Trong một vụ án, nếu luật sư đã đại diện cho một bên (nguyên đơn hoặc bị đơn), nhưng sau đó lại cung cấp dịch vụ pháp lý cho phía đối lập trong cùng vụ án thì hành vi này đã vi phạm nguyên tắc xung đột lợi ích.
Tuy nhiên, nhiều bạn đọc thắc mắc, nếu đương sự đã chết thì quan hệ “khách hàng - luật sư” còn không; luật sư có quyền bảo vệ cho phía đối lập với khách hàng trong cùng vụ án không?
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đỗ Khắc Tất Hưng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết, pháp luật Việt Nam quy định nếu trong quá trình tham gia tố tụng dân sự tại Tòa án mà đương sự là cá nhân chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng (Khoản 1 Điều 74 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).
Luật sư ĐỖ KHẮC TẤT HƯNG
Tương tự, trong trường hợp cá nhân tham gia giải quyết tranh chấp trong tố tụng trọng tài thương mại chết mà có người thừa kế thì thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực với người thừa kế, và vụ tranh chấp chỉ bị đình chỉ khi cá nhân đó chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế (theo khoản 2 Điều 5, Điều 59 Luật Trọng tài Thương mại 2010).
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, nguyên tắc nêu trên không áp dụng đối với mối quan hệ giữa luật sư và đương sự (là khách hàng của luật sư) trong trường hợp đương sự chết. Nguyên tắc này chỉ đề cấp đến quyền tham gia tố tụng dân sự tại Tòa án, tố tụng trọng tài tại trọng tài thương mại của người thừa kế của khách hàng đã chết, không liên quan đến mối quan hệ giữa luật sư với khách hàng/người thừa kế của khách hàng.
Khi nói về mối quan hệ giữa luật sư và khách hàng liên quan đến dịch vụ pháp lý mà luật sư cung cấp cho khách hàng, thì mối quan hệ này là mối quan hệ hợp đồng (trừ trường hợp được chỉ định).
Cụ thể, khoản 1 Điều 26 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi năm 2012 và 2015) quy định: “Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức”.
Theo đó, hợp đồng dịch vụ pháp lý sẽ ghi nhận rõ nội dung, phạm vi công việc, nghĩa vụ cụ thể mà luật sư sẽ phải thực hiện, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng.
Như vậy, nếu giữa luật sư và khách hàng có thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng dịch vụ pháp lý về nội dung, phạm vi công việc, nghĩa vụ của luật sư để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, thì có thể hiểu là nghĩa vụ của luật sư là chỉ dành riêng cho khách hàng.
Trong trường hợp khách hàng chết thì hợp đồng dịch vụ pháp lý sẽ chấm dứt.
Theo Điều 382 Bộ luật Dân sự 2015 thì khi các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc nghĩa vụ được thực hiện chỉ dành cho cá nhân hoặc pháp nhân là bên có quyền mà cá nhân chết hoặc pháp nhân chấm dứt tồn tại thì nghĩa vụ cũng chấm dứt”.
Việc khách hàng (đã chết) có người thừa kế chỉ đảm bảo rằng người thừa kế đó sẽ có quyền tham gia tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài mà không liên quan đến mối quan hệ giữa khách hàng với luật sư.
Thêm nữa, khoản 3 Điều 422 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định hợp đồng chấm dứt trong trường hợp cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện.
Xét bản chất hợp đồng dịch vụ pháp lý như đã phân tích (dịch vụ pháp lý do luật sư thực hiện chỉ dành riêng cho khách hàng), thì có thể xem đây là trường hợp hợp đồng chấm dứt theo quy định này.
Tóm lại, căn cứ vào các quy định trên, trong trường hợp khách hàng chết thì hợp đồng dịch vụ pháp lý sẽ bị coi là chấm dứt (trừ trường hợp hợp đồng dịch vụ pháp lý có nhiều khách hàng cùng tham gia).
Việc khách hàng (đã chết) có người thừa kế chỉ đảm bảo rằng người thừa kế đó sẽ có quyền tham gia tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài mà không liên quan đến mối quan hệ giữa khách hàng với luật sư.
Từ góc độ thực hành pháp luật, luật sư cần phải cẩn trọng xem xét đến tính pháp lý của hợp đồng dịch vụ pháp lý ký với khách hàng đã chết. Trong trường hợp người thừa kế của khách hàng muốn tiếp tục sử dụng dịch vụ pháp lý, luật sư cần yêu cầu người thừa kế ký hợp đồng dịch vụ pháp lý mới với nội dung và phạm vi công việc tương tự như hợp đồng đã ký trước đó trước khi tiếp tục cung cấp dịch vụ cho người thừa kế. Việc này sẽ đảm bảo tính pháp lý cho hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật Luật sư và các quy định khác của pháp luật.
Cuối cùng, về việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho người có quyền lợi đối lập với khách hàng, đây là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi năm 2012 và 2015) và Quy tắc 15 Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử Nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.
Có phải mọi hợp đồng đều tự động chấm dứt khi khách hàng qua đời?
Mối quan hệ giữa khách hàng và tổ chức hành nghề luật sư, luật sư được thiết lập trên cơ sở hợp đồng dịch vụ pháp lý. Do đó, việc chấm dứt hợp đồng dịch vụ này cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật về hợp đồng, bao gồm Bộ luật Dân sự và Luật Luật sư, cũng như các thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký kết.
Luật sư PHÙNG VĂN HIỆU
Một vấn đề pháp lý đặt ra là khi cá nhân, trong vai trò là đương sự trong một vụ án và đồng thời là khách hàng của tổ chức hành nghề luật sư, không may qua đời trong khi vụ việc chưa được giải quyết, hợp đồng dịch vụ pháp lý có đương nhiên chấm dứt không?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 422 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng sẽ chấm dứt khi "cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện". Tuy nhiên, không phải mọi hợp đồng đều tự động chấm dứt khi cá nhân qua đời, mà chỉ chấm dứt khi hợp đồng yêu cầu phải do chính cá nhân đó thực hiện.
Do vậy, trong trường hợp cá nhân là khách hàng qua đời khi hợp đồng vẫn đang trong quá trình thực hiện, nhưng hợp đồng không có điều khoản quy định về việc chấm dứt hợp đồng khi khách hàng chết, hợp đồng vẫn có thể tiếp tục hiệu lực. Vấn đề sẽ phụ thuộc vào quyết định của người thừa kế của cá nhân đã qua đời, rằng họ có muốn tiếp tục hợp đồng với tổ chức hành nghề luật sư hay không.
Trên thực tế, đã có những vụ việc mà người thừa kế của cá nhân đã qua đời quyết định tiếp tục hợp đồng, yêu cầu tổ chức hành nghề luật sư tiếp tục cung cấp dịch vụ. Trong trường hợp này, hợp đồng vẫn được duy trì.
Để đảm bảo quá trình thực hiện hợp đồng thuận lợi và tránh rủi ro tranh chấp, các bên thường lập một văn bản xác nhận ý chí của người thừa kế về việc đồng ý tiếp tục hợp đồng dịch vụ pháp lý trước đó, hoặc ký kết một hợp đồng mới dựa trên các điều khoản cũ, đồng thời bổ sung những thỏa thuận mới (nếu có).
Ngược lại, nếu người thừa kế không muốn tiếp tục hợp đồng, hai bên sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng, và hợp đồng dịch vụ pháp lý sẽ chấm dứt.
Luật sư PHÙNG VĂN HIỆU, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương
THẢO HIỀN