Nét đẹp trong tập quán dựng nhà sàn của đồng bào Tày ở Nghĩa Đô

Nét đẹp trong tập quán dựng nhà sàn của đồng bào Tày ở Nghĩa Đô
19 giờ trướcBài gốc
Nhà sàn của đồng bào Tày ở Nghĩa Đô không chỉ là nơi sinh sống, mà còn giúp bà con phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Nguyễn Thế Lượng
Từ bao đời nay, vùng đất Nghĩa Đô là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Tày. Trải qua thời gian, bà con nơi đây đã vững tâm tạo dựng cuộc sống và hun đúc cho mình bản sắc văn hóa đậm đà. Đứng trên đỉnh núi Khau Rịa, Khau Ái cao sừng sững để nhìn ra xa, có thể quan sát được thung lũng Nghĩa Đô bình yên, thơ mộng và hữu tình. Thung lũng Nghĩa Đô hiện nay có hàng trăm ngôi nhà sàn cổ quần tụ quanh dòng suối Nặm Luông. Đây là không gian sinh tồn ấm áp từ bao đời nay của đồng bào và là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa bản địa, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.
Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu những sưu tầm, ghi chép tỉ mi, tâm huyết của Nghệ nhân Ưu tú Ma Thanh Sợi (xã Nghĩa Đô), chúng tôi nhận thấy, tập quán dựng nhà sàn của người Tày ở Nghĩa Đô có từ lâu đời và được gìn giữ, trao truyền cho đến ngày nay. Mỗi công việc liên quan đến dựng nhà sàn đều được đồng bào tổ chức một cách chu đáo. Lễ dựng cột nhà chính thức tiến hành vào lúc 8 giờ sáng, khi mọi người giúp dựng nhà đến đủ. Đúng giờ, thợ cả làm động tác phát lệnh dựng vì cột đầu tiên, bằng cách dắt tay chủ nhà đến chạm vào cây cột trên cùng của vì trái phía trong, giao cho một cái sọt mắt thưa đội vào đầu chụp đến tận bụng. Sau đó, cố nhấc vì ba lần nhưng không được, thợ cả mới hô mọi người cùng vào giúp. Lúc đó, mọi người dàn cho đều và cùng nhau nhấc bổng hai vì chồng liên kết nhau lên, đứng thẳng và nâng lên đặt trên hai hàng đá kê một cách vững chắc, chờ dựng vì tiếp theo.
Dựng đến vì cột cái số 1 lên, bà con cùng nhau nhấc đặt lên hàng đá kê, tiếp đến là đồng thời lắp cả 6 cây xà sàn để kết nối 3 vì đã đứng với nhau, tiếp tục lắp 6 hàng xà trên, chỉnh vuông khung đã dựng. Sau đó, tiếp tục dựng các vì còn lại, cho đến vì hiên ngoài cùng là dựng xong toàn bộ khung ngôi nhà. Chủ nhà lúc này mới tháo cái sọt đội đầu ra, nói lời cảm ơn mọi người. Sau đó, thợ cả cho nghỉ giải lao nửa giờ, chờ đến giờ lắp đòn tay nóc và chỉnh cân cho phẳng cả 3 chiều, một số dàn hàng trên mái lắp và buộc các đòn tay.
Sau khi dựng vì xong thì làm lễ đặt đòn nóc. Khi đã dựng hoàn chỉnh trên mái nhà lúc này đã có 6 vì kèo (4 chính, 2 phụ) cho đòn nóc đặt vào. Khi ấy, thợ cả chỉ cây đòn nóc để chủ nhà nhờ anh em đến giúp dựng chuyển về đặt theo chiều dài phía trước nhà. Tiếp đến, mời 1 người thợ, 1 người bên ngoại của vợ, 1 người đại diện nội tộc, 1 người trong làng xóm, 1 người con ở cùng nhà, 1 người con rể (nếu nhiều con rể thì chọn con rể cả, không có con rể thì chọn cháu rể gần nhất), tất cả trèo lên theo từng vì kèo, ngồi trên đầu cột quân đón lấy cây đòn nóc ở dưới đất đưa lên.
