Nền móng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển

Nền móng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển
6 giờ trướcBài gốc
Trong thư gửi cho giới công thương ngày 13-10-1945, Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này… Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới công thương nỗ lực khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập công thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân”.
Lời lẽ giản dị, nhưng chứa đựng thông điệp mang tính nguyên lý: xây dựng đất nước không thể thiếu vai trò của giới kinh doanh. Nhà nước không “cải tạo” hay “quản lý”, mà đồng hành, hỗ trợ họ.
Thời điểm đó, với nhiều cán bộ cách mạng xuất thân từ nông dân, công nhân nên quan điểm nhìn giới “tư sản” vẫn còn dè dặt, thậm chí đối nghịch. Nhưng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ vượt qua định kiến giai cấp mà Người còn nhìn thấy nơi doanh nhân một lực lượng yêu nước đặc biệt: có tri thức, có vốn liếng, có tinh thần tự cường, và nếu biết dẫn dắt đúng, họ sẽ trở thành lực lượng kiến quốc mạnh mẽ.
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW, xác định KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, sự thay đổi này, không chỉ là một sự điều chỉnh chính sách mà còn là một bước tiếp nối mạnh mẽ di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong số hơn 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khu vực KTTN, trong đó trọng tâm là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp) luôn có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. KTTN đang đóng góp hơn 50% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm (chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế ). Vì thế, việc chính thức trao vai trò là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế” cho khu vực KTTN là quyết định đúng lúc, đúng vai.
Rõ ràng, Nghị quyết số 68-NQ/TW không phải là một bước ngoặt rời rạc mà là điểm gút quan trọng của một hành trình dài khởi nguồn từ tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã gieo hạt từ khi đất nước còn sơ khai, và hôm nay, hạt giống ấy đang đơm hoa trong kỷ nguyên mới của kinh tế Việt Nam.
Doanh nhân thời đại 4.0 hôm nay có thể không còn phải lo “cải tạo tư sản” như xưa, nhưng lại đối mặt với những thử thách mới: cạnh tranh toàn cầu, áp lực chuyển đổi số, đòi hỏi phát triển bền vững... Trong hành trình đó, tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm vẫn là chiếc la bàn phương hướng: giữ gìn văn hóa dân tộc, đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi nhuận ngắn hạn, trung thành với khát vọng phụng sự quốc gia. Điều các thế hệ doanh nhân, khu vực KTTN cần, có lẽ không chỉ là chính sách tốt mà là sự tin tưởng, ghi nhận và khích lệ đúng lúc từ Nhà nước, xã hội. Và, khi nhìn lại, Bác chính là người đầu tiên làm điều đó, từ năm 1945.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nhân chưa từng cũ, bởi tư tưởng đó được xây trên nền tảng đạo lý, thực tiễn và lòng tin vào con người. Trong hành trình đổi mới hôm nay, nếu chúng ta khơi dậy được tinh thần ấy thì KTTN không chỉ là động lực mà có thể sẽ là trụ cột cho một Việt Nam phát triển, độc lập và thịnh vượng trong kỷ nguyên mới.
NGỌC QUANG
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/nen-mong-thuc-day-kinh-te-tu-nhan-phat-trien-post795450.html