Nga đột phá khi phát triển UAV diệt mục tiêu

Nga đột phá khi phát triển UAV diệt mục tiêu
4 giờ trướcBài gốc
UAV đa năng Orlan-10 của Nga. Ảnh: TASS
Theo trang tin quân sự Bulgarianmilitary.com mới đây, trên chiến trường Ukraine, thiết bị bay không người lái (UAV) đã trở thành một yếu tố không thể thiếu, định hình nhịp độ và kết quả của các trận chiến bằng khả năng giám sát liên tục và các cuộc tấn công chính xác. Trong cuộc đua công nghệ khốc liệt này, một sự đổi mới bất ngờ đã xuất hiện từ một nguồn không ai nghĩ tới: Svetlana Kabanova - một sinh viên trẻ đầy tài năng đến từ Saint Petersburg, Nga.
Cụ thể Kabanova, sinh viên tại Đại học Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ Saint Petersburg (GUAP), đã phát triển một nguyên mẫu UAV cảm tử đặc biệt, được thiết kế để đánh chặn các UAV cỡ nhỏ và vừa của đối phương. Đây được xem là một bước đột phá tiềm năng, có khả năng thay đổi đáng kể cách Nga tiếp cận cuộc chiến chống lại UAV.
Như hãng thông tấn Nga TASS đưa tin, sự kiện này nhấn mạnh một xu hướng rộng lớn hơn: các trường đại học Nga đang nổi lên như những trung tâm đổi mới quân sự quan trọng. Điều này được thúc đẩy bởi sự khéo léo và khả năng thích ứng nhanh chóng của các kỹ sư trẻ trước áp lực từ các lệnh trừng phạt quốc tế và nhu cầu cấp thiết trên chiến trường.
UAV của sinh viên Kabanova là một thiết kế độc đáo, kết hợp khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) của máy bay bốn cánh quạt với hiệu quả khí động học của máy bay cánh cố định. Theo thông tin từ văn phòng báo chí của GUAP, được TASS trích dẫn, không giống như các sản phẩm khác, sản phẩm này ít bị tổn thương hơn và tiết kiệm chi phí sản xuất hơn, đáp ứng nhu cầu của Nga về các thiết bị quân sự có khả năng sản xuất hàng loạt với chi phí hợp lý trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Đồng thời, UAV này cũng giảm thiểu khả năng bị phát hiện và đối phó. Tính năng này, đạt được nhờ một thiết kế mới lạ được tạo ra bằng phần mềm Compass-3D do Nga sản xuất, cho phép UAV chuyển đổi nhanh chóng giữa chế độ bay lơ lửng và bay tốc độ cao, một khả năng có thể mang tính quyết định trong việc vô hiệu hóa các UAV nhanh nhẹn của đối phương.
Ý nghĩa của sản phẩm trên không chỉ nằm ở sự tinh xảo về mặt kỹ thuật mà còn ở nguồn gốc của nó. Việc phát triển nguyên mẫu này như một phần của chương trình học cho thấy sự chuyển hướng nhanh chóng của các tổ chức giáo dục Nga để đáp ứng nhu cầu của cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine. GUAP, một trường đại học nổi tiếng về kỹ thuật hàng không vũ trụ, đã điều chỉnh các chương trình đào tạo của mình theo nhu cầu của ngành quốc phòng Nga, nuôi dưỡng một thế hệ kỹ sư mới có nhiệm vụ vượt qua những thách thức về công nghệ và hậu cần do các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt.
Các lệnh trừng phạt này, được áp dụng để phản ứng với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine vào tháng 2/2022, đã hạn chế nghiêm ngặt quyền tiếp cận các thành phần nước ngoài, buộc Nga phải dựa vào sự đổi mới trong nước. UAV của sinh viên Kabanova, với việc sử dụng vật liệu và phần mềm có nguồn gốc nội địa, là một minh chứng điển hình cho sự chuyển dịch này sang tự lực cánh sinh.
Thiết kế của UAV đặc biệt đáng chú ý với cấu hình máy bay chuyển đổi, một giải pháp lai tạo độc đáo. Không giống như UAV bốn cánh quạt có khả năng bay lơ lửng nhưng thiếu tốc độ và phạm vi hoạt động, hoặc UAV cánh cố định nhanh nhưng cần đường băng để cất cánh, UAV chuyển đổi cung cấp một sự cân bằng linh hoạt. Bằng cách nghiêng cánh quạt, UAV của Kabanova có thể cất cánh thẳng đứng, lơ lửng để khóa mục tiêu, sau đó chuyển sang chế độ bay cánh cố định để truy đuổi với tốc độ cao. Khả năng "nằm trên cánh" trong khi điều khiển giúp giảm lực cản của không khí, cho phép UAV đạt tốc độ cao hơn và khả năng cơ động tốt hơn, đồng thời giảm thiểu tiết diện phản xạ radar.
