Ngày 24-4, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergey Shoigu nói rằng Moscow có quyền phát động tấn công bằng vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị phương Tây gây hấn quân sự, trong bối cảnh học thuyết hạt nhân của Nga vừa được sửa đổi vào năm ngoái, đài RT đưa tin.
Tuyên bố được đưa ra giữa lúc châu Âu đang thảo luận khả năng triển khai binh sĩ tới Ukraine như một phần trong thỏa thuận hòa bình tiềm năng, cùng với các kế hoạch quân sự hóa ngày càng rõ nét trong Liên minh châu Âu.
Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergey Shoigu. Ảnh: TASS
Ông Shoigu nhấn mạnh rằng Moscow “đang theo dõi sát mọi động thái chuẩn bị quân sự của các nước EU”, đồng thời cảnh báo rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân “trong trường hợp bị phương Tây tấn công quân sự” dù chỉ bằng vũ khí thông thường nhằm vào Nga hoặc Belarus.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn TASS cùng ngày, ông Shoigu cũng chỉ trích lời kêu gọi của Pháp và Anh về việc triển khai binh sĩ tới Ukraine nếu lệnh ngừng bắn có hiệu lực.
Moscow nhiều lần cảnh báo rằng mọi lực lượng quân sự nước ngoài hiện diện trên lãnh thổ Ukraine mà không được sự cho phép sẽ bị Nga coi là mục tiêu hợp pháp.
Ông Shoigu một lần nữa nhấn mạnh việc triển khai quân đội nước ngoài tại Ukraine có thể dẫn đến đối đầu trực tiếp giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đẩy xung đột leo thang thành chiến tranh hạt nhân và kích nổ chiến tranh thế giới thứ III.
Phần mình, phát ngôn viên Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov chỉ trích phương Tây đã bỏ qua cảnh báo từ Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc các hành động của phương Tây đang đe dọa an ninh quốc gia của Moscow.
"Nếu các vị cố gắng đảm bảo an ninh cho Ukraine bằng cách kéo quốc gia này vào NATO, thì các ông đang xâm phạm an ninh của Nga. Người Nga chắc chắn không mang bản chất hiếu chiến" - ông Peskov khẳng định, đồng thời bày tỏ mong muốn duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác với phương Tây.
Phương Tây chưa lên tiếng về thông tin trên.
Học thuyết hạt nhân của Nga được cập nhật vào tháng 11 năm ngoái, sau khi các nước phương Tây xem xét cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do họ cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Tổng thống Putin đã mở rộng các điều kiện có thể kích hoạt phản ứng hạt nhân, gồm cả kịch bản một hoặc nhóm quốc gia phi hạt nhân (được một cường quốc hạt nhân hậu thuẫn) tiến hành hành động quân sự chống lại Nga.
Moscow có thể xem hành động trên là “cuộc tấn công phối hợp”.
Tuy nhiên, học thuyết hạt nhân của Nga vẫn coi vũ khí hạt nhân là “biện pháp cực đoan và bất đắc dĩ”, đồng thời khẳng định mục tiêu của Moscow là ngăn chặn leo thang xung đột.
DƯƠNG KHANG