Khoảng 35% lượng nhiên liệu hạt nhân nhập khẩu của Mỹ trước đây đến từ Nga. (Nguồn: Getty Images)
Hãng tin Reuters cho hay, thông báo từ chính phủ Nga nói rằng, quyết định áp đặt hạn chế tạm thời đối với xuất khẩu sang Mỹ đã được ký "theo chỉ thị của tổng thống để đáp trả những hạn chế và lệnh cấm do Washington áp đặt", song sẽ có ngoại lệ.
Theo cơ quan đảm trách về năng lượng hạt nhân của Mỹ, Nga nắm giữ khoảng 44% công suất làm giàu uranium của thế giới và khoảng 35% lượng nhiên liệu hạt nhân nhập khẩu của Washington trước đây đến từ Moscow.
Tuy nhiên, quyết định trên của Nga chỉ là hành động trả đũa mang tính biểu tượng vì từ tháng 5, Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật lệnh cấm nhập khẩu uranium làm giàu từ Moscow, mặc dù Washington cũng có khả năng ban hành các miễn trừ nếu có lo ngại về nguồn cung.
Liên quan quan hệ Nga-Mỹ, cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Moscow không can thiệp công việc nội bộ của Washington và chưa từng thực hiện hành động đó.
Tuyên bố trên được đưa ra khi phóng viên yêu cầu ông bình luận về việc bổ nhiệm nhân sự trong chính quyền sắp tới của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, đặc biệt là quyết định chọn ông Marco Rubio - nhân vật có lập trường cứng rắn với Trung Quốc - làm Ngoại trưởng Mỹ.
Cũng trong ngày 15/11, Ngoại trưởng Nga Sergai Lavrov cho biết, ông không biết Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump định giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine như thế nào, nhưng Moscow mong muốn chứng kiến những gì ông chủ thứ 47 của Nhà Trắng sẽ đưa ra.
Bên cạnh đó, nhà ngoại giao kỳ cựu Nga nhấn mạnh rằng, Moscow luôn khẳng định, bất kỳ chính trị gia nào nói rằng mình ủng hộ hòa bình thay vì xung đột thì "đều đáng được chú ý".
Bảo Minh