Các hình thức vi phạm bản quyền ngày càng tinh vi hơn
Tại Việt Nam hiện nay, bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí được quy định rõ tại nhiều luật và văn bản dưới luật, như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định rõ ràng về hành vi xâm phạm đối với tác giả và đối với quyền liên quan bao gồm bản ghi âm, bản ghi hình, chương trình phát sóng; Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết quyền tác giả, quyền liên quan. Ngoài ra bảo vệ bản quyền báo chí còn có nêu rõ trong Luật Báo chí 2016, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP, Nghị định số 22/2018/NĐ-CP…
Chỉ cần thực hiện thật nghiêm những quy định đó thì chuyện xâm phạm bản quyền báo chí không xảy ra, hoặc diễn ra rất ít. Thế nhưng, diễn biến trên thực tế những năm qua và hiện nay cho thấy điều ngược lại. Các hành vi xâm phạm bản quyền trên không gian mạng rất nghiêm trọng và tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau.
VTV đã có nhiều bản tin, phóng sự lên tiếng về vụ vi phạm bản quyền chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo Quân 2025. Ảnh: VTV
Cùng với sự phát triển của công nghệ, các hình thức vi phạm ngày càng tinh vi. Nghiêm trọng hơn, đằng sau hành vi vi phạm bản quyền là những hoạt động với mục đích xấu, gây ảnh hưởng đến tâm lý người dân và trật tự an toàn xã hội.
Nhiều đối tượng, chủ các tài khoản mạng xã hội, các kênh trên mạng xã hội đã tự ý sao chép “xào” nội dung để kiếm tiền từ quảng cáo, bán sản phẩm. Chèn nội dung của báo chí với quảng cáo để đăng tải trên mạng xã hội. Tinh vi hơn, các đối tượng còn sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tự động lấy cắp. Từ một video gốc, các chủ tài khoản có thể tạo ra hàng loạt các video cắt ghép, chỉnh sửa nhằm chống lại công cụ rà quét bản quyền của các nền tảng mạng xã hội.
Tại Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), tính riêng trong năm 2024, Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số đã đánh chặn và xử lý trên 43.000 trường hợp vi phạm bản quyền, yêu cầu gỡ bỏ và hạn chế nhiều kênh vi phạm lớn. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội nước ngoài, đặc biệt là Tiktok, Facebook và YouTube.
Khi những nội dung vi phạm bản quyền của VTV không bị xử lý, không có chế tài mạnh dễ dẫn tới việc các đơn vị trực tiếp sản xuất không dám đầu tư mạnh tay cho các nội dung của mình. Khi đó sẽ khó có những nội dung được đầu tư nghiêm túc, công phu để tạo ra những tác phẩm truyền hình hấp dẫn.
Các sản phẩm báo chí được tạo ra bởi sức lao động, trí tuệ, tâm huyết của các nhà báo phóng viên cần phải được bảo vệ. Ảnh: Toàn Vũ
Tương tự, các tác phẩm báo chí chủ đề về bóng đá luôn là một trong những nội dung được công chúng quan tâm, nhưng đây cũng là lĩnh vực bị vi phạm bản quyền nhiều nhất hiện nay.
Nhà báo Nguyễn Tùng Điển, Tổng biên tập Tạp chí Bóng đá chia sẻ: Mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên chúng tôi mất khá nhiều công sức, trí tuệ để tạo nên những tác phẩm báo chí chuyên sâu về bóng đá, tuy nhiên nhiều thông tin hình ảnh, bài viết của tạp chí cũng bị xâm phạm. Đã có khá nhiều quy định, chế tài, được đưa vào Luật Báo chí, kể cả việc trích dẫn cũng đều có quy định rõ, tuy nhiên hiện nay tình hình vi phạm vẫn cứ diễn ra tràn lan.
“Có rất nhiều trang web, kênh youtube và các nền tảng mạng xã hội khác chuyên thực hiện việc copy. Có trang thông tin họ làm giả hoàn toàn, thậm chí hầu hết nội dung, hình ảnh giống với Tạp chí chúng tôi, chỉ có khác là tên miền. Mục đích là chạy quảng cáo. Một số trang tin tổng hợp trong nước cũng lựa chọn một số bài nổi bật của tạp chí để “xào” lại. Admin quản lý của các kênh Facebook, Tiktok khi thiếu bài viết phân tích về bóng đá cũng “nhặt” nội dung của tạp chí sau đó cho AI đọc, gắn hình ảnh, clip vào sau đó up lên Facebook, Tiktok… việc này xảy ra nhiều lần”, nhà báo Nguyễn Tùng Điển cho biết thêm.
