Nền văn hóa Óc Eo - trầm tích ngàn năm

Nền văn hóa Óc Eo - trầm tích ngàn năm
2 ngày trướcBài gốc
Khu Bưng đá nổi - Lung Cột Cầu xưa là điểm các nhà khảo cổ phát hiện ra nhiều hiện vật của văn hóa Óc Eo. Hiện được quy hoạch 4ha để phát triển du lịch.
“Bí ẩn” từ một nền văn minh rực rỡ
Trong một buổi cà phê với ông chủ rất trẻ của khu du lịch Lung Cột Cầu, vô tình nhắc lại lịch sử và quá trình hình thành địa danh, di tích lịch sử Lung Cột Cầu khiến cho tôi và nhiều đồng nghiệp khá tò mò và quyết tâm tìm hiểu giải mã về vùng đất “kỳ lạ” này. Nằm gọn giữa những vườn cây trĩu quả và các dòng kênh lặng lẽ ở xã Nhơn Ái (trước là huyện Phong Điền) của Cần Thơ, ít ai ngờ rằng dưới lớp đất đen nâu phù sa ấy lại ẩn giấu một “kho báu” khảo cổ – nơi từng vang vọng tiếng búa rèn, ánh lửa luyện kim và nhịp thuyền xuôi ngược giao thương.
Qua lời kể của những người cố cựu ở đây cho biết, di tích Óc Eo Nhơn Thành, đang được minh chứng về một nền văn hóa rực rỡ bằng chính những hiện vật sống động vừa được khai quật – đặc biệt 4 trong số đó đã được công nhận là bảo vật quốc gia.
Tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Tời (từng là trưởng ấp những năm 1985), ông vẫn không quên được câu chuyện “sốt vàng” kỳ lạ ở miền Tây ngày ấy. Vùng đất ấp Nhơn Thành (xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền trước đây) còn thưa dân và phần lớn người dân sống bằng nghề nông, chưa có đường di chuyển chủ yếu bằng xe thuyền. Trong lúc cải tạo ruộng vườn, người dân phát hiện những mảnh kim loại vàng óng ẩn dưới lòng đất – không chỉ là vàng lá, mà còn có cả khuyên tai, vòng cổ, nhẫn… với hoa văn kỳ lạ chưa từng thấy. Người này đồn người kia khiến vùng này “rúng động” một thời gian, người ở đâu lũ lượt kéo về tìm vàng.
Ông Nguyễn Văn Tời kể lại, “Ngày nào cũng có hàng trăm người kéo về, mang cuốc xẻng, thậm chí cả nồi để đãi đất. Ai cũng tin rằng mình đang đứng trên một kho báu lớn. Có ngày tôi phải đi can ngăn đến khuya vì người ta cắm trại, đào cả đêm. Cơn “sốt vàng” không chỉ làm xáo trộn đời sống vùng này, mà còn khiến cho các cổ vật bị mất và đưa đi nơi khác.
Tuy nhiên cũng từ sự kiện này mà chính quyền Cần Thơ vào cuộc và cấm toàn bộ hoạt động khai thác trái phép, đồng thời còn mời Viện Khảo cổ học Việt Nam vào cuộc. Các nhà nghiên cứu đã đến đây và phát hiện di tích Óc Eo Nhơn Thành – trung tâm kinh tế, thủ công, tôn giáo và giao thương thuộc nền văn minh Óc Eo – Phù Nam huyền thoại vị vùi sâu hàng trăm năm dưới lòng đất.
Hiện trường khai quật di chỉ khảo cổ học Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ năm 2012 đã phát hiện ra nhiều hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng TP Cần Thơ.
“Xưởng chế tác kim hoàn” và một nền văn minh sông nước
Khác với những di tích Óc Eo ở An Giang hay Kiên Giang (cũ) thường tập trung vào đền tháp và tượng thờ, di tích Nhơn Thành lại hé lộ một câu chuyện rất đặc biệt: có thể đây từng là “trái tim” thủ công và luyện kim của cư dân cổ.
