Sau hơn 5 năm làm vợ hờ của một giám đốc doanh nghiệp tư nhân, tuổi còn lớn hơn cả cha mình, Nhung được giải thoát khi vị giám đốc phá sản, không thể “bao” cô được nữa. Cô mở một cửa hiệu thời trang nhỏ trong căn nhà được trả công “làm vợ” 5 năm. Những tưởng đó là thành quả được hưởng sau những hy sinh tuổi xuân, nhưng bao rắc rối đã đến với cô khi hằng ngày, vợ và con trai giám đốc đến gây rối, đòi nhà, sỉ nhục cô là dạng “chân dài” lười nhác, sống bằng nghề phá hoại gia đình người khác. Buôn bán không được, ở cũng không xong, Nhung rao bán nhà. Nhưng chẳng ai dám mua một căn nhà mà hằng ngày cảnh sát khu vực phải đến để giải quyết tình hình mất an ninh trật tự. Cô cũng không dám ra khỏi nhà, vì cậu con trai giám đốc với vẻ mặt bặm trợn một mực “xin” cô một cái tai. Nhung chỉ là một trong rất nhiều “chân dài” đã sử dụng lợi thế hình thể của mình để không phải lao động vất vả mà vẫn “ngồi mát ăn bát vàng”.
Không biết tự bao giờ, “chân dài” là một hình ảnh chẳng hay ho gì để chỉ những cô nàng có nhan sắc nhưng chỉ biết sống dựa vào người khác. Nhiều “chân dài” thời nay rất táo tợn. Có cô lớn tiếng tuyên bố với thiên hạ “em đẹp em có quyền”, hay “bản thân sắc đẹp đã là tài năng”! Quyền ở đây là quyền được tuyển chọn những “đại gia”, trong đó bao gồm cả những quan chức biến chất làm “chồng” một thời gian, nói cách khác là người có khả năng chu cấp cho các “chân dài” được thỏa sức tiêu tiền mà không phải làm bất cứ việc gì ngoài “làm vợ”. Thực tế đã có rất nhiều câu chuyện “chân dài - đại gia” chiếm sóng mạng xã hội thời gian qua. Đó là chuyện cô gái làm nghề gội đầu ở tỉnh Đ.L chỉ sau thời gian ngắn được tuyển dụng đã làm tới chức trưởng phòng hành chính - quản trị thuộc văn phòng tỉnh ủy, bị báo chí phanh phui năm 2019. Hay chuyện một “chân dài” ở tỉnh T.H sau một thời gian ngắn được “nâng đỡ trong sáng” đã lên đến chức trưởng phòng của một sở quan trọng, dù học vấn thấp. Tuy chỉ là một cán bộ trưởng phòng mới được đề bạt, nhưng cô đã có khối tài sản khủng mà nhiều người làm suốt đời chưa có được.
Những “chân dài” như Nhung, như cô gái gội đầu ở Đ.L hay cô gái được “nâng đỡ trong sáng” ở T.H… có thực sự tự do, hạnh phúc? Nếu ai đó cho rằng chỉ cần hàng hiệu, trang sức đầy người và có tài sản khủng là sung sướng, hạnh phúc thì sẽ mong được như họ. Nhưng cái triết lý “chân giò - chai rượu” sẽ tước đi của những chân dài kia sự tự do và liêm sỉ. Họ sẽ phải cung phụng vô điều kiện người đã chu cấp cho mình. Họ sẽ mất đi liêm sỉ và tự do khi phải sống trong bóng tối và luôn phải che giấu thân phận. Đã có những vụ án mạng xảy ra khi có chân dài trót yêu thật lòng một người khác. Trong hoàn cảnh ấy, họ trở thành kẻ “lấy của miền xuôi nuôi miền ngược” và đương nhiên mắc tội với người đã chu cấp cho mình! Lại có những “chân dài” bị chính “đại gia” bẻ kèo, như trường hợp một hoa hậu đã tố cáo người mình từng chung sống kiểu “già nhân ngãi, non vợ chồng” ra tòa cách đây 10 năm. Lại có “chân dài” bị đánh ghen, nhận nguyên ca a-xít từ những kẻ được vợ, con của “đại gia” thuê trả thù. Hiện tượng “chân dài - đại gia” không chỉ phổ biến ở Việt Nam. Hẳn nhiều người chưa quên vụ án chấn động về cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh (Trung Quốc) Bạc Hy Lai - một trong những chính trị gia hàng đầu Trung Quốc năm 2012, cũng liên quan đến một “chân dài” là diễn viên điện ảnh nổi tiếng.