Sử dụng công nghệ AI để kiểm soát vi phạm bản quyền
Thực tế hiện nay, người sử dụng mạng xã hội khi vào một số fanpage, group, trang Facebook, Tiktok có lượng người đăng ký lớn thường thấy các chủ kênh này chỉ trích dẫn vắn tắt nội dung của cơ quan báo chí hoặc cóp nhặt từng đoạn để tạo thành một bài viết của mình. Không trích dẫn hoàn toàn, mà tự ý thay đổi tít, tiêu đề khiến người đọc hiểu sai, hiểu thiếu về vấn đề, từ đó chê trách, dùng nhiều lời lẽ thô tục. Những bình luận trên mạng xã hội không được kiểm soát có thể gây tác động cực kỳ tồi tệ tới nhân vật, nội dung bài viết và ảnh hưởng xấu tới nhận thức chung của xã hội.
Trước những vi phạm tràn lan về vi phạm bản quyền, nhiều cơ quan báo chí đã chủ động thực hiện các giải pháp để bảo vệ quyền lợi cho riêng đơn vị mình. Đã có tòa soạn đã thành lập tổ pháp lý, có nhiệm vụ tìm kiếm, bảo vệ bản quyền, chống xâm phạm và xử lý xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí.
Có tòa soạn sẵn sàng tâm thế khởi kiện bất cứ cá nhân, tổ chức nào ăn cắp bản quyền tác phẩm ra tòa để đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình, với mục đích cao hơn là để răn đe trên diện rộng. Nhiều tòa soạn đã phối hợp với báo bạn cùng chí hướng đồng tâm, hợp lực lại thành một liên minh, tuyên chiến với bất kỳ hành vi ăn cắp bản quyền nào.
Sử dụng công nghệ AI để kiểm soát vi phạm bản quyền. Ảnh minh họa
Ngoài các giải pháp về liên kết, hợp tác thì việc chủ động bảo vệ, áp dụng các giải pháp công nghệ hiện nay cũng cần được coi trọng hơn bao giờ hết. Đối với mỗi cơ quan báo chí, tài sản số được xem là bản quyền số, vấn đề bảo vệ bản quyền cũng là bảo vệ tài sản của đơn vị, đó là công sức trí tuệ của nhiều cán bộ, phóng viên của tòa soạn.
Ông Hoàng Đình Chung - Giám đốc Trung tâm Bản quyền số (Hội Truyền thông số Việt Nam) chia sẻ: “Các đối tượng sử dụng công nghệ để đánh cắp, vi phạm bản quyền thì các cơ quan báo chí cũng cần đầu tư công nghệ, các công nghệ này phải theo kịp và nắm bắt được những vi phạm về bản quyền sẽ phát sinh. Công nghệ có thể tham gia và việc hỗ trợ đăng ký bản quyền, hỗ trợ chuyển dịch bản quyền, giúp cho hoạt động phân phối diễn ra tự động, liên kết các đơn vị sáng tạo nội dung từ đó bảo vệ được bản quyền. Đặc biệt công nghệ có thể hỗ trợ vấn đề pháp lý và phát hiện cảnh báo các vi phạm”.
"Ngày nay chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ AI để tìm kiếm việc trùng lắp nội dung, AI có thể phân tích các hình ảnh từ video, đánh giá được video của cơ quan báo chí bị lấy cắp ở giây nào, phút nào, xác định được hình ảnh đó có vi phạm bản quyền hay không. Thay vì kiểm soát rộng khắp ở nhiều nền tảng trên internet chúng ta có thể kiểm soát ở những vị trí mà AI cảnh báo", ông Hoàng Đình Chung nhấn mạnh.
Có thể nói bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm báo chí chính là bảo vệ giá trị, công sức của việc sáng tạo tri thức của người làm báo. Quan trọng hơn việc bảo vệ tác phẩm báo chí trên môi trường số là bước đi quan trọng để xây dựng xã hội mà mọi người đều phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, không tiếp tay cho những hoạt động vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó cũng cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới chặn đứng những vi phạm này.
Lê Tâm