Kỳ vọng “cuộc cách mạng” trong môi trường đầu tư kinh doanh
- Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đã vận hành ở 34 tỉnh, thành phố của cả nước từ ngày 1/7. Cộng đồng doanh nghiệp đón nhận điều này như thế nào, thưa ông?
- Chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính và vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh, xã) từ ngày 1/7/2025 là một bước đi quan trọng, thể hiện quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước trong việc tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Từ góc độ doanh nghiệp, tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Đảng và Chính phủ khi đặt mục tiêu cải cách hành chính, số hóa hoạt động công vụ, và đặc biệt là giảm bớt tầng nấc trung gian - một rào cản lớn trong quá trình triển khai chính sách ở địa phương. Mô hình 2 cấp sẽ giúp tăng tốc độ phản hồi, giải quyết công việc, giảm sự chồng chéo và mở rộng hơn quyền tự chủ cho cấp xã và tỉnh, điều rất cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh đầu tư ngày càng gay gắt.
- Cụ thể, doanh nghiệp kỳ vọng những gì khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đi vào vận hành?
- Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng việc tinh gọn bộ máy sẽ giúp giảm 20 - 30% thời gian giải quyết thủ tục; xóa bỏ sự chồng chéo trong quản lý, hạn chế sự đùn đẩy trách nhiệm, tăng tính rõ ràng và minh bạch. Đồng thời, giúp tăng cường số hóa và cải cách quy trình bởi một mô hình hành chính mới sẽ đi kèm với việc tái cấu trúc quy trình làm việc, tích hợp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tra cứu, đăng ký, theo dõi hồ sơ từ xa.
Cùng với đó, bộ máy tinh gọn và năng động, địa phương có thể phản ứng nhanh với yêu cầu của nhà đầu tư, đưa ra quyết định nhanh, linh hoạt, tăng khả năng cạnh tranh với các tỉnh, thành phố trong khu vực và quốc tế từ đó giúp thu hút đầu tư tốt hơn. Việc minh bạch hóa, số hóa và tinh giản bộ máy cũng đồng nghĩa với việc giảm các chi phí không chính thức - điều mà doanh nghiệp nhỏ và vừa đặc biệt quan tâm. Do đó, việc tinh gọn bộ máy nếu đi kèm với cải cách thủ tục hành chính đồng bộ và có lộ trình rõ ràng sẽ tạo ra “một cuộc cách mạng” trong môi trường đầu tư kinh doanh ở cấp địa phương.
- Các doanh nghiệp đã chuẩn bị hoặc phối hợp như thế nào với chính quyền địa phương để thích nghi với bộ máy mới?
- Từ thực tiễn hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, chúng tôi ghi nhận rằng các doanh nghiệp đã chủ động tiếp cận thông tin, cập nhật các văn bản hướng dẫn liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Tuy nhiên, mức độ chuẩn bị và khả năng thích nghi còn phụ thuộc vào quy mô, ngành nghề và năng lực quản trị nội bộ của từng doanh nghiệp. Cũng cần nhìn nhận rằng vẫn còn một số lượng lớn doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể chưa kịp thích nghi, hoặc chưa hiểu rõ các thay đổi. Do đó, vai trò truyền thông và hướng dẫn từ phía chính quyền là rất quan trọng trong thời điểm hiện tại.
Cần có hướng dẫn chi tiết về thủ tục hành chính liên quan đến thay đổi địa giới
- Trong thời gian đầu vận hành bộ máy tinh gọn, theo ông, doanh nghiệp có thể gặp những khó khăn nào?
- Tôi cho rằng bất kỳ quá trình tái cấu trúc nào cũng sẽ có giai đoạn chuyển tiếp. Trong ngắn hạn, việc sáp nhập đơn vị hành chính sẽ dẫn đến sự thay đổi về con người, tổ chức, quy trình xử lý, gây ra những xáo trộn nhất định trong công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ.
Một số lo ngại cụ thể từ phía doanh nghiệp bao gồm: tình trạng chậm trễ giải quyết hồ sơ do thay đổi địa chỉ hành chính, chuyển hồ sơ giữa các đơn vị mới; rối loạn hệ thống dữ liệu hành chính. Trong thời gian đầu, có thể xảy ra tình trạng "đứt gãy" tạm thời trong quá trình cấp phép, đăng ký kinh doanh, xác nhận giấy tờ,... do bộ máy chưa quen vận hành theo mô hình mới.
Tuy nhiên, tôi tin rằng, nếu có kế hoạch chuyển tiếp khoa học, có sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp Trung ương, hỗ trợ kỹ thuật từ các sở, ngành, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thì các xáo trộn này sẽ nhanh chóng được kiểm soát và giải quyết trong thời gian ngắn.
- Theo ông, chính quyền cần làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong giai đoạn đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp?
- Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn chuyển tiếp và khai thác hiệu quả mô hình hành chính mới, điều đầu tiên là cần bảo đảm thông tin rõ ràng, minh bạch và nhất quán. Chính quyền cần ban hành hướng dẫn chi tiết về thủ tục hành chính liên quan đến thay đổi địa giới hành chính, kèm theo bộ câu hỏi - đáp để doanh nghiệp dễ tra cứu, tránh lúng túng khi làm thủ tục. Đồng thời, số hóa và liên thông dữ liệu đồng bộ. Bởi việc đồng bộ hóa dữ liệu giữa các cơ quan: thuế, đăng ký kinh doanh, công chứng, đất đai, bảo hiểm… là điều kiện tiên quyết để không xảy ra “nghẽn mạch” trong giải quyết hồ sơ doanh nghiệp.
Cần thiết lập cơ chế "một cửa liên thông cấp cao". Trong giai đoạn đầu vận hành mô hình mới, nên thiết lập một đầu mối tiếp nhận và xử lý các vướng mắc phát sinh từ phía doanh nghiệp, đặc biệt đối với những hồ sơ liên quan đến thay đổi địa bàn, địa chỉ, tài sản. Cùng với đó, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh - là nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất do năng lực quản trị còn hạn chế. Nên có chính sách miễn giảm lệ phí thay đổi hồ sơ hành chính, hỗ trợ pháp lý, hướng dẫn trực tiếp.
Và một điều quan trọng là các cấp chính quyền nên chủ động tổ chức các buổi đối thoại định kỳ với doanh nghiệp để lắng nghe phản ánh, điều chỉnh quy trình xử lý linh hoạt, tránh áp dụng máy móc. Việc tinh gọn bộ máy phải song hành với nâng cao chất lượng phục vụ. Cần có các bộ chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, từ đó giám sát hiệu quả cải cách.
- Xin cảm ơn ông!
Quang Khánh