Kinh tế Đức đang trên bờ vực suy thoái và không thể đảo ngược, đúng lúc chính trường rơi vào bất ổn. Trong ảnh: Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu sau khi không thể vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, ngày 16/12. (Nguồn: AFP)
Theo đó, nền kinh tế "đầu đàn" của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang trên con đường suy thoái chậm, nhưng có nguy cơ không thể đảo ngược xu hướng đáng lo ngại này.
Những thách thức kinh tế của Đức đang gia tăng, với nhu cầu toàn cầu trì trệ, thiếu lao động lành nghề và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Nền kinh tế Đức hiện được dự báo sẽ suy giảm năm thứ hai liên tiếp vào năm 2024, trở thành nền kinh tế hoạt động yếu nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Đức là cơ sở công nghiệp của châu Âu. Người ta còn lo ngại rằng, đầu tàu kinh tế suy yếu thì toàn bộ "Lục địa già" sẽ phải gánh chịu hậu quả. Vào quý II, tăng trưởng khu vực Eurozone và cả châu Âu chỉ đạt 0,2% so với quý I, yếu hơn ước tính trước đó của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat).
Các tính toán cho thấy, sau 5 năm trì trệ, nền kinh tế Đức hiện đã mất hơn 5 điểm phần trăm lẽ ra đạt được nếu xu hướng tăng trưởng đạt được trước đại dịch Covid-19 duy trì.
Quốc gia Trung Âu đang phải đối mặt với hàng loạt "cú sốc" mang tính cấu trúc, chẳng hạn như mất nguồn năng lượng giá rẻ của Nga, những khó khăn của các gã khổng lồ từng một thời làm nên tên tuổi nền công nghiệp Đức - ô tô Volkswagen AG và Mercedes-Benz Group AG, đang chật vật đuổi theo và cạnh tranh với các tên tuổi tới từ Trung Quốc.
Sự suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia dẫn đến việc mỗi hộ gia đình Đức thiệt hại khoảng 2.500 Euro (khoảng 2.600 USD) mỗi năm.
Amy Webb, người sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành của Viện Future Today, đơn vị tư vấn cho các công ty Đức về chiến lược, nhấn mạnh rằng, "kinh tế Đức không sụp đổ trong một đêm. Chính điều đó làm cho viễn cảnh này trở nên cực kỳ đáng sợ".
Chuyên gia này đã dự đoán về một cuộc suy thoái dần dần và kéo dài, sẽ ảnh hưởng không chỉ là một doanh nghiệp hay một thành phố, mà là toàn bộ nước Đức và khả năng còn kéo theo cả châu Âu.
Kịch bản này có thể được hình dung qua việc Đức mất thêm nhiều ngành sản xuất lớn sử dụng nhiều năng lượng, xuất khẩu giảm do các công ty trong nước thắt chặt đầu tư. Khi mức sống suy giảm, cử tri bắt đầu tìm người để đổ lỗi, dẫn đến căng thẳng xã hội, gây hạn chế nguồn nhân lực nước ngoài mà Đức đang rất cần.
Theo Văn phòng thống kê Liên bang Đức (Destatis), trừ tháng 6/2024, số doanh nghiệp mất khả năng thanh toán hàng tháng đã tăng ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước kể từ tháng 6/2023. Số doanh nghiệp tại Đức phá sản trong tháng 10/2024 tăng 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái, do những khó khăn liên tục của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Như vậy, sự phục hồi kinh tế được mong đợi từ lâu của Đức dường như đang ngày càng xa xôi, khi các Viện nghiên cứu kinh tế chủ chốt đồng loạt hạ dự báo nền kinh tế số 1 châu Âu trong những năm tới. Viện Kinh tế thế giới Kiel của Đức cho biết, nền kinh tế Dức có thể sẽ trì trệ vào năm 2025, sau khi lần lượt giảm 0,3% vào năm 2023 và giảm 0,2% vào năm 2024.
