Bức ảnh, được chia sẻ bởi tài khoản X Status-6, làm nổi bật sự chuyển đổi ngoạn mục của xe tăng thời Liên Xô thành một phương tiện bọc thép hạng nặng để vận chuyển bộ binh.
Xe tăng T-62 được cải tiến là một ví dụ nữa cho thấy Nga đang tái sử dụng các hệ thống cũ để ứng phó với thực tế khắc nghiệt của chiến tranh hiện đại.
Trước đó Nga đã quyết định gọi tái ngũ hàng trăm xe tăng hạng trung T-62M sau những tổn thất nặng nề về tăng thiết giáp tại Ukraine.
Tuy còn nhiều khác nhau về số liệu thiệt hại của lực lượng tăng thiết giáp Nga trong xung đột Ukraine, tuy nhiên các nguồn tin đều có điểm chung khi cho rằng Moscow đã mất hàng ngàn xe tăng trong cuộc chiến này.
Hiện xung đột Đông Âu vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, vì thế hàng ngày vẫn có hàng chục xe tăng và thiết giáp từ cả hai phía bị phá hủy trong xung đột này.
Nga đã quyết định gọi tái ngũ xe tăng T-62M vào tháng 5/2022, ban đầu chúng được sử dụng như một phương tiện yểm trợ bộ binh.
Tuy nhiên sau đó dòng xe tăng này đã không chống chịu được với vũ khí chống tăng hiện đại, Nga đã bố trí T-62M như một loại pháo tự hành dội hỏa lực vào Ukraine.
Xe tăng T-62M đã bị loại biên từ thập niên 1990, trong lúc chờ để rã sắt vụn thì cuộc nội chiến tại Syria nổ ra, Nga với vai trò đồng minh đã mạnh tay cung cấp 200 chiếc T-62M cho chính quyền của Tổng thống Assad.
Tiếp tục đến chiến trường Ukraine một lần nữa như hồi sinh dòng xe tăng này. Hiện Nga vẫn đang có hàng ngàn chiếc T-62M nằm trong các kho dự trữ.
Xe tăng T-62 được Liên Xô phát triển từ đầu thập niên 1960 để đối phó mẫu FV4201 Chieftain của Anh và M60 Patton Mỹ. Những chiếc cuối cùng được xuất xưởng năm 1975.
Phiên bản T-62M ra mắt năm 1983, là gói nâng cấp toàn diện về khả năng phòng vệ, cơ động và điều khiển hỏa lực cho dòng xe này.
So với xe tăng T-62 nguyên bản, T-62M được nâng cấp bao gồm việc tích hợp tổ hợp tên lửa chống tăng dẫn đường laser Sheksna (NATO gọi là AT-12 Swinger), giáp bị động BDD và hệ thống liên lạc R-173
Vũ khí chủ lực của T-62M vẫn là pháo nòng trơn U-5TS 115mm với bọng hút khói ở 2/3 thân nòng, tốc độ bắn trung bình 4 phát/phút
Pháo được nâng cấp hệ thống ngắm bắn với hệ thống điều khiển hỏa lực Volna gồm thiết bị đo xa laser KTD-2 lắp trên thân súng chính.
Bổ sung máy tính đường đạn BV-62; hệ thống ổn định hai trục Meteor-M1, kính ngắm cho pháo thủ TShSM-41U.
Quanh mặt trước tháp pháo được bổ sung module giáp tăng cường BDD có khả năng kháng chịu đạn nổ lõm chống tăng.
Bên cạnh đó, một động cơ mạnh hơn giúp T-62M có thể duy trì các đặc tính cơ động đã có trước đây của chiếc xe, vốn nặng hơn gần 4 tấn rưỡi sau khi tiến hành lắp đặt những tấm giáp phụ bổ sung
Phiên bản T-62M được trang bị động cơ diesel cải tiến V-55U, nhờ có hệ thống phun nhiên liệu trực tiếp được tối ưu hóa hơn, động cơ này đạt công suất 620 sức ngựa.
Dù được đánh giá là phiên bản nâng cấp mạnh nhất của dòng xe tăng hạng trung T-62, tuy nhiên T-62M vẫn bị đánh giá là có hiệu suất thấp hơn nhiều so với các xe tăng đàn em.
Ngoài việc bị hỏa lực từ quân đội Ukraine bắn hạ, một số chiếc xe tăng T-62M của quân đội Nga đã bị phía Ukraine thu giữ và tái biên chế.
Việt Hùng
Theo bulgarianmilitary