Nắng vàng giữa trong xanh rừng ngập nước

Nắng vàng giữa trong xanh rừng ngập nước
20 giờ trướcBài gốc
Gọi lấy chân tình
Sàn diễn mang tên Tra Su Bamboo
Bước lên chiếc “tắc ráng” rẽ sóng xuyên qua kênh rạch, du khách dễ dàng cảm nhận nhịp sống tự nhiên đang thở ngay bên mạn xuồng. Những bông điên điển vàng óng vươn lên khỏi thảm bèo xanh, xa xa là tiếng vỗ cánh của bầy cò trắng, cồng cộc, thậm chí thấp thoáng bóng hạc cổ dài. Theo thống kê mới nhất, Trà Sư hiện là “tổ ấm” của hơn 70 loài chim, trong đó có hai loài quý hiếm ghi danh Sách Đỏ Việt Nam: giang sen (Mycteria leucocephala) và điêng điểng phương Đông (Anhinga melanogaster). Hệ sinh thái còn ghi nhận hơn 140 loài thực vật, 11 loài thú, 22 loài bò sát và lưỡng cư cùng hàng chục loài cá nước ngọt.
Thân cò trắng tựa như bông
Điểm nhấn trải nghiệm là cây cầu tre dài gần 10km uốn lượn xuyên rừng - công trình được công nhận là cầu tre trong rừng dài nhất Việt Nam. Dạo bộ trên cầu, du khách như được “lơ lửng” giữa biển bèo và đầm sen, ngắm những thân tràm tuổi đời hàng chục năm phủ rêu phong. Cuối hành trình, một tháp quan sát mở ra tầm nhìn 360 độ: phía xa là dãy Thất Sơn vời vợi, phía dưới là bạt ngàn tán tràm mướt mát hòa cùng những dòng kênh xếp chằng chịt như bàn cờ.
Mỗi mùa, cánh rừng khoác một tấm áo riêng. Từ tháng 9 đến tháng 11 – mùa nước nổi, mực nước dâng cao, bèo tấm phủ kín mặt kênh, tạo nên màu xanh non mịn như lụa. Tháng 12 đến tháng 4 năm sau, nước rút dần, để lộ những mảng đất phèn, nơi sen và súng bung nở rực rỡ, tỏa hương dìu dịu trong nắng hanh khô.
Vươn mình bằng tình yêu quốc tế
Nuôi dưỡng những tâm hồn vui
Trà Sư đóng vai trò như “lá phổi” điều hòa vi khí hậu cho cả vùng Bảy Núi, giữ nước ngọt, rửa phèn và là nơi trú ngụ của vô số sinh vật đặc hữu. Năm 2005, Trà Sư được công nhận là Khu bảo tồn cảnh quan đặc sắc; năm 2023 tiếp tục nhận danh hiệu “Điểm du lịch sinh thái hấp dẫn” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao tặng - minh chứng cho nỗ lực gìn giữ song hành phát triển bền vững. 2024, lần nữa đoạt giải “Khu, điểm du lịch đón nhiều khách du lịch nhất năm” của Vietnam Travel Awards 2024.
Có lẽ hiếm nơi nào mà yếu tố nhân văn và tự nhiên hòa quyện như vậy. Trên chiếc xuồng chèo tay, người lái đò rủ rỉ kể chuyện khai hoang thuở trước: khi vùng đất này còn hoang vu, cha ông họ trồng từng hom tràm để “giữ đất”, đến nay thành khu rừng xanh biếc bao la.
Thanh khiết sen Trà Sư khắp chốn
Trong hành trình khám phá Tây Nam Bộ, rừng tràm Trà Sư không chỉ là điểm dừng chân ngắm cảnh, mà còn là lời nhắc nhở dịu dàng về trách nhiệm của mỗi người đối với thiên nhiên, để lắng nghe bản nhạc hoang dã, của sự sống bền bỉ nơi đất phương Nam.
Phục Linh
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/nang-vang-giua-trong-xanh-rung-ngap-nuoc-231995.html