Tại khu vực có tên gọi dân gian là Bưng Đá Nổi – Lung Cột Cầu ở ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Ái, TP Cần Thơ, các nhà khảo cổ và cả người dân đã tìm được hàng trăm hiện vật: từ khuôn đúc bằng đá, nồi nấu hợp kim chì – thiếc – bạc, đến cả phế liệu kim loại, mảnh vàng vụn còn vương trong cát. Những chứng tích này như nhắc nhớ đến một xưởng chế tác nhộn nhịp, nơi những người thợ xưa từng khéo léo tạo ra nữ trang, đồ dùng, vật phẩm nghi lễ. Đặc biệt, Bộ khuôn đúc Nhơn Thành – được công nhận là Bảo vật quốc gia – cho thấy trình độ chế tác tinh vi đến khó tin: thiết kế đối xứng, rãnh dẫn kim loại chính xác, bề mặt bóng mịn.
Theo PGS-TS Bùi Chí Hoàng (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ), đây là “một trong những bằng chứng vật chất quý giá nhất về nghề kim hoàn cổ xưa ở Đông Nam Á”.
Di tích đống đá(đá nổi) khu vực đá nổi – Lung Cột Cầu ghi nhận năm 1990 (tư liệu của Bảo tàng TP Cần Thơ).
Điều khiến các nhà khảo cổ bất ngờ đó là ngoài việc nhận định ở vùng này từng có một xưởng chế tác kim hoàn, với những gì tìm thấy được xung quanh khu vực của Lung Cột Cầu lại minh chứng thêm sự tồn tại về một đô thị sông nước sầm uất tại đây. Ở khu vực này các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hàng cột gỗ dựng đứng – dấu tích của nhà sàn cổ – cùng với bếp lò, nồi niêu, bát đĩa gốm, thang gỗ xuống nước, và đặc biệt là một con thuyền độc mộc dài 5,4m, được đẽo từ thân gỗ liền khối, gần như còn nguyên vẹn.
TS Nguyễn Kim Dung, chuyên gia khảo cổ học thủy văn từng thốt lên rằng: “Đây là con thuyền độc mộc cổ nhất được tìm thấy trong hệ thống di tích Óc Eo ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nó cho thấy cư dân nơi đây không chỉ cư trú mà còn giao thương đường thủy – một yếu tố then chốt làm nên sự hưng thịnh của Phù Nam cổ đại”, TS Nguyễn Kim Dung cho biết.
Năm 1990 các nhà khảo cổ đã phát hiện cọc gỗ nhà sàn dưới độ sâu từ 1,2m đến 1,8 m dưới lòng đất ở Khu Bưng đá nổi - Lung Cột Cầu.
Theo các tài liệu để lại, với hệ thống kênh rạch chằng chịt, Nhơn Thành từng là một bến cảng nội địa, kết nối thương nhân, sản phẩm và tín ngưỡng đi khắp miền Tây và vươn ra cả vùng biển Đông Nam Á.
Trước đó Sở VHTT&DL TP Cần Thơ đã rà soát quy hoạch khu vực khoảng 4 ha Bưng Đá Nổi – Lung Cột Cầu để tiếp tục khảo cổ, khai quật và phát triển du lịch ở đây. Tuy nhiên sẽ triển khai từng giai đoạn, bước đầu khoảng 7.000m² làm khu di tích tham quan trong quần thể 4 ha. Khu vực này đánh giá sẽ là một điểm nhấn về du lịch văn hóa của TP Cần Thơ mang tầm cỡ khu vực.
Soạn giả, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng (TP Cần Thơ) chia sẻ với chúng tôi rằng, những dấu tích trên góp phần khẳng định ở Nhơn Thành, nhất là khu vực Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu từng tồn tại một bến thuyền quy mô lớn, một trung tâm vận chuyển hàng hóa với các hoạt động giao thương sầm uất.
Cũng theo ông Nhâm Hùng, “Các nghiên cứu cũng chỉ ra những điểm tương đồng giữa hiện vật văn hóa Óc Eo ở Nhơn Thành và các vùng khác ở Nam bộ… Nhưng nét đặc sắc riêng của văn hóa Óc Eo Nhơn Thành là dấu tích của một cộng đồng dân cư cổ, sống trên nhà sàn, một đặc trưng nổi bật của vùng đất ngập nước Ô Môn - Phụng Hiệp, Cần Thơ thời đó…”
Những cục đá nổi vẫn còn nằm đó xen kẽ dưới tán cây ở xã Nhơn Ái.
