Nghị quyết 68 đưa 'cánh buồm' kinh tế tư nhân ra biển lớn

Nghị quyết 68 đưa 'cánh buồm' kinh tế tư nhân ra biển lớn
8 giờ trướcBài gốc
Với khát vọng trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần một cú hích mạnh hơn cho kinh tế tư nhân. Ảnh minh họa. (Nguồn: VGP)
Ngày 4/5, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết được đánh giá là một dấu mốc lịch sử trong tiến trình phát triển của Việt Nam; là động lực mạnh mẽ đưa "cánh buồm" kinh tế tư nhân ra biển lớn.
Đưa kinh tế tư nhân "cất cánh"
Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đã trở thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), đến đầu năm 2025, cả nước có trên 940.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động cùng hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Khu vực này đóng góp khoảng 50% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và thu hút khoảng 82% lực lượng lao động cả nước.
Điều đó đồng nghĩa với việc, cứ 10 lao động thì hơn 8 người đang làm việc trong khu vực tư nhân, từ những doanh nghiệp lớn cho tới các hộ kinh doanh, tiểu thương.
Đóng góp to lớn của kinh tế tư nhân hiện hữu trong mọi ngành nghề, từ công nghiệp, thương mại, dịch vụ cho đến nông nghiệp. Nhờ sự nhanh nhạy và linh hoạt, doanh nghiệp tư nhân thường đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới và thích ứng với thị trường.
Dù vậy, không thể phủ nhận, vẫn còn nhiều rào cản kìm hãm đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân. Trong quá trình phát triển, khu vực này vẫn gặp nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính, khó tiếp cận tín dụng, đất đai, nhân lực chất lượng cao nên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Do đó, đa số doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa, siêu nhỏ; tiềm lực tài chính và trình độ quản trị yếu; phần lớn có công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp; năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh chưa cao; tư duy kinh doanh thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu kết nối với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Bước sang kỷ nguyên mới, với khát vọng trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần một cú hích mạnh hơn cho kinh tế tư nhân. Đó chính là lý do sự ra đời của Nghị quyết số 68 mang ý nghĩa lịch sử: Đưa khu vực tư nhân “cất cánh”.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho rằng, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân sẽ tạo cú hích quan trọng và mạnh mẽ để khu vực tư nhân có thể phát triển, trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
“Nghị quyết đã đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo cốt lõi, thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân. Nghị quyết xác định phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả và chất lượng cao là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, cần được cụ thể hóa trong các chiến lược, chính sách phát triển quốc gia nhằm giải phóng mọi tiềm năng, nguồn lực cho phát triển”, Thứ trưởng nhận định.
"Đã đến lúc cần trả doanh nghiệp tư nhân về đúng vị trí mà họ xứng đáng trong nền kinh tế". TS. Bùi Thanh Minh, đại diện Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV).
Trong khi đó, TS. Bùi Thanh Minh, đại diện Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng, đây không phải là câu chuyện ưu tiên khu vực tư nhân, mà là vấn đề về luật chơi khu vực này cần được tự do và bình đẳng để làm tốt công việc của mình.
Ông khẳng định: “Đã đến lúc cần trả doanh nghiệp tư nhân về đúng vị trí mà họ xứng đáng trong nền kinh tế”.
Giải pháp tháo gỡ "vòng kim cô"
Tại Hội thảo "Giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam" diễn ra ngày 15/5, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng nhận thấy, Nhà nước đã xác định động lực quan trọng nhất của kinh tế tư nhân đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới. Việc xác lập vị thế này là bước đột phá về tư duy, giúp tháo gỡ "vòng kim cô" tư tưởng vốn kìm hãm khu vực tư nhân suốt nhiều năm.
Theo vị chuyên gia này, kinh tế tư nhân vốn đóng vai trò chính trong khu vực nội địa vẫn còn "rất yếu", bị trói buộc bởi rào cản thể chế, tiếp cận đất đai và vốn, đồng thời phải đối mặt với môi trường kinh doanh thiếu bình đẳng.
Ông nhấn mạnh, điều quan trọng để kinh tế tư nhân phát triển không phải là ưu đãi, mà là một môi trường tự do và bình đẳng. Việc tạo ra cơ hội phát triển công bằng cho doanh nghiệp tư nhân chính là yếu tố then chốt để đạt các mục tiêu tăng trưởng tham vọng, thậm chí hướng đến mức hai con số như các "kỳ tích châu Á".
"Việc tạo ra cơ hội phát triển công bằng cho doanh nghiệp tư nhân chính là yếu tố then chốt để đạt các mục tiêu tăng trưởng tham vọng, thậm chí hướng đến mức hai con số như các kỳ tích châu Á". PGS.TS. Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng.
Tuy nhiên, để đạt được tham vọng này, theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, Việt Nam cần nhìn nhận thực tế, kinh tế tư nhân đang chậm phát triển.
Vì vậy, cần có chính sách nhất quán để phát triển kinh tế tư nhân không chỉ ở việc tạo nhiều ưu đãi cho họ mà quan trọng hơn là bảo đảm cho khu vực này môi trường kinh doanh tự do, bình đẳng.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ để kinh tế tư nhân đáp ứng được vai trò gắn với sứ mệnh thời đại phát triển công nghệ cao, cạnh tranh toàn cầu vốn rất khốc liệt hiện nay. Cơ chế hỗ trợ theo ông cần được “cởi trói” về mặt thủ tục để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn lực về đất đai, vốn.
Cụ thể, với đất đai, Nghị quyết 68 dành đất cho kinh tế tư nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất… với thủ tục, điều kiện cụ thể, rõ ràng theo hướng tạo thuận lợi nhất.
Về nguồn vốn, nhà nước có thể hỗ trợ theo nhiều phương thức như lập quỹ bảo lãnh cho kinh tế tư nhân, hỗ trợ lãi suất, nới các điều kiện vay.
PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cũng đề xuất 6 nhóm giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh và bền vững. Đó là:
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế pháp luật theo hướng hiện đại, minh bạch, bảo đảm quyền bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực và bảo vệ quyền sở hữu, quyền kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.
Thứ hai, cải thiện môi trường đầu tư, loại bỏ giấy phép con, giảm chi phí không chính thức và đẩy mạnh chính phủ số.
Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với yêu cầu của kinh tế số, kinh tế xanh.
Thứ năm, Nhà nước cũng cần mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn lực như tín dụng, đất đai, công nghệ, thị trường vốn và đẩy mạnh hợp tác công - tư trong đầu tư hạ tầng.
Thứ sáu, tăng cường vai trò của tổ chức Đảng, công đoàn, đoàn thể trong doanh nghiệp để đồng hành và hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển ổn định.
Có được những thay đổi tích cực như vậy, rào cản sẽ được tháo gỡ, đưa "cánh buồm" kinh tế tư nhân vươn ra biển lớn, khẳng định vai trò trụ cột vững chắc của nền kinh tế.
Gia Thành
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/nghi-quyet-68-dua-canh-buom-kinh-te-tu-nhan-ra-bien-lon-314530.html