Một góc thành phố mới Bình Dương. Ảnh minh họa: Dương Chí Tưởng/TTXVN
Tỉnh Bình Dương đang là một điểm sáng kinh tế của khu vực phía Nam, thu hút lượng lớn lao động nhập cư từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh chóng cũng đã mang lại không ít thách thức, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Những "cơn sốt đất" liên tiếp, tình trạng đầu cơ mất kiểm soát và sự gia tăng các hoạt động lừa đảo đã để lại những hệ lụy lớn đối với quy hoạch và sự phát triển bền vững của tỉnh.
Bà Nguyễn Thị B (tỉnh Bình Phước) chia sẻ, hiện nay, bà đang rất khổ sở vì đi đòi lại quyền lợi của mình sau khi đầu tư một khoản tiền lớn vào một dự án khu dân cư "tiềm năng" tại Bình Dương, bà phát hiện rằng dự án này không đủ pháp lý và chưa được cấp phép xây dựng. Trường hợp của bà B không phải là cá biệt. Hàng loạt người dân khác cũng rơi vào tình trạng tương tự khi mua phải đất chưa rõ ràng về pháp lý, dẫn đến các vụ kiện tụng kéo dài.
Trong 5 năm qua, Công an tỉnh Bình Dương đã phát hiện và xử lý 192 vụ án hình sự liên quan đến lĩnh vực đất đai, với tổng số tiền chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỷ đồng. Một số vụ việc điển hình bao gồm: Tại dự án khu dân cư phường Bình Chuẩn (thành phố Thuận An), các đối tượng đã ký hợp đồng chuyển nhượng đất cho 543 hộ dân với tổng số tiền 10,68 tỷ đồng. Ngoài ra, đối tượng Nguyễn Văn Quý còn chiếm đoạt 105,78 tỷ đồng từ các dự án khác để sử dụng cho mục đích cá nhân.
Vụ án Công ty Bình Dương Cityland, bị can Trần Thanh Hùng cùng đồng bọn thực hiện lừa đảo qua 6 dự án "ma", chiếm đoạt tổng số tiền 163 tỷ đồng từ 388 nạn nhân; Vụ án Công ty Tường Hy Quân, các đối tượng sử dụng pháp nhân để tự đặt tên dự án "Khu nhà ở Chánh Phú Hòa giai đoạn 2", các đối tượng đã lừa 32 khách hàng và chiếm đoạt 24,66 tỷ đồng; Vụ án Công ty Địa ốc SP Land, bị can Lê Thị Thanh cùng đồng phạm chiếm đoạt 45,14 tỷ đồng từ 130 nạn nhân thông qua các dự án không đủ pháp lý.
Theo Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế và Buôn lậu (PC03), Công an tỉnh Bình Dương, nhu cầu mua nhà và đất ở của người dân nhập cư đang tăng cao. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến "cơn sốt đất" trên địa bàn. Nhiều đối tượng đầu cơ lợi dụng thông tin về quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng để tung ra các dự án "ma" nhằm lừa đảo người mua.
Các thủ đoạn phổ biến bao gồm: Một số đối tượng sử dụng giấy tờ, tài liệu giả mạo như quyết định giao đất hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Kẻ lừa đảo làm giả hồ sơ, hợp đồng để vay tiền ngân hàng và chiếm đoạt số tiền lớn; Đối tượng mang đất đã thế chấp ngân hàng ra chia lô và bán cho nhiều người; Một số dự án bị quy hoạch hoặc không đúng với bản vẽ thực tế, nhưng các đối tượng vẫn quảng cáo và chào bán nhằm chiếm đoạt tài sản.
Các chiêu trò này không chỉ gây thiệt hại cho người dân mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội và quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh.
