Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: TASS/TTXVN
Theo hãng tin TASS ngày 18/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã đưa ra quan điểm trên trong bài xã luận đăng trên nhật báo Rossiyskaya Gazeta, với tiêu đề “Chủ nghĩa thực dân mới”. Bà cho rằng, kim loại đất hiếm đang trở thành yếu tố chiến lược trong cuộc đua công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), và cảnh báo về xu hướng “giành quyền tiếp cận ưu tiên” vào các mỏ tài nguyên tại những quốc gia đang phát triển.
"Kim loại đất hiếm là nguồn tài nguyên thiết yếu phục vụ mở rộng sản xuất và chuẩn hóa công nghệ AI. Chúng đang trở thành phần thưởng trong các cuộc cạnh tranh thương mại giữa những nhà cung cấp giải pháp trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới”, bà Zakharova viết.
Bà nhận định rằng các quốc gia phương Tây, vốn không có nhiều trữ lượng đất hiếm trong lãnh thổ, đang đẩy mạnh ảnh hưởng tới các khu vực giàu tài nguyên thông qua những hình thức tiếp cận mang tính áp đặt. Theo bà Zakharova, đây là biểu hiện của một chính sách “thực dân công nghệ” mới, đặt ra nhiều thách thức đối với các nước đang phát triển.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh rằng trí tuệ nhân tạo không chỉ là một công cụ thúc đẩy đổi mới, mà còn đang trở thành “đòn bẩy phân phối lại quyền lực toàn cầu”. Theo bà, các nước đang phát triển đang đối mặt với nguy cơ phụ thuộc không chỉ vào thiết bị, phần mềm mà còn vào các thuật toán kiểm soát hoạt động kinh tế - xã hội cốt lõi như vận tải, giáo dục, y tế và truyền thông.
“Chính nhờ trí tuệ nhân tạo mà chủ nghĩa thực dân mới đang trở nên toàn cầu hóa và hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật”, bà Zakharova nhấn mạnh.
Phát biểu của phía Nga được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia phương Tây, đặc biệt tại châu Âu và Bắc Mỹ, đang gia tăng đầu tư và hợp tác khai thác đất hiếm tại các khu vực như châu Phi, Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Đây được xem là nỗ lực nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng chiến lược phục vụ phát triển công nghệ cao, bao gồm cả AI và năng lượng tái tạo.
Nhiều quốc gia sở hữu đất hiếm cũng đang cân nhắc lại chiến lược phát triển công nghiệp tài nguyên, tìm kiếm các hình thức hợp tác đôi bên cùng có lợi, đồng thời bảo vệ chủ quyền tài nguyên và môi trường.
Một số chuyên gia cho rằng, mặc dù những nỗ lực quốc tế trong việc thúc đẩy công nghệ là cần thiết, nhưng nếu không có các nguyên tắc minh bạch, công bằng và tôn trọng quyền chủ quyền quốc gia, làn sóng đầu tư vào đất hiếm có thể làm gia tăng bất bình đẳng toàn cầu, đồng thời duy trì các hình thức lệ thuộc kinh tế vốn đã tồn tại trong lịch sử.
Phát biểu của bà Zakharova thể hiện quan điểm từ phía Nga về xu hướng phát triển công nghệ toàn cầu, trong đó tài nguyên khoáng sản và trí tuệ nhân tạo ngày càng gắn liền với lợi ích địa chính trị và ảnh hưởng đến cán cân quyền lực quốc tế.
Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc