Theo báo cáo “Thực trạng sinh viên tốt nghiệp năm 2025” của Monster, có tới 44% sinh viên Gen Z mới ra trường cho biết họ đã mất thiện cảm với những cuộc phỏng vấn không đề cập đến mức lương, thậm chí nhiều người chọn cách "biến mất không dấu vết", từ chối trả lời hoặc tiếp tục quy trình tuyển dụng.
Lương: Điều kiện tiên quyết, không còn là chuyện “tế nhị”
Không phải vì bất lịch sự, Gen Z chỉ đơn giản là đang sống thật. Với họ, sự minh bạch là nguyên tắc tối thượng, và mức lương là thứ cần được đưa ra ngay từ đầu. Nếu không, họ sẵn sàng rút lui.
“Do ngày càng nhiều tin tuyển dụng công khai mức lương như một điều hiển nhiên, nên khi gặp những nơi giấu kín thông tin này, ứng viên dễ dàng bỏ qua,” bà Vicki Salemi, chuyên gia nghề nghiệp tại Monster, nhận định trên tạp chí Fortune.
Có tới 44% sinh viên Gen Z mới ra trường cho biết, họ đã mất thiện cảm với những cuộc phỏng vấn không đề cập đến mức lương. (Ảnh minh họa: stock.adobe.com)
Trong khi một số người coi đây là biểu hiện của sự “đòi hỏi”, thì nhiều ý kiến khác cho rằng đó là sự tiến hóa hợp lý. Sau nhiều năm chịu đựng môi trường công sở thiếu minh bạch, Gen Z đang thẳng thắn đặt câu hỏi mà thế hệ trước chỉ dám thì thầm: “Lương bao nhiêu?”
Tại Mỹ, nhiều bang như New York, California hay Colorado đã ban hành luật yêu cầu công khai lương trong tin tuyển dụng. Điều này càng củng cố niềm tin của Gen Z rằng việc hỏi về lương là quyền chính đáng.
Không chỉ cần tiền, mà còn cần giá trị
Dù đòi hỏi cao, nhiều người thuộc thế hệ này vẫn đang sống cùng gia đình và sẵn sàng chờ đợi công việc “trong mơ”, nơi hội tụ đủ các yếu tố: giá trị phù hợp, linh hoạt, và môi trường làm việc hòa nhập.
Cụ thể, theo khảo sát của Monster:
75% sinh viên Gen Z sẽ không làm việc cho công ty có quan điểm chính trị trái ngược với họ.
1 trong 3 người từ chối các doanh nghiệp không có lãnh đạo đa dạng.
42% coi làm việc linh hoạt (hybrid) là điều bắt buộc.
“Lực lượng lao động mới đang định nghĩa lại thời gian và không gian làm việc,” bà Salemi cho biết thêm.
Tại Mỹ, nhiều bang như New York, California hay Colorado đã ban hành luật yêu cầu công khai lương trong tin tuyển dụng. (Ảnh minh họa: stock.adobe.com)
Gen Z dám rời đi, nhưng doanh nghiệp cũng không khoan nhượng
Bà Kate Duchene, CEO của công ty dịch vụ chuyên nghiệp toàn cầu RGP, nhận xét: “Gen Z không ngại đòi hỏi nhiều hơn, và sẵn sàng rời đi nếu họ cảm thấy không được lắng nghe”.
Tuy nhiên, mặt khác, 60% nhà tuyển dụng cho biết đã từng sa thải nhân viên Gen Z vì thiếu những yếu tố cơ bản của sự chuyên nghiệp, như đến đúng giờ hay trả lời email đúng hạn.
Dù vậy, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu điều chỉnh để phù hợp với thế hệ mới.
“Thông điệp rất rõ ràng: lực lượng lao động hôm nay tham vọng, có chủ đích và hướng đến giá trị,” ông Scott Blumsac – Giám đốc marketing của Monster, kết luận trong báo cáo.
“Những doanh nghiệp biết lắng nghe, trao quyền linh hoạt, mang lại mục tiêu rõ ràng và cơ hội phát triển, sẽ có lợi thế lớn trong cuộc đua thu hút nhân tài trẻ.”
Ngọc Bảo (Theo NYPost)