“Lực lượng trấn an” nước ngoài có thể được triển khai tại Ukraine tiếp tục là nội dung nghị sự quan trọng được Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên “liên minh tự nguyện” do Anh, Pháp dẫn đầu, thảo luận tại Brussels hôm qua.
“Hai nước đầu tàu” đang muốn đẩy nhanh việc thành lập khi cho rằng phải có 1 lực lượng sẵn sàng đảm bảo tương lai cho Ukraine sau bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào và rằng một cuộc tấn công vào Ukraine trong tương lai sẽ không diễn ra. Theo báo Anh, chính phủ Anh đang cân nhắc đưa quân tới Ukraine trong thời gian 5 năm và đã nêu ý tưởng với các đồng minh.
Quân đội Ukraine trên chiến trường. Ảnh: Getty
Tuy nhiên, mọi thứ diễn ra chưa như ý của Anh và Pháp. Tới thời điểm này, chỉ có 6 quốc gia tỏ ý sẵn sàng đưa quân trên bộ, trên không, trên biển để đảm bảo an ninh cho Ukraine. Các quốc gia khác vẫn do dự hoặc phản đối. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Hakkanen, nếu lực lượng trấn an có sự tham gia của Mỹ mới là điều lý tưởng:
“Hôm nay, chúng tôi đang nghe thêm chi tiết về số lượng quân lính và một số năng lực quân sự cần thiết. Nhưng trọng tâm chính phải là lực lượng vũ trang của Ukraine – đó phải là ưu tiên hàng đầu để tăng cường. Chúng tôi cần đảm bảo cho họ điều đó. Theo quan điểm của Phần Lan, chúng tôi cho rằng Mỹ là nhân tố quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lâu dài và đó là lý do tại sao chúng tôi nhấn mạnh rằng Mỹ phải tham gia theo hình thức nào đó”.
Trong khi đó, một loạt các câu hỏi chưa lời giải được người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Kaja Kallas chỉ ra: “Khi nói đến bất kỳ lực lượng trấn an nào, chúng ta cũng cần biết nó thực sự là gì. Có phải là răn đe không? Có phải là giám sát không? Có phải là gìn giữ hòa bình không? Ngoài ra, mục tiêu của chúng ta là gì? Và điều đó liên quan rất nhiều đến việc chúng ta có hòa bình hay không, và cho đến nay, chúng ta không có hòa bình để gìn giữ”.
Thụy Điển, Hà Lan cũng muốn làm rõ các vấn đề về cách thức hoạt động của lực lượng trấn an trong một số tình huống cụ thể, như Nga có hành động leo thang.
Dẫu vậy, theo một số nhà ngoại giao, hiện vẫn còn quá sớm để bàn về lực lượng trấn an khi chưa có thỏa thuận hòa bình Nga - Ukraine. Một số ý kiến cho rằng việc gửi một lực lượng như vậy tới Ukraine không phải là giải pháp khả thi nhất, trong khi việc tăng cường lực lượng NATO ở các nước láng giềng của Ukraine có thể là một lựa chọn tốt hơn.
Cùng ngày hôm qua, dư luận thế giới cũng rất quan tâm đến cuộc gặp của các quan chức Nga và Mỹ tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, cuộc gặp kéo dài 6 giờ đồng hồ này lại không bàn về vấn đề Ukraine hay việc mở rộng hợp tác giữa Nga – Mỹ, mà chỉ bàn về việc bình thường hóa các phái bộ ngoại giao hai nước.
Tuy nhiên, từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn kỳ vọng về một thỏa thuận về Ukraine sẽ đạt được với Nga và hoan nghênh đợt trao đổi tù nhân lần thứ hai giữa hai bên kể từ khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng: “Chúng tôi thực sự muốn chấm dứt cuộc chiến Nga - Ukraine. Họ đang mất 2.500 người trẻ tuổi và thậm chí còn nhiều hơn thế mỗi tuần. Họ là người Nga và người Ukraine, họ không phải người Mỹ. Tôi nghĩ chúng tôi đang đạt được tiến triển trong việc tìm cách chấm dứt điều đó. Chúng tôi hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận tương đối sớm với Nga và Ukraine để ngăn chặn cuộc chiến”.
Đình Nam/VOV1 (tổng hợp)