Đầu thế kỷ XX, khi cuộc sống của người Việt nói chung, phụ nữ Việt nói riêng còn phải đối diện với hai rào cản lớn là ảnh hưởng của Nho giáo và chế độ Pháp thuộc, đã có nhiều tiếng nói đòi tự do, đòi nữ quyền từ những nhà nữ quyền cất lên. Nữ sĩ Đạm Phương - một trí thức yêu nước tiêu biểu, nhà đấu tranh tiên phong cho nữ quyền của Việt Nam đã nói một câu rất quyết liệt: “Thói ỉ lại là nguồn gốc của sự nô lệ”. Ngay từ hồi ấy, nữ quyền không còn là chuyện riêng của phụ nữ mà đã trở thành vấn đề của xã hội. Nhằm giúp phụ nữ không phải sống lệ thuộc, những phụ nữ cấp tiến thời ấy đã lập nên những hội đoàn để nuôi giữ con cho những phụ nữ làm nghề bán bưng, giúp họ yên tâm buôn bán kiếm tiền nuôi sống bản thân và con của mình. Ngay từ ngày ấy, trong hoàn cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn và phụ nữ còn phải chịu nhiều ràng buộc bất công, bà Đạm Phương cùng cộng sự đã đặt mục tiêu xây dựng mỗi tỉnh, thành có 5 - 6 trường đào tạo nghề nghiệp cho phụ nữ.
Một thế kỷ đã qua đi với bao biến đổi của cuộc sống, bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ vẫn luôn là vấn đề quan trọng và chưa bao giờ thôi tranh luận về vấn đề này với những quan điểm thậm chí trái ngược nhau. Ngày nay, việc các đại gia, quan chức biến chất chu cấp nhà cửa, xe cộ, hàng hiệu cho vợ bé, bồ nhí đã trở nên bình thường. Mỗi ngày, dư luận xã hội lại say sưa theo dõi những câu chuyện chân dài - đại gia trên báo chí. Chân dài mà không đi với đại gia là không bình thường. Đại gia mà không có chân dài là không “đẳng cấp”. Và những câu chuyện tình ấy trở thành miếng mồi béo bở để truyền thông xã hội câu view, câu like. Song hành với những cuộc mua bán dâm trá hình giữa các đại gia, chân dài vẫn diễn ra ngấm ngầm, thậm chí trở thành “chuẩn mực” của một bộ phận giới thượng lưu mới, là thái độ khinh rẻ, lên án, kỳ thị của dư luận khi hình ảnh các cô gái bán dâm, “con giáp thứ 13” bị phơi trên truyền thông. Nhưng dường như sự kỳ thị vẫn chưa đủ ngăn tham vọng của những cô gái muốn “đổi đời” bằng cách sống bám vào một “đại gia” nào đó, cho dù biết rõ “miếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột”. Và thực tế, không ít đại gia bị lừa; cũng không ít cô gái phải trả giá bằng danh dự, sức khỏe, thậm chí mạng sống của mình.
Phụ nữ thời nay được hưởng thụ nhiều từ sự phát triển xã hội và công nghệ. Sự thụ hưởng mang tính lịch sử ấy đã tiếp sức để nhiều phụ nữ bay cao, vươn xa trên tất cả mọi lĩnh vực, từ khoa học vũ trụ đến lập trình, phi công, tài xế... Thế nhưng xã hội vẫn tồn tại một bộ phận trong giới nữ lệch lạc trong quan niệm sống với thói ỉ lại cố hữu. Họ tự tước bỏ đi vị thế, sự tự do của mình, tình nguyện trở thành những “nô lệ” của thời đại mới trong vai những “chân dài”.
Thảo Linh