Đều đặn hằng tháng, hằng quý, có những nhóm thợ lặn của Viện Hải dương học, Ban Quản lý vịnh Nha Trang và Chi nhánh ven biển, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga mang theo các thiết bị lặn sâu trong lòng biển ở vịnh Nha Trang để thực hiện nhiệm vụ khảo sát, thu thập dữ liệu hệ sinh thái biển, góp phần quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 UBND tỉnh đề ra.
Thu thập dữ liệu
Vừa qua, chúng tôi theo các thợ lặn thuộc Phòng Bảo tồn, Ban Quản lý vịnh Nha Trang có mặt tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun (vịnh Nha Trang) để thực hiện nhiệm vụ lặn biển khảo sát, bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô. Trên ca nô, vừa chuẩn bị thiết bị cho đợt lặn biển, ông Nguyễn Minh Tân - Phó Trưởng phòng Bảo tồn chia sẻ, để được làm công việc này, các thành viên đều phải có chứng chỉ lặn được cấp bởi Hiệp hội Lặn biển (PADI) dành cho các cấp độ từ Open Diving Water (18m), Advanced Diving Water (30m) định hướng và xử lý các tình huống dưới nước. Để làm nhiệm vụ dưới nước, các thợ lặn phải mặc bộ đồ lặn biển, mang bình khí, chân vịt… với khối lượng khoảng 30kg; mang theo một số vật dụng như: Dây đo đạc, giấy, bút (ghi được dưới nước). Các thợ lặn được đào tạo thuần thục các kỹ năng và cách sử dụng những thiết bị mang theo ở môi trường dưới nước. Một bình khí người bình thường khi lặn xuống biển có thể thở được trong 45 phút thì các thợ lặn có thể sử dụng được cho khoảng 90 phút.
Các thợ lặn thu thập dữ liệu đáy biển ở vịnh Nha Trang.
Chia sẻ về công việc dưới đáy biển sâu, ông Tân cho biết, qua các kỹ năng được đào tạo bài bản, các thợ lặn sẽ thực hiện nhiều phương pháp để nghiên cứu, nhất là giám sát nhanh rạn san hô (reefcheck). Theo đó, các thợ lặn sẽ thực hiện đánh dấu ranh giới các phân vùng chức năng bảo tồn biển; kéo thước đo theo mặt cắt của đáy biển, cứ khoảng 1m sẽ ghi lại thực trạng của đáy biển thời điểm đo (các loài san hô, loài cá, các loại đá…) và dùng giấy, bút chuyên dụng để ghi lại. Các số liệu này sau đó sẽ được dùng để đánh giá, phân tích phục vụ cho quá trình nghiên cứu, so sánh sự tăng giảm, độ phủ của san hô nói riêng và xu thế biến động của các hệ sinh thái biển trong vịnh Nha Trang nói chung, từ đó có các kiến nghị, đề xuất phù hợp.
Ông Phạm Thành Nghĩa - thợ lặn thuộc Phòng Bảo tồn chia sẻ, trong quá trình khảo sát dưới biển gặp không ít khó khăn. Vào mùa biển động hoặc khi dòng chảy mạnh, việc lặn khảo sát bị hạn chế do không đảm bảo an toàn. Có những thời điểm nước biển đục làm giảm tầm nhìn xuống dưới 1m gây trở ngại lớn cho việc ghi nhận hình ảnh và đo đạc chính xác. Ngoài ra, ở nhiều khu vực đáy biển có địa hình phức tạp, san hô mọc dày hoặc xen lẫn đá nhọn dễ gây trầy xước, thương tích cho thợ lặn nếu không cẩn thận. Có khi rác thải, lưới đánh cá mắc lại vừa ảnh hưởng đến hệ sinh thái, vừa tiềm ẩn nguy cơ mắc kẹt, vướng víu cho người lặn. “Công tác khảo sát cũng có những thuận lợi nhất định khi các đơn vị đã được trang bị máy móc hỗ trợ đo đạc, quay chụp hiện đại như: Camera dưới nước, thiết bị định vị và phần mềm xử lý dữ liệu. Khu vực vịnh Nha Trang có nhiều ngày biển êm, thời tiết thuận lợi, tạo điều kiện cho các nhóm thợ lặn thực hiện khảo sát định kỳ, liên tục theo kế hoạch”, ông Nghĩa cho biết.
