Vụ sữa bột giả: Người dân trả lại hàng, đại lý phủi tay, trách nhiệm của ai?

Vụ sữa bột giả: Người dân trả lại hàng, đại lý phủi tay, trách nhiệm của ai?
4 giờ trướcBài gốc
Người dân trả sữa, đại lý phủi tay
Khi thông tin về các loại sữa bột giả được công bố rộng rãi, nhiều người tiêu dùng bắt đầu kiểm tra lại sản phẩm đang sử dụng. Không ít người phát hiện loại sữa con mình đang dùng là sữa giả. Tuy nhiên, khi mang sản phẩm đến đại lý để yêu cầu đổi trả, phần lớn đều bị từ chối tiếp nhận.
Chị Nguyễn Thị Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Tôi mua 2 hộp sữa Talacmum Gludiabet cho bố bị tiểu đường, nhưng sau đó thấy trên báo có cảnh báo sản phẩm này nằm trong danh sách sữa giả. Mang ra cửa hàng thì chủ đại lý từ chối nhận lại với lý do “hàng đã bán ra không hoàn trả” và bảo tôi liên hệ với công ty sản xuất.”
Tương tự là trường hợp của chị Lê Thị Minh ở Minh Khai, Hà Nội có con 10 tháng tuổi, kể lại: “Tôi mua Cilonmum Colos Baby 24h cho con từ một địa chỉ quen trên Facebook. Sau khi thấy báo chí đưa tin mới biết là sữa giả, liên hệ với nơi bán để yêu cầu trả hàng và hoàn tiền nhưng không được”.
Không chỉ ở Hà Nội, hiện tượng tương tự xảy ra ở Nghệ An và các địa phương khác nhiều người tiêu dùng cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc tìm nơi tiếp nhận khiếu nại và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tại Nghệ An, chị Trần Thị Vân, TP. Vinh cho biết đã mua Talacmum IQ Grow cho con học lớp 1 dùng thường xuyên. “Sau khi thấy báo đăng, tôi mới biết đây là một trong những sản phẩm sữa bị làm giả, nhưng nơi bán từ chối trách nhiệm. Tôi không biết kêu ai”, chị Vân cho hay.
Đường dây sản xuất sữa giả hoạt động tinh vi, sử dụng tên gọi của các thương hiệu nghe “có vẻ chuyên môn” và phù hợp với từng nhóm người dùng để đánh vào tâm lý tiêu dùng. Các sản phẩm bị làm giả có tên gọi đầy đủ như: Cilonmum Colos Baby 24h dùng cho trẻ 0–12 tháng; Cilonmum Colos Pedia 24h dùng cho trẻ 6–36 tháng; Cilonmum Colos IQ Grow 24h dùng cho trẻ 2–12 tuổi; Talacmum For Mum dùng cho phụ nữ mang thai. Hay Talacmum Gludiabet dùng cho người tiểu đường…
Tuy được dán nhãn khác nhau, các sản phẩm này thực tế được sản xuất từ cùng một công thức, một loại nguyên liệu, không qua kiểm nghiệm chất lượng, không đáp ứng tiêu chuẩn đã công bố. Các sản phẩm sữa bột giả do Công ty Rance Pharma và Hacofood Group sản xuất đều không được kiểm tra hàm lượng dinh dưỡng, không kiểm nghiệm dưỡng chất. Hơn nữa, doanh nghiệp gần như không kiểm nghiệm thực tế toàn bộ dưỡng chất trong sữa.
Làm thế nào để đòi quyền lợi?
Theo các luật sư, để đòi quyền lợi chính đáng của mình, người tiêu dùng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại thông qua các bước như khởi kiện đối với công ty hoặc đại lý phân phối, yêu cầu hoàn tiền hoặc bồi thường chi phí điều trị (nếu có). Kiện theo dân sự: Nếu sản phẩm gây thiệt hại sức khỏe, người tiêu dùng có thể yêu cầu bồi thường chi phí y tế, thậm chí thiệt hại tinh thần.
Không chỉ công ty sản xuất, các đại lý phân phối cũng có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng. Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại lý phải nhận khiếu nại và xử lý yêu cầu trả lại sản phẩm hoặc bồi thường nếu sản phẩm bị lỗi. Người tiêu dùng có quyền khiếu nại đại lý, khởi kiện công ty hoặc yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp để bảo vệ quyền lợi của mình.
Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên cho biết, theo quy định của pháp luật thì người tiêu dùng có quyền yêu cầu hoàn tiền hoặc bồi thường thiệt hại do mua phải các sản phẩm sữa giả. Nếu giữa các bên có liên quan không thể tự thỏa thuận, thống nhất được cách thức giải quyết thì người tiêu dùng có quyền tự mình hoặc thông qua Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để khởi kiện tại Tòa án có thẩm, yêu cầu Tòa án giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình theo quy định pháp luật.
Trách nhiệm không thể dừng ở nhà sản xuất
Hơn 600 sản phẩm sữa bị phát hiện là giả, không kiểm nghiệm chất lượng, không đạt tiêu chuẩn công bố, nhưng vẫn được bán ra thị trường với vỏ hộp bắt mắt, quảng cáo rầm rộ. Chủ doanh nghiệp sản xuất đã bị bắt, song trách nhiệm không thể chỉ dừng ở đó.
Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các đại lý, nhà phân phối – những đơn vị trực tiếp bán hàng ra thị trường – cũng phải chịu trách nhiệm tiếp nhận khiếu nại, hỗ trợ hoàn trả, bồi thường thiệt hại. Việc nhiều đại lý từ chối trách nhiệm, phủi tay với lý do “hàng đã bán không hoàn lại” là hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, vụ việc cũng cho thấy lỗ hổng trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm sữa trên thị trường.
Cơ quan chức năng không thể chỉ xử lý sự việc khi hậu quả đã xảy ra. Vụ sữa giả cho thấy lỗ hổng nghiêm trọng trong khâu kiểm soát và hậu kiểm thị trường. Đã đến lúc phải siết chặt quản lý, công khai danh sách vi phạm và thiết lập cơ chế khiếu nại để bảo vệ người tiêu dùng.
Ánh Phương/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/thi-truong/vu-sua-bot-gia-nguoi-dan-tra-lai-hang-dai-ly-phui-tay-trach-nhiem-cua-ai-post1193091.vov