Theo một số tư liệu, chùa Cây Thị được xây dựng từ khoảng thế kỷ XVII là nơi để người dân địa phương tu tập, cầu nguyện. Đến năm 1940, chùa được trùng tu, với 5 gian chánh điện thờ Phật và 3 gian nhà thờ Tổ được làm bằng gỗ khang trang. Tới năm 1954, ngôi chùa bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn sau những trận đi càn của thực dân Pháp. Sau đó ít năm, với sự nỗ lực của người dân trong vùng, công trình đã được phục dựng nhưng chỉ còn 3 gian thờ Phật.
Cuối năm 2019, khi Đại đức Thích Huệ Hạnh về trụ trì tại chùa, đứng trước ngôi chùa cổ đơn sơ, hoang hoải, ông không khỏi xót xa và mong muốn phục dựng lại. Sau những nỗ lực, cố gắng không ngừng của vị trụ trì cùng nhân dân trong vùng và các phật tử thập phương, chùa Cây Thị đã được trùng tu, xây dựng lại. Chùa Cây Thị giờ đây được tôn tạo uy nghiêm với những nét đẹp kiến trúc độc đáo, mang đậm phong cách truyền thống Việt Nam và nét tinh tế của kiến trúc Á Đông.
Theo Đại đức Thích Huệ Hạnh, ngôi chùa có tên là Cây Thị xuất phát từ sự hiện diện của một cây thị cổ thụ với niên đại hàng trăm năm bên cạnh chùa. Theo các cụ cao niên trong vùng thì từ nhỏ đã thấy gốc thị to như hiện nay. Từ mộc danh “Cây Thị” đã được chuyển thành tự danh (tên chùa), trở thành một biểu tượng gắn liền với đời sống văn hóa và tín ngưỡng của người dân địa phương.
Trải qua thời gian, sự tàn phá của chiến tranh và những lần trùng tu nhưng cây thị cổ vẫn phát triển tươi xanh, che bóng mát, trở thành “chứng nhân lịch sử”. Hằng năm, vào khoảng đầu tháng 5 âm lịch, cây lại trổ hoa và đến thượng tuần tháng 7 âm lịch là thời gian cây đơm trái sai trĩu, tỏa hương thơm thoang thoảng, nồng nàn xoa dịu những lo toan nơi trần tục.
Cảnh quan tại chùa Cây Thị tạo cảm giác bình yên.
Cây thị cổ thụ hiện nay cao hơn 10m, có chu vi gốc khoảng 2m, đã được Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng (thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) xác định có tuổi đời khoảng 370 năm. Không chỉ có giá trị lịch sử, cây thị còn mang ý nghĩa tâm linh lớn đối với người dân địa phương cũng như phật tử thập phương về đây chiêm bái.
Đại đức Thích Huệ Hạnh chia sẻ: Cây thị cổ thụ được nhà chùa chăm sóc cẩn thận. Ngoại cảnh ngôi chùa có thể trùng tu để khung cảnh thêm đẹp, thêm lối để người dân, phật tử về đây tham quan. Tuy nhiên, đối với cây thị cổ thụ thì cần phải được chăm sóc bảo tồn và lưu giữ. Chính vì vậy, gốc cũng như thân và cành lá của cây thị được giữ nguyên và không trang trí như nhiều cây khác. Điều này chính là muốn phát huy, lĩnh hội những cái mới nhưng vẫn đảm bảo tôn trọng giá trị lịch sử và thiên nhiên của cây thị với niên đại hàng trăm năm.
Chị Nguyễn Thanh Huyền (xã Thanh Tâm, Thanh Liêm) bộc bạch: Chùa Cây Thị tồn tại lâu đời gắn liền với dòng chảy lịch sử của địa phương. Trải qua bao năm tháng, ngôi chùa và cây thị cổ không chỉ mang ý nghĩa thiêng liêng với người dân Thanh Tâm mà còn là điểm tựa tinh thần, là nơi để phật tử gửi gắm niềm tin, nguyện ước, mọi sự được bình an, thuận buồm, xuôi gió.
Nằm gần các điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nam như: chùa Tam Chúc, Địa Tạng Phi Lai Tự... nhưng chùa Cây Thị vẫn cuốn hút du khách vì những nét độc đáo, ấn tượng riêng. Quanh khuôn viên chùa, ngoài vẻ đẹp thiên nhiên cùng sự trầm mặc của “lão thị”, ngôi chùa có cổng tam quan uy nghi, dẫn vào khu vườn thiền giữa những hàng tùng xanh mướt. Nổi bật trong quần thể công trình là tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm cao 6m bằng đá granite tọa lạc trên đồi cao, tôn tượng Đức Phật Tổ cao 2,5m đặt ở chánh tòa khu vực chùa cổ. Từ ngoài nhìn vào, bên trái chùa cổ là điện thờ Tôn giả A - Nan thị giả Đức Phật đệ nhất đa văn, bên phải là Tôn giả Ca - Diếp chân truyền của Phật Tổ đệ nhất khổ hạnh, cạnh Ngài Ca Diếp. Bên cạnh đó, còn có kinh luân cao 4m cùng 108 kinh luân nhỏ bố trí chung quanh... Được biết, trong quần thể chùa Cây Thị còn có khu giảng đường, thư viện, nhà bếp... để phục vụ phật tử đến thiền tập.
Tất cả tạo nên sự trang nghiêm, thanh cao, tĩnh lặng khó tả. Thu hút đông đảo phật tử và du khách thập phương ghé thăm, chiêm bái, nhất là vào các dịp Vu Lan, lễ, Tết… Đặc biệt, vào mùa Vu Lan, cây thị cổ thụ tại chùa ra quả rất nhiều như ẩn chứa một sự hòa mình hân hoan vui mừng, báo hiệu sự khởi sắc của ngôi cổ tự mang tên chính loài cây cổ thụ “Chùa Cây Thị”.
Gia Vinh