Ngành thép của Anh đang đối mặt với rất nhiều khó khăn cả bên trong và bên ngoài. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo bài viết đăng trên trang web của tổ chức “UK in a changing Europe”, ngành thép của Vương quốc Anh đang đứng trước ngã rẽ quan trọng khi Quốc hội nước này mới đây đã thông qua luật khẩn cấp để nhằm ngăn chặn việc đóng cửa các lò cao (luyện thép) cuối cùng tại Scunthorpe – cơ sở duy nhất còn khả năng sản xuất thép "nguyên chất" phục vụ quốc phòng, năng lượng hạt nhân, xây dựng, và cơ sở hạ tầng.
Động thái này không chỉ phản ánh nỗ lực bảo vệ một ngành công nghiệp chiến lược, mà còn cho thấy những thách thức cấu trúc sâu xa đang đe dọa tương lai ngành thép Anh.
Can thiệp khẩn cấp: Giải pháp tạm thời hay dài hạn?
Ngày 12/4, Quốc hội Anh đã triệu tập phiên họp đặc biệt để thông qua luật trao quyền cho Bộ trưởng Kinh doanh kiểm soát hoạt động của British Steel tại Scunthorpe, sau khi công ty tuyên bố lỗ 700.000 bảng Anh (khoảng 926.000 USD) mỗi ngày và lên kế hoạch đóng cửa các lò cao. Chính phủ Anh đã đàm phán với chủ sở hữu của British Steel, tập đoàn Jingye, để chuyển sang sản xuất thép bằng lò điện hồ quang thân thiện với môi trường, sử dụng thép phế liệu. Tuy nhiên, Jingye từ chối gói hỗ trợ tài chính 500 triệu bảng Anh, khiến đàm phán đổ vỡ.
Trước nguy cơ mất khả năng sản xuất thép nguyên chất – yếu tố được xem là "nền tảng kinh tế và an ninh quốc gia", London đã hành động quyết liệt, bảo đảm nguồn nguyên liệu thô như than cốc và quặng sắt từ Mỹ và Australia để duy trì hoạt động lò cao. Dù vậy, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Thiếu một chiến lược dài hạn, ngành thép Anh khó thoát khỏi vòng xoáy khủng hoảng.
Ngành thép Anh đang đối mặt với hàng loạt khó khăn. Thứ nhất, nguồn cung thép dư thừa toàn cầu và tình trạng bán phá giá từ các nước xuất khẩu đã làm suy yếu khả năng cạnh tranh. Thứ hai, chi phí năng lượng tại Anh cao hơn nhiều so với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, đẩy ngành thép – vốn tiêu tốn nhiều năng lượng – vào thế bất lợi. Hơn nữa, mức thuế quan 25% của Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ cản trở xuất khẩu thép Anh sang Mỹ - thị trường lớn thứ hai sau EU, mà còn gây hiệu ứng domino, khiến thép giá rẻ tràn vào thị trường Anh, kéo giá giảm.
Ngoài ra, mục tiêu khử carbon trong sản xuất thép đòi hỏi đầu tư lớn, từ việc chuyển sang lò điện hồ quang đến khám phá các công nghệ mới như quy trình Sắt Khử Trực tiếp (DRI) sử dụng hydro xanh. Những áp lực này càng trở nên nghiêm trọng trong bối cảnh lò cao Scunthorpe đã gần hết tuổi thọ do thiếu đầu tư trong nhiều thập kỷ.
Năm 2016, một mô hình "quản lý bảo toàn" kiểu Mỹ từng được đề xuất để cứu hoạt động sản xuất thép của hãng Tata tại Anh, với hai mục tiêu: vận hành doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng và giải quyết các vấn đề cấu trúc. Mô hình này cho phép cơ quan chức năng kiểm soát hoạt động hàng ngày, giữ nguyên cấu trúc công ty, đồng thời tái cơ cấu chiến lược kinh doanh.
Năm 2019, ý tưởng này được áp dụng một phần cho British Steel khi Chính phủ Anh chỉ định nhân viên tiếp quản để duy trì hoạt động và tìm người mua (Jingye), với 600 triệu bảng Anh hỗ trợ 1.000 việc làm. Tuy nhiên, chính phủ đảng Bảo thủ khi đó đã bỏ qua việc xử lý các vấn đề cấu trúc, như chi phí năng lượng cao và cạnh tranh quốc tế, khiến British Steel tiếp tục lao đao.
Lối thoát cho ngành thép Anh
Để đảm bảo tương lai bền vững cho British Steel, Chính phủ Anh cần hành động quyết đoán. Trước hết, chi phí năng lượng cần được cắt giảm thông qua các biểu giá ưu đãi cho khách hàng công nghiệp lớn hoặc tách giá điện khỏi giá khí đốt bán buôn. Đồng thời, Cơ quan Giải pháp Thương mại nên mở rộng các biện pháp bảo vệ thép, kết hợp với Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (dự kiến bắt đầu thực thi vào năm 2027) để bảo vệ thép Anh trước các sản phẩm giá rẻ từ nước ngoài.
Về khử carbon, việc chuyển hoàn toàn sang lò điện hồ quang có thể làm mất khả năng sản xuất thép nguyên chất chất lượng cao, gây tranh cãi về an ninh quốc gia. Do đó, chính phủ cần xem xét đầu tư vào công nghệ như quy trình Sắt Khử Trực tiếp, sử dụng hydro xanh để sản xuất thép sạch mà vẫn duy trì chất lượng. Với cam kết hỗ trợ 2,5 tỷ bảng Anh, chính phủ phải làm rõ ưu tiên: mở rộng lò điện hồ quang, phát triển thép dựa trên hydro, hay tập trung vào chế biến thép cho các ngành như năng lượng gió.
Việc kiểm soát British Steel là cơ hội để Chính phủ Anh khắc phục những sai lầm trước đây. Thay vì các giải pháp chắp vá, một chiến lược toàn diện cần được xây dựng, giải quyết chi phí năng lượng, cạnh tranh quốc tế, và khử carbon. Chỉ khi đó, ngành thép Anh mới có thể vượt qua khủng hoảng, bảo vệ việc làm, và giữ vững vai trò chiến lược trong nền kinh tế. Lần can thiệp này phải là bước ngoặt, không chỉ là một lần trì hoãn thất bại.
Phong Hà (P/v TTXVN tại London)