Báo cáo của Viện Kiel cho biết, nền kinh tế Đức không thể thoát khỏi tình trạng trì trệ, đồng thời nói thêm rằng "hiện có rất ít dấu hiệu cho thấy sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ". Tăng trưởng năm 2026 cũng được điều chỉnh giảm xuống 0,9% từ mức dự báo 1,1% trước đó.
Chuyên gia Geraldine Dany-Knedlik, phụ trách bộ phận dự báo kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW Berlin) phân tích, nền kinh tế đầu đàn của châu Âu đang phải đối mặt với sự kết hợp đầy thách thức giữa sự suy yếu theo chu kỳ và các vấn đề về cấu trúc". Trong đó, chi phí năng lượng và vật liệu tăng, cạnh tranh và chính sách thuế quan thương mại tiềm tàng của Mỹ là những trở ngại lớn đối với sản xuất và xuất khẩu của nước này.
Chuyên gia Timo Wollmershaeuser, người đứng đầu bộ phận dự báo tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo (Đức) chỉ ra rằng, các chính sách tiền tệ thắt chặt ở châu Âu và những thị trường xuất khẩu chủ chốt của Đức đã làm sụt giảm các đơn đặt hàng công nghiệp, tiếp tục gây áp lực lên nền kinh tế.
Trong khi đó, quan điểm không tăng nợ công để kích thích kinh tế của Đức được một số chuyên gia cho là sai lầm và kéo theo cả châu Âu đi xuống. Nhà kinh tế học Isabella Weber tại Đại học Massachusetts cho rằng, lập trường tài chính của Đức là "sai lầm lịch sử", khiến nền kinh tế hàng đầu châu Âu phục hồi kém sau đại dịch.
Tính trong 8 quý gần nhất, kinh tế Đức tăng trưởng âm 3 quý, mức giảm mạnh nhất là 0,3% vào quý III/2023, tích cực nhất là tăng 1,7% hồi quý III/2022. Kể từ quý IV/2019 đến nay, tăng trưởng của Đức chỉ 0,3%, kém xa Pháp (3,8%) và Mỹ (9,4%). Nhưng thâm hụt ngân sách của Đức dự kiến chỉ 1,9% và nợ công là 63% GDP năm nay. Đây là điều kiện thuận lợi để tăng chi tiêu công nhằm kích thích kinh tế.
Theo Le Monde, kinh tế Đức đang trì trệ, với mô hình suy yếu về mặt cấu trúc nhưng có tài chính công lành mạnh. Việc không có kế hoạch kích thích kinh tế càng gây thiệt hại vì cuộc khủng hoảng kinh tế của Đức không phải là tạm thời, với hàng loạt yếu tố: tăng trưởng năng suất kém, dân số giảm và có tình trạng đầu tư không đủ lớn vào các khu vực tư lẫn công...
Trong khi đó, tương lai tươi sáng hơn đối với nền kinh tế Đức vẫn chưa thể nhìn thấy ở phía trước con đường. Diễn biến mới nhất trên chính trường Đức, Thủ tướng Olaf Scholz vừa mất ghế khi không thể vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội Đức. Cuộc bầu cử sớm có thể mở ra cơ hội thay đổi hướng đi của nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Tuy nhiên, chính phủ Đức vẫn đang thiếu những chính sách tham vọng để giải quyết các thách thức cốt lõi.
Diễn biến đẩy chính trường Đức vào bất ổn, giữa lúc kinh tế nước này chật vật vì giá năng lượng cao và phải đối phó với sự cạnh tranh mạnh từ bên ngoài. Về địa chính trị, Đức không chỉ đang đối đầu Nga liên quan chiến sự tại Ukraine, mà sự trở lại của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump với những chính sách kinh tế "không thân thiện" dấy lên bất ổn về quan hệ thương mại song phương và tương lai NATO.
Dự kiến, cuộc bầu cử sớm tại Đức sẽ diễn ra vào tháng 2/2025, các thông tin mới nhất hiện chưa cho thấy khả năng sớm ổn định nào.
Minh Anh