Không bức xúc, lo lắng sao được khi chỉ trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã sản xuất, tiêu thụ một lượng lớn sữa bột giả, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng. Đặc biệt, các sản phẩm sữa bột giả nói trên không chỉ dành cho trẻ em mà còn cho cả bệnh nhân tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai-những người vốn cần sự chăm sóc đầy đủ, đúng cách về chế độ dinh dưỡng.
Sản xuất, buôn bán bất kỳ mặt hàng giả nào cũng đã đáng bị lên án, nhưng với hành vi sản xuất, kinh doanh sữa giả thì đáng lên án gấp hàng trăm, hàng nghìn lần. Bởi sữa giả không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thể chất, sự phát triển của giống nòi, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng các bệnh nhân khi sữa giả không bảo đảm về chất lượng, thiếu dinh dưỡng, thiếu vi chất, không phù hợp với chế độ dinh dưỡng của người bệnh.
Các sản phẩm sữa giả trong đường dây vừa được phát hiện. Ảnh: VTV
Điều đáng nói là do lợi nhuận lớn, thời gian qua, tình trạng sản xuất, buôn bán sữa giả, nhất là sữa bột diễn biến rất phức tạp, trong đó không ít vụ đã bị lực lượng chức năng phát hiện, điều tra, truy tố. Điển hình như ngoài vụ việc nêu trên, ngày 19-1-2024, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương và TP Hồ Chí Minh đã đồng loạt kiểm tra 4 địa điểm sản xuất, buôn bán sữa do đối tượng V.T.C làm chủ tại Bình Dương và TP Hồ Chí Minh, phát hiện hơn 7.500 hộp sữa bột thành phẩm các loại giả nhãn hiệu những thương hiệu nổi tiếng...
Tuy nhiên, số vụ sản xuất, buôn bán sữa bột giả bị phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Điều này khiến không ai dám chắc nhiều loại sữa bột mà con em, người thân của mình, các bệnh nhân ung thư, tiểu đường... đang sử dụng hằng ngày có phải sản phẩm thật hay không, gây tâm lý bất an trong xã hội.
Nguyên nhân của tình trạng sản xuất, buôn bán sữa giả trước hết là do các đối tượng bất chấp pháp luật, bất chấp đạo đức, đặt lợi nhuận lên trên hết, từ đó dùng mọi thủ đoạn tinh vi để sản xuất, kinh doanh sản phẩm giả nhằm kiếm lời. Tuy nhiên, cũng không thể không nói đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Sữa là mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, kinh doanh sữa là loại hình kinh doanh có điều kiện, thế nhưng hàng chục nghìn hộp sữa bột giả vẫn ngang nhiên “chui” vào các chợ, cửa hàng, bệnh viện hoặc bán trên các sàn thương mại điện tử trong suốt nhiều năm.
Điều đó chứng tỏ còn “lỗ hổng” pháp lý, trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát sản phẩm và thị trường. Để có thể ngăn chặn hiệu quả tình trạng sản xuất, buôn bán sữa giả, cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chức năng, nhất là trong khâu hậu kiểm nhằm bịt các “lỗ hổng” này.
VIỆT PHÚ