Lúc đó, bà chủ nhà cùng người con dâu (nếu chưa có con dâu thì cử cháu dâu gần nhất) bưng khay có 12 chén rượu đầy đến chờ sẵn dưới chân thang. Trước đây, vị trí bắt đòn nóc của từng người như sau: Vì kèo 1 là đại diện bên ngoại bà chủ, vì 2 là thợ, vì 3 đại diện bên nội, vì 4 đại diện hàng xóm, vì 5 là người con ở cùng nhà, vì 6 là con rể hoặc cháu rể là những người thường xuyên khi có việc gì, chủ nhà luôn cậy nhờ. Còn ngày nay, có nhà vẫn giữ đúng lệ này, có nhà chỉ cần 4 người lên, ở vị trí nào cũng được.
Khi đã dàn và lắp xong, chủ nhà cho mọi người vỗ tay reo mừng, khi những người lắp nóc xuống theo thứ tự từ vì 1 xuống trước, đến chân thang uống cạn 2 chén rượu do 2 mẹ con bà chủ nhà chờ mời, rồi rót trả 2 người 1 chén rượu đầy, chia đôi cho 2 người uống cạn, làm như thế cho đến người rể mới xong lễ đặt đòn nóc. Việc chén rượu chia đôi cho 2 mẹ con phải uống cạn có ý nghĩa luôn nhắc nhở, ở tại nhà này, mẹ chồng - nàng dâu đều phải yêu thương, bảo ban nhau cùng xây dựng cho gia đình này ấm no, hạnh phúc.
Khâu lắp đòn nóc sau khi hoàn thiện coi như công việc dựng cột ngôi nhà đã xong. Dù còn nhiều thời gian nhưng thợ cả cũng lệnh cho nghỉ sớm, lấy may cho gia chủ, làm ăn về lâu, về dài cho cả đời người, không nên phải hấp tấp vội vàng. Các công việc còn lại chuyển hết sang buổi chiều, chuẩn bị vào bữa cơm trưa của ngày dựng cột. Bữa ăn diễn ra bình thường, đến bữa chiều tối, chủ nhà mới làm các thủ tục cảm ơn, chúc tụng của con cháu, gia chủ với thợ, khách đến giúp ngày dựng cột thành công. Bữa cơm là cuộc vui nhất tại lán tạm của chủ nhà, vì đây là sự khởi đầu tốt đẹp, ấm áp cho gia đình.
Công việc tiếp theo, tổ thợ mộc tiến hành chỉnh cao thấp cho thật phẳng, tập trung vào lắp 4 cây kèo chéo ở 4 góc mái lớn với mái trái, lắp mang cá (thanh gỗ hình con cá dùng để chốt vào vị trí tiếp giáp, kết nối các cột) vào trên từng cái bẩy (phần nối giữa cột cái và cột con tạo nên hình chóp cho ngôi nhà), lắp đòn tay mang cá, lắp hệ thống đón mái xung quanh nhà, hoàn chỉnh cầu thang, khuôn bếp để đến ngày vào nhà mới. Sau đó, 2 ông thợ bồi thổ đổ đất làm nền khuôn bếp đưa lửa lên đốt tại khuôn bếp giữa nhà, từ đó mới làm thủ tục lên nhà mới được.
Trong những ngày dựng nhà, dân bản, hàng xóm gần kề đến giúp gia đình chủ nhà làm nhà, cân gạo, gánh củi, bó lá dong... Tùy theo điều kiện, có gì giúp nấy, gia chủ đều đón nhận và trân trọng. Đây là một trong những nét đẹp trong văn hóa ứng xử lâu đời của đồng bào dân tộc Tày ở vùng Nghĩa Đô.
Tập quán dựng nhà sàn của đồng bào Tày ở vùng Nghĩa Đô được Nghệ nhân Ưu tú Ma Thanh Sợi ghi chép, lưu giữ và truyền lại các thế hệ mai sau. Nhờ đó, nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc, ý nghĩa triết lý, văn hóa tâm linh của đồng bào Tày nơi đây đang được thực hành trong đời sống hằng ngày. Tập quán ấy gắn liền với mong ước tạo dựng được căn nhà sàn vững chãi, bền chắc, là tổ ấm cho gia đình, là nơi đồng bào sinh tồn và hiện thực hóa những khát vọng ấm no, hạnh phúc.
Nguyễn Thế Lượng
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/net-dep-trong-tap-quan-dung-nha-san-cua-dong-bao-tay-o-nghia-do-post485015.html