Ảnh tư liệu: Một cửa hàng treo biển giảm giá tại Rome, Italy. Ảnh: THX/TTXVN
Những thách thức này bao gồm suy thoái kinh tế toàn cầu, chi phí năng lượng tăng và sự chậm trễ trong việc giải ngân chương trình Quỹ phục hồi và chống đỡ quốc gia (PNRR), được Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Italy (UPB) mới đây công bố dự báo tăng trưởng kinh tế nước này. Theo đó, cơ quan này ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italy sẽ tăng 0,8% trong năm 2025, chủ yếu nhờ nhu cầu trong nước phục hồi dần, và 0,9% vào năm 2026, sau khi điều chỉnh giảm ước tính tăng trưởng của năm 2024 từ 0,8% xuống 0,7%.
Cơ quan này cũng dự báo rằng sau khi giảm xuống 1% trong năm 2024, tỷ lệ lạm phát của Italy sẽ tăng lên mức mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là khoảng 2% vào năm 2025.
Báo cáo nhấn mạnh rằng các yếu tố quốc tế "có tác động mạnh đến một nền kinh tế rất mở cửa với thương mại như kinh tế Italy”. Báo cáo viết: "Năm 2025 bắt đầu với một số tin tức ở cấp độ toàn cầu, đặc biệt là về biến đổi khí hậu và cân bằng địa kinh tế, trong khi các chính sách bảo hộ mới của Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ gây ra những tác động tiêu cực, có thể là đáng kể. Thị trường tiền tệ và nguyên liệu thô bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất ổn khác nhau này: sự biến động của các nguồn năng lượng chính, đặc biệt là khí đốt tự nhiên, là một trong những yếu tố rủi ro hàng đầu đang được quan sát. Thương mại quốc tế cũng vẫn yếu, với sự suy giảm của các nước tiên tiến so với hiệu suất tốt của những nước mới nổi".
Những dự báo này chịu ảnh hưởng của sự kết hợp giữa các yếu tố bên trong và bên ngoài Italy. Nền kinh tế toàn cầu đang chịu áp lực, với thương mại quốc tế giảm sút và việc giá khí đốt tăng cao tiếp tục gây áp lực lên chi phí của các doanh nghiệp và gia đình. Về mặt trong nước, dữ liệu sơ bộ cuối năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 cho thấy có những dấu hiệu suy yếu, quá mong manh để thúc đẩy sự phục hồi. Ngoại lệ là thị trường việc làm của Italy, nơi tiếp tục cho thấy những dấu hiệu năng động.
Ngoài GDP, UPB nhấn mạnh tầm quan trọng của chỉ số giảm phát GDP (còn gọi là chỉ số điều chỉnh GDP), một chỉ số chính đối với tài chính công, sẽ duy trì ở mức trên 2% trong suốt giai đoạn dự báo. UPB “vẽ” nên một bức tranh kinh tế có nguy cơ sụt giảm. Ở cấp độ toàn cầu, sự suy thoái trong thương mại, chi phí năng lượng cao và sự không chắc chắn liên quan đến xung đột và chính sách thương mại tiếp tục là những yếu tố quan trọng. Ở trong nước, nhu cầu yếu và sự chậm trễ trong việc thực hiện PNRR đè nặng lên triển vọng tăng trưởng.
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Italy trong năm 2025 xuống còn 0,7%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự đoán trước đó. Trong khi đó, IMF nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2026 của Italy thêm 0,2 điểm phần trăm lên 0,9%.
Cùng ngày Cơ quan thống kê quốc gia Italy (ISTAT) cho biết doanh số bán lẻ của nước này trong năm 2024 đã tăng 0,7% về giá trị so với năm trước, nhưng giảm 0,4% về khối lượng. Dữ liệu cho thấy cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tiếp tục có tác động, khi người dân Italy phải trả nhiều tiền hơn để nhận được ít hàng hóa hơn.
Dương Hoa (P/v TTXVN tại Rome)