Văn hóa Óc Eo cần được quan tâm bảo tồn
Tại Bảo tàng TP Cần Thơ, nơi đang lưu giữ những bảo vật, di tích Óc Eo Nhơn Thành, các đoàn khách tham quan đến đây không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp và độ tinh xảo của các hiện vật. Nhưng cũng từ đó, một câu hỏi được đặt ra: Chúng ta đã làm gì để bảo tồn di sản ấy?. Không gian khảo cổ ngoài trời ở Nhơn Thành hiện còn khá khiêm tốn. Nhiều phần vẫn chưa được quy hoạch thành khu di tích cấp quốc gia hay phục vụ du lịch văn hóa.
Soạn giả, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng đang trò chuyện với ông Năm Tời (thứ 2 từ trái qua), nhân chứng sống một thời của cơn “sốt vàng” nơi đây.
Từ hàng nghìn hiện vật khảo cổ, 4 bảo vật được công nhận đã trở thành linh hồn cho câu chuyện về Nhơn Thành:
1. Bộ khuôn đúc Nhơn Thành (thế kỷ 1–7) – tinh hoa nghề kim hoàn cổ, có thể dùng để chế tác cả trang sức lẫn vật tế lễ.
2. Tượng Phật bằng gỗ (thế kỷ 4–7) – được chạm khắc từ gỗ quý, mang phong cách Gupta (Ấn Độ), thể hiện sự du nhập Phật giáo rất sớm ở vùng đất này.
3. Bình gốm Nhơn Thành (thế kỷ 5) – với hoa văn tinh xảo, tay nghề cao, là giao thoa giữa kỹ thuật gốm bản địa và yếu tố văn hóa Ấn Độ.
4. Linga - Yoni bằng gỗ (thế kỷ 5) – hiện vật độc nhất ở Đông Nam Á bằng chất liệu gỗ, biểu trưng cho tín ngưỡng phồn thực của cư dân cổ. Đây không chỉ là những món cổ vật vô giá, mà còn là “tư liệu sống” để hình dung lại cả một thời kỳ hoàng kim nơi miền đất ngập nước.
Bộ khuôn đúc Nhơn Thành Văn hóa Óc Eo thế kỷ I – VII, đang được lưu trữ tại Bảo tàng TP Cần Thơ. Ngày 25/12/2017 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2089/QĐ-TTg công nhận đây là bảo vật quốc gia đợt 6.
Bàn tay tượng phật Văn hóa Óc Eo thế kỷ I – VII, đang được lưu trữ tại Bảo tàng TP Cần Thơ.
Hiện vật Linga – Yoni văn hóa Óc Eo thế kỷ thứ I – VII tại Bảo tàng TP Cần Thơ.
PGS-TS Bùi Chí Hoàng đánh giá di tích Óc Eo Nhơn Thành là “tư liệu sống” giúp định hình hiểu biết về quá trình khai phá ra vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là minh chứng cho thời kỳ rực rỡ bậc nhất trong lịch sử vùng đất này.
Làm sao một cộng đồng dân cư cổ lại có trình độ luyện kim và chế tác tinh vi đến vậy? Tại sao những bức tượng Phật, linga-yoni bằng gỗ có thể tồn tại hàng nghìn năm trong môi trường ngập nước? Câu hỏi không chỉ của các nhà khảo cổ mà cũng là những người tò mò, liệu dưới lòng đất kia còn bao nhiêu điều chưa được hé lộ?
Những hiện vật, di tích mà người xưa để lại không hoành tráng như thành quách nguy nga hay chiến tích vang dội, những gì họ để lại cho đời sau là những dấu ấn thầm lặng: chiếc khuôn đúc cũ kỹ, con thuyền mòn vết nước, tượng Phật gỗ đã tróc màu… Tất cả là lời thì thầm từ lòng đất – rằng dưới chân ta không chỉ là phù sa, mà là lịch sử…
Rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài tò mò, thích thú với các hiện vật, tư liệu về văn hóa Óc Eo tại Bảo tàng TP Cần Thơ.
Quốc Trung
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/nen-van-hoa-oc-eo-tram-tich-ngan-nam-10311092.html