Ngân hàng bất ngờ bổ sung tờ trình chia cổ tức ở phút cuối

Ngân hàng bất ngờ bổ sung tờ trình chia cổ tức ở phút cuối
13 giờ trướcBài gốc
Techcombank bất ngờ bổ sung tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 dự kiến tổ chức vào ngày 26/4 tới đây. Theo tài liệu mới công bố, HĐQT Techcombank sẽ trình cổ đông thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2024.
Với phương án lần này, Techcombank dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ thực hiện 10%/cổ phần (một cổ phần nhận 1.000 đồng). Với gần 7,065 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, số tiền Techcombank dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt là gần 7.065 tỷ đồng.
Nguồn chi trả cổ tức đến từ lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm ngày 31/12/2024 căn cứ trên Báo cáo tài chính riêng và Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán của Techcombank. Thời điểm và tiến độ thực hiện trước ngày 31/12/2025. Thời điểm cụ thể sẽ do HĐQT ngân hàng quyết định, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và các điều kiện thực tế của ngân hàng, bảo đảm lợi ích của cổ đông.
Năm nay, nhiều ngân hàng bổ sung tờ trình chia cổ tức trước khi diễn ra ĐHĐCĐ.
Ngoài nội dung trên, Techcombank cũng dự kiến trình đại hội kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16,4% (theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước), lợi nhuận trước thuế đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2024. Đồng thời duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,5%.
Kết thúc quý I/2025, lợi nhuận trước thuế nhà băng này đạt hơn 7.236 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế ở mức 6.014 tỷ đồng, giảm 3,4%. Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản Techcombank đạt hơn 989.216 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Cho vay khách hàng đạt 663.693 tỷ đồng, tăng 5,6%, trong khi đó tiền gửi của khách hàng giảm nhẹ từ 533.392 tỷ đồng về 531.583 tỷ đồng.
Tại đại hội này, Techcombank cũng trình ĐHĐCĐ kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành hơn 21 triệu cổ phiếu theo Chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Nếu hoàn thành phương án phát hành trên, vốn điều lệ của Techcombank sẽ tăng từ gần 70.649 tỷ đồng lên hơn 70.862 tỷ đồng.
Trước khi ĐHĐCĐ diễn ra ngày 24/4, TPBank cũng bất ngờ bổ sung thêm tờ trình đề xuất chia cổ tức 10% bằng tiền mặt từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm ngày 31/12/2024. Bên cạnh tiền mặt, HĐQT cũng đề xuất phát hành tối đa hơn 132 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 5%.
Về phương án phân phối lợi nhuận, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 7.599 tỷ đồng trong năm 2024, hoàn thành 101,33% kế hoạch ĐHĐCĐ giao. Lợi nhuận để lại chưa phân phối sau nộp thuế và trích lập các quỹ năm 2024 của ngân hàng là gần 4.852 tỷ đồng. Tuy nhiên ban đầu, HĐQT TPBank không trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức trong năm nay. Tới ngày 19/4, ngân hàng bổ sung thêm tờ trình về phương án chi trả cổ tức và tăng vốn điều lệ năm 2025.
Theo đó, TPBank đề xuất chia cổ tức 10% bằng tiền mặt, từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm ngày 31/12/2024, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán. Sau khi được ĐHĐCĐ phê duyệt, HĐQT sẽ quyết định thời gian thực hiện cụ thể, đảm bảo phù hợp với quy định.
Phía ngân hàng cho biết, việc quyết định chi trả cổ tức bằng tiền mặt được đưa ra sau khi xét thấy hoạt động kinh doanh của ngân hàng ổn định, có bề dày và phát triển an toàn, lành mạnh cũng như để gia tăng lợi ích cho các cổ đông đã đồng hành cùng TPBank trong suốt thời gian qua.
Đây là năm thứ ba liên tiếp, TPBank thực hiện chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Trước đó, năm 2024, ngân hàng đã chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5% và phát hành hơn 440 triệu cổ phiếu thưởng. Năm 2023, TPBank chi trả cổ tức bằng tiền mặt lên tới 25% và cổ phiếu thưởng gần 40%.
Ngoài ra, trên cơ sở tình hình kinh doanh thực tế, nhằm mục đích mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực kinh doanh, TPBank cũng dự kiến phát hành hơn 132 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 5% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 5 cổ phiếu).
Mệnh giá cổ phiếu là 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá tối đa là gần 1.321 tỷ đồng. Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2024, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán.
Sau phát hành, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng tối đa 1.320,9 tỷ đồng, từ 26.420 tỷ đồng lên hơn 27.740 tỷ đồng. Đây là năm thứ ba liên tiếp, TPBank thực hiện chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ lên hơn 27.740 tỷ đồng.
Trong đó, HĐQT Sacombank bổ sung tờ trình chia cổ tức trong tài liệu ĐHĐCĐ diễn ra ngày 25/4, song mọi quyết định chia cổ tức của nhà băng này phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Bởi Sacombank đang trong quá trình tái cấu trúc, cho dù lợi nhuận lũy kế giữ lại của nhà băng này hiện cao hơn cả vốn điều lệ.
Theo HĐQT Sacombank, để nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn hoạt động cũng như đáp ứng lợi ích của cổ đông, HĐQT trình ĐHĐCĐ chủ trương tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên có lựa chọn.
Nguồn vốn sử dụng từ nguồn lợi nhuận hợp nhất chưa phân phối lũy kế đến năm 2024. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 12.720 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 10.087 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, Ngân hàng này còn hơn 7.013 tỷ đồng. Cộng với 18.339 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại năm trước, Sacombank có hơn 25.352 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế.
Lãnh đạo Sacombank cho biết, nếu được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt Đề án tái cơ cấu, Ngân hàng sẽ tiến hành xử lý cổ phiếu của ông Trầm Bê và những người có liên quan, hoàn tất các nghĩa vụ và sau đó trình thủ tục để thực hiện chia cổ tức.
Đề án tái cơ cấu Sacombank (sau sáp nhập Southern Bank) được phê duyệt từ năm 2016. Suốt 9 năm qua, Sacombank ráo riết xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng, đồng thời tăng cường phục hồi lợi nhuận. Năm 2024, Sacombank đã thu hồi, xử lý gần 10.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, nâng lũy kế lên 103.988 tỷ đồng, trong đó thuộc Đề án 76.695 tỷ đồng. Nhờ đó, các khoản tồn đọng thuộc Đề án giảm 80,5% về quy mô và 25,7% về tỷ trọng so với thời điểm bắt đầu triển khai, hiện chỉ còn chiếm 2,4% tổng tài sản.
Trong đó, đối với các khoản nợ thuộc Khu công nghiệp Phong Phú, Sacombank đã bán đấu giá thành công khoản nợ sau 18 phiên đấu giá trong năm 2023, với giá bán là 7.934 tỷ đồng, cao hơn so với nghĩa vụ nợ của khách hàng. Đến nay, Sacombank đã thực thu 1.587 tỷ đồng và còn lại sẽ thu theo tiến độ pháp lý dự án (dự kiến thu thêm 30 - 40% trong năm 2025 và phần còn lại sẽ thu dứt điểm trong năm 2026).
Về trích lập dự phòng rủi ro, năm 2024, Sacombank đã trích lập 2.623 tỷ đồng dự phòng rủi ro; hoàn thành trích lập 100% dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tồn đọng chưa xử lý, nâng quy mô bộ đệm dự phòng lên 25.689 tỷ đồng.
Thùy Vinh
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/ngan-hang-bat-ngo-bo-sung-to-trinh-chia-co-tuc-o-phut-cuoi-d273269.html