Điều này biến nó thành một vũ khí đáng gờm để đánh chặn các UAV nhỏ, nhanh nhẹn, chẳng hạn như dòng DJI Mavic thương mại được lực lượng Ukraine sử dụng rộng rãi cho trinh sát và tấn công hạng nhẹ. Thiết kế này cũng tăng cường khả năng sống sót của UAV trước các hệ thống tác chiến điện tử, vốn rất phổ biến trên chiến trường Ukraine, nơi cả hai bên đều triển khai các công nghệ gây nhiễu tinh vi để phá vỡ hoạt động của UAV.
Việc chế tạo nguyên mẫu bằng cách tận dụng công nghệ in 3D cho các bộ phận chính xác và chế biến gỗ cho các thành phần kết cấu càng chứng minh tính thực tiễn của nó. Sinh viên Kabanova đã tạo ra một UAV không chỉ hiệu quả mà còn tiết kiệm chi phí, phù hợp với chiến lược rộng hơn của Nga nhằm sản xuất các thiết bị quân sự giá cả phải chăng có thể triển khai trên quy mô lớn. Việc sử dụng phần mềm thiết kế hỗ trợ máy tính Compass-3D do Nga phát triển đảm bảo rằng quá trình phát triển UAV không phụ thuộc vào công nghệ phương Tây, một yếu tố quan trọng trong bối cảnh các lệnh trừng phạt. Nguyên mẫu đã vượt qua các cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, mở đường cho các đánh giá và thử nghiệm thực địa tiềm năng.
Việc Nga đầu tư vào công nghệ UAV không phải là mới, nhưng sự tham gia của các sinh viên như Kabanova cho thấy một bước tiến mang tính chiến lược. Kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, UAV đã thay đổi chiến trường, đóng vai trò là "đôi mắt trên bầu trời", nền tảng tấn công chính xác và thậm chí là vũ khí tâm lý. Nga đã triển khai một loạt các UAV, bao gồm Zala Lancet, một loại vũ khí có khả năng cơ động cao và tấn công chính xác vào xe bọc thép và công sự, và Shahed-136 (Geran-2), một UAV cảm tử do Iran thiết kế, được sử dụng để tấn công sâu vào cơ sở hạ tầng Ukraine. Tuy nhiên, những UAV này thường tốn kém và phụ thuộc vào chuỗi cung ứng phức tạp.
Ngược lại, UAV của sinh viên Kabanova cung cấp một giải pháp thay thế giá rẻ, được thiết kế đặc biệt cho các hoạt động chống UAV. Khả năng đánh chặn các UAV nhỏ hơn của nó giải quyết một lỗ hổng quan trọng trong chiến lược phòng không của Nga. Lực lượng Ukraine đã tận dụng các UAV thương mại nhỏ như dòng DJI Mavic và Matrice để trinh sát và thả các loại đạn dược nhỏ vào các vị trí của Nga. Những UAV này, thường được huy động thông qua hình thức gây quỹ cộng đồng, rất khó phát hiện và chống lại do kích thước nhỏ và khả năng bay linh hoạt. UAV chuyển đổi của Kabanova, với tốc độ và khả năng cơ động được cải thiện, có thể cung cấp cho lực lượng Nga một công cụ chuyên dụng để vô hiệu hóa các mối đe dọa này, có khả năng thay đổi cán cân trong không phận đang tranh chấp.
Bối cảnh rộng hơn về những nỗ lực phát triển UAV của Nga cho thấy họ đang chạy đua để bắt kịp trong lĩnh vực công nghệ đang phát triển nhanh chóng này. Cuộc xung đột ở Ukraine đã trở thành nơi thử nghiệm các UAV mới, với cả hai bên đều đổi mới với tốc độ đáng kinh ngạc. Orlan-10 của Nga, một UAV trinh sát cánh cố định, đã được sử dụng rộng rãi, nhưng sự phụ thuộc vào các thành phần nước ngoài đã bộc lộ những điểm yếu trong chuỗi cung ứng của Nga. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm gián đoạn việc tiếp cận các thành phần này, thúc đẩy Nga đầu tư mạnh vào các giải pháp thay thế trong nước. Kế hoạch đầy tham vọng của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm thành lập 48 cơ sở nghiên cứu và sản xuất UAV vào năm 2030 phản ánh tính cấp bách này.
Dự án của Kabanova cũng nhấn mạnh vai trò của các học viện trong hệ sinh thái quốc phòng của Nga. Các trường đại học như GUAP không chỉ đào tạo kỹ sư mà còn tích cực đóng góp vào nghiên cứu và phát triển quân sự. Xu hướng này cũng rõ ràng ở các tổ chức khác như Viện Hàng không Moskva (MAI), nơi điều hành một trung tâm phát triển UAV và hợp tác với các công ty quốc phòng lớn.
Thành công trong phòng thí nghiệm của UAV Kabanova chỉ là bước khởi đầu. Các cuộc thử nghiệm thực địa thành công có thể dẫn đến việc tích hợp nó vào kho vũ khí chống UAV của Nga. Chi phí thấp và khả năng thích ứng của UAV khiến nó trở thành ứng cử viên cho sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, việc mở rộng sản xuất sẽ đòi hỏi phải vượt qua các rào cản về hậu cần và kỹ thuật.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/vu-khi-khi-tai/nga-dot-pha-khi-phat-trien-uav-diet-muc-tieu-20250514205951932.htm