Để đảm bảo an toàn khi làm việc dưới đáy biển, mỗi nhóm thợ lặn có 2 - 3 người để hỗ trợ lẫn nhau. Trong quá trình lặn biển có những nguyên tắc như: Khi có dấu hiệu mệt mỏi là phải nổi lên mặt nước ngay, không được nghỉ ngơi dưới nước; khi bơi lên phải đưa một tay lên phía đầu để xác định được trên vùng biển nổi lên có tàu, thuyền hay không để tránh sự va chạm.
Phục vụ hiệu quả công tác bảo tồn biển
Trò chuyện cùng chúng tôi, thợ lặn thuộc Chi nhánh ven biển, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga cho biết, công tác lặn biển khảo sát, bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô ở vịnh Nha Trang những năm qua được đơn vị thực hiện trên nhiều vùng biển ở vịnh Nha Trang, với các đợt khác nhau theo từng nhóm đề tài. Không chỉ có những thợ lặn Việt Nam mà còn có sự hỗ trợ của các chuyên gia, thợ lặn đến từ nước Nga. Qua những dữ liệu thu thập được từ rất nhiều năm, đơn vị đang phối hợp để thực hiện nhiều nhiệm vụ bảo tồn và phục hồi các rạn san hô như: Phát triển các công nghệ nhân giống, xây dựng vườn ươm giống san hô, tạo rạn nhân tạo ở vịnh Nha Trang. Theo đánh giá của các chuyên gia, thợ lặn nước ngoài, hệ sinh thái san hô ở vịnh Nha Trang đẹp, đa dạng, có giá trị sinh học rất cao, hiếm có trên thế giới, nhưng ở đáy biển vịnh Nha Trang còn nhiều rác thải, lưới đánh cá, sao biển gai ăn san hô… Điều này ảnh hưởng xấu để sự phát triển của san hô. Do đó, cần có thêm nhiều giải pháp hơn nữa để bảo vệ hệ sinh thái san hô quý giá dưới đáy biển Nha Trang.
Theo ông Đàm Hải Vân - Trưởng ban Quản lý vịnh Nha Trang, nhờ những dữ liệu quan trọng được các thợ lặn thu thập được trong những năm qua, Ban Quản lý vịnh Nha Trang, Viện Hải dương học và Chi nhánh ven biển, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã có những báo cáo chất lượng cho các đơn vị chức năng của tỉnh, thành phố để khoanh vùng bảo vệ, giám sát hệ sinh thái rạn san hô và kiến nghị, đề xuất các giải pháp bảo tồn hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang. Cùng với công tác nghiên cứu, bảo tồn biển, thợ lặn của các đơn vị cũng thường xuyên tổ chức hoạt động thu gom rác, lưới đánh cá, bắt sao biển gai…; tham gia tích cực việc trồng rừng ngập mặn ở Đầm Bấy, thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản ở vịnh Nha Trang.
Ông Lưu Thành Nhân - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Nha Trang cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Thường trực Thành ủy, sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị của tỉnh và thành phố, cùng sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, các đơn vị nghiên cứu khoa học và tổ chức quốc tế, UBND thành phố và các cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đạt tiến độ.
Đối với công tác bảo tồn và phát triển vịnh Nha Trang, với các dữ liệu khảo sát, nghiên cứu của các chuyên gia, thợ lặn cung cấp, thành phố đang tiếp tục phối hợp thực hiện nhiều đề tài, đề án thiết thực, trọng tâm như: Xây dựng thử nghiệm mô hình rạn nhân tạo để bảo tồn đa dạng sinh học hướng đến phát triển du lịch sinh thái biển trong khu vực thử nghiệm; tạo vườn ươm cung cấp nguồn giống san hô tạo rạn để phục hồi và tái tạo hệ sinh thái rạn san hô ở vịnh Nha Trang; nghiên cứu đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn, sử dụng bền vững tài nguyên rạn san hô vùng biển ven bờ tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận... Từ đó, góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030.
HẢO VY