấn, quảng bá sản phẩm của các mô hình phát triển kinh tế từ tài nguyên bản địa như dệt thổ cẩm.
ĐINH YẾN