Trước tình hình phức tạp, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã tăng cường các biện pháp phòng chống tội phạm và bảo vệ người dân. Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết, Công an phối hợp với các cơ quan truyền thông, đoàn thể và tổ chức chính trị xã hội để tuyên truyền về thủ đoạn lừa đảo trong lĩnh vực đất đai. Các thông tin về pháp lý, quy hoạch và dự án bất động sản được phổ biến rộng rãi để người dân cảnh giác. Các ngành như tài nguyên và môi trường, xây dựng, thuế và ngân hàng cùng phối hợp để kiểm tra tính pháp lý, tiến độ dự án, và năng lực tài chính của chủ đầu tư. Trong thời gian qua, việc khởi tố các vụ án lừa đảo đã được đẩy mạnh, góp phần răn đe các đối tượng có ý định vi phạm.
Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng khuyến khích người dân tham gia vào các kênh thông tin chính thức như các hội thảo, chương trình tư vấn trực tiếp, và cổng thông tin điện tử về quy hoạch. Những sáng kiến này nhằm nâng cao nhận thức và giảm thiểu nguy cơ bị lừa đảo khi giao dịch bất động sản.
Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản mới có hiệu lực từ 1/8/2024 đã đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro cho người mua. Một trong những quy định nổi bật là việc bắt buộc chủ đầu tư phải có bảo lãnh ngân hàng đối với các dự án hình thành trong tương lai. Điều này giúp bảo vệ quyền lợi của người mua trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết. Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định chủ đầu tư chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán đối với bất động sản hình thành trong tương lai.
Điều này nhằm hạn chế tình trạng “bán lúa non” giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Việc quy định trách nhiệm công khai thông tin của chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản là điểm mới tiến bộ trong đạo Luật này, đảm bảo minh bạch thị trường bất động sản và chính sách nhà ở. Đây là hoạt động quan trọng tác động mạnh mẽ đến sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường bất động sản.
Theo ông Võ Văn Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, người dân có nhu cầu nhà ở thực sự nên chọn các dự án đã hoàn thiện và đảm bảo đầy đủ pháp lý. Việc kiểm tra kỹ thông tin pháp lý trước khi mua nhà hoặc đất sẽ giúp giảm nguy cơ bị lừa đảo. Các dự án uy tín thường công khai thông tin minh bạch và tuân thủ tiến độ xây dựng đã được phê duyệt.
Ngoài ra, việc áp dụng các quy định pháp luật mới đã giúp chuẩn hóa hoạt động kinh doanh bất động sản tại Bình Dương. Các cơ quan chức năng không chỉ tập trung xử lý vi phạm mà còn tăng cường kiểm tra định kỳ để đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản, tỉnh Bình Dương tiếp tục triển khai các biện pháp tăng cường quản lý quy hoạch, các dự án bất động sản cần tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch đã được phê duyệt. Việc sử dụng đất nông nghiệp để phân lô bán nền cần được kiểm soát chặt chẽ. Các đối tượng lừa đảo cần bị xử lý theo đúng pháp luật để đảm bảo tính răn đe.
Cùng với đó, các nền tảng trực tuyến như: cổng thông tin quy hoạch và pháp lý đang được triển khai để người dân dễ dàng tra cứu thông tin; đồng thời, cần tổ chức các buổi tư vấn pháp lý miễn phí để người dân hiểu rõ hơn về các quyền và nghĩa vụ khi giao dịch bất động sản. Các dự án nhà ở và khu đô thị cần chú trọng đến yếu tố bền vững, bảo vệ môi trường và đáp ứng tiêu chuẩn sống hiện đại.
Ngoài những giải pháp trên, việc phát triển một hệ sinh thái công nghệ hỗ trợ giao dịch bất động sản sẽ là bước tiến quan trọng. Các ứng dụng di động hoặc trang web tích hợp thông tin quy hoạch, giá cả và pháp lý sẽ giúp người dân dễ dàng đưa ra quyết định chính xác hơn; đồng thời, chính quyền địa phương cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo công khai, minh bạch và hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực bất động sản.
Bình Dương đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của khu vực. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, việc xây dựng một thị trường bất động sản minh bạch, an toàn và bền vững là điều kiện tiên quyết. Nếu được quản lý tốt, Bình Dương không chỉ tiếp tục thu hút nhà đầu tư trong nước mà còn trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho khu vực.
Huyền Trang (TTXVN)