Nếu thế giới nóng lên 4 độ C, GDP bình quân đầu người trên toàn cầu sẽ giảm 40%

Nếu thế giới nóng lên 4 độ C, GDP bình quân đầu người trên toàn cầu sẽ giảm 40%
20 giờ trướcBài gốc
Trái đất nóng lên sẽ tác động mạnh đến GDP bình quân đầu người trên toàn thế giới. Ảnh minh họa: Pan Trading
Nghiên cứu của các nhà khoa học Australia cho thấy ngay cả khi nhiệt độ chỉ tăng ở mức 2 độ C so với thời tiền công nghiệp, GDP bình quân đầu người trên toàn cầu sẽ giảm 16%. Đây là mức giảm lớn hơn nhiều so với các ước tính trước đây, khi cho rằng mức giảm sẽ ở mức 1,4%.
Theo ước tính hiện nay của các nhà khoa học, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng 2,1 độ C ngay cả khi các quốc gia đạt được các mục tiêu về khí hậu trong ngắn hạn và dài hạn.
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều chỉ trích rằng bộ công cụ kinh tế được gọi là mô hình đánh giá tích hợp (IAM) - được sử dụng để hướng dẫn các chính phủ nên đầu tư bao nhiêu vào việc cắt giảm khí thải nhà kính - đã không nắm bắt được những rủi ro lớn từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là các sự kiện thời tiết khắc nghiệt.
Từ đó, nghiên cứu mới – được đăng trên tạp chí Environmental Research Letters, đã lấy một trong những mô hình kinh tế phổ biến nhất và cải tiến bằng các dự báo về biến đổi khí hậu để nắm bắt được tác động của các sự kiện thời tiết khắc nghiệt trên toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tiến sĩ Timothy Neal, thuộc Viện ứng phó và rủi ro khí hậu của Đại học New South Wales và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết, nghiên cứu mới đã xem xét tác động có thể xảy ra của tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức 4 độ C - kịch bản được nhiều chuyên gia về khí hậu coi là “thảm họa đối với hành tinh” - và thấy rằng nó sẽ khiến GDP bình quần đầu người trên toàn cầu giảm đến 40% - cao hơn nhiều so với mức ước tính chỉ giảm khoảng 11% khi sử dụng các mô hình không có cải tiến.
Cũng theo Tiến sĩ Neal, các mô hình kinh tế trước đây đã “vô tình kết luận” mặc dù “có ý nghĩa sâu sắc đối với chính sách khí hậu”, nhưng sự nóng lên của hành tinh ngay cả khi ở mức cao cũng chỉ có tác động khiêm tốn đến nền kinh tế toàn cầu. Thực tế, các mô hình kinh tế có xu hướng chỉ tính đến sự thay đổi thời tiết ở cấp độ địa phương, thay vì cách các hiện tượng thời tiết cực đoan - như hạn hán hoặc lũ lụt, có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Trong một tương lai nóng hơn, chúng ta có thể phải đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra bởi các sự kiện thời tiết cực đoan trên toàn thế giới”, Tiến sĩ Neal cảnh báo.
Một số nhà kinh tế lập luận rằng tổn thất toàn cầu do hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể được cân bằng một phần bởi sự nóng lên có thể có lợi ở một số vùng lạnh, chẳng hạn như Canada, Nga và Bắc Âu. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Neal, tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia ở khắp mọi nơi, vì các nền kinh tế toàn cầu được kết nối thông qua thương mại.
TỐ QUYÊN(Lược dịch từ The Guardian)
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/the-gioi/neu-the-gioi-nong-len-4-do-c-gdp-binh-quan-dau-nguoi-tren-toan-cau-se-giam-40-152218.html