Sau nửa năm thực hiện quy định về xác thực sinh trắc học, lừa đảo liên quan đến tài khoản cá nhân sụt giảm mạnh
Thanh toán số áp đảo, rủi ro gia tăng
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, năm 2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt bình quân hàng ngày đạt kỷ lục trên 26,2 triệu giao dịch, thanh toán QR tăng trưởng trên 200% về số lượng và giá trị so với cuối năm 2023. Cùng với thanh toán số tăng mạnh, nguy cơ bị tấn công mạng, rủi ro công nghệ, rủi ro lộ lọt dữ liệu… cũng gia tăng.
“Các tổ chức tín dụng đang phải đối diện với tình trạng tấn công mạng, lộ lọt thông tin dữ liệu, lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng ngày càng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng táo bạo, tinh vi. Các đối tượng tội phạm có hiểu biết về công nghệ thông tin và hệ thống ngân hàng, thường xuyên thay đổi thủ đoạn”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết.
Sau nửa năm thực hiện quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về xác thực sinh trắc học, lừa đảo liên quan đến tài khoản cá nhân sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, lừa đảo liên quan đến tài khoản doanh nghiệp lại gia tăng. Mới đây, một loạt doanh nghiệp như VinFast, Xanh SM, Vinhomes… đồng loạt phát cảnh báo về tình trạng giả mạo doanh nghiệp để lừa đảo. Các đối tượng giả danh người của doanh nghiệp, sử dụng tên, thương hiệu và hình ảnh của các công ty này để thu thập thông tin cá nhân và lừa tiền.
Từ năm 2025, NHNN tiếp tục siết chặt các quy định về mở, sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng… nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hành vi gian lận. NHNN yêu cầu trước ngày 1/1/2025, các tổ chức tín dụng phải hoàn thành đối chiếu thông tin sinh trắc học đối với khách hàng cá nhân. Trước ngày 1/7/2025, tổ chức tín dụng phải hoàn thành đối chiếu thông tin sinh trắc học đối với người đại diện hợp pháp của khách hàng tổ chức để tiếp tục thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng.
Phó thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng lưu ý, theo quy định tại Luật Căn cước, từ ngày 1/1/2025 chứng minh thư không còn hiệu lực, căn cước công dân 9 số cũng không còn hiệu lực. Theo các thông tư mới được NHNN ban hành, từ ngày 1/1/2025, nếu không thực hiện đối chiếu sinh trắc học và căn cước công dân gắn chip, thì khách hàng sẽ không thực hiện được giao dịch trên môi trường điện tử.
Do đó, Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng đề nghị các tổ chức tín dụng đẩy mạnh truyền thông tới khách hàng, đồng thời xây dựng các giải pháp kỹ thuật kết nối để đảm bảo các giao dịch của khách hàng được thông suốt. Các biện pháp này kỳ vọng sẽ ngăn chặn hành vi mở và sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức cho mục đích bất hợp pháp, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm.
Ngân hàng muốn có quỹ dự phòng rủi ro công nghệ
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, các ngân hàng Việt Nam đi rất nhanh trong chuyển đổi số, đầu tư rất lớn vào công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm khách hàng.
Yêu cầu ngừng rút tiền với khách hàng có giấy tờ tùy thân hết hiệu lực
NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại tạm dừng giao dịch thanh toán, rút tiền trên tài khoản thanh toán thẻ ngân hàng của khách hàng có giấy tùy thân hết hiệu lực hoặc hết hạn, bắt đầu từ ngày 1/1/2025. Các tổ chức tín dụng phải triển khai nghiêm túc, chặt chẽ quy trình mở, sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng theo quy định mới và các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán, ngăn chặn hành vi mở và sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức cho mục đích bất hợp pháp.
Thực tế, tại nhiều ngân hàng, lượng giao dịch qua kênh số trong vòng 5 năm qua tăng 50-100 lần, lượng khách hàng giao dịch trên kênh số cũng tăng hàng chục lần. Đơn cử, tại VIB, trong giai đoạn 2017-2024, lượng khách hàng số đã tăng từ 100.000 lên tới 2,2 triệu và lượng giao dịch tăng từ 7 triệu lên 510 triệu.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, công nghệ ngành ngân hàng đã đột phá lớn. Trong đó, về công nghệ chuỗi khối (blockchain), BIDV đi đầu trong phát hành thư tín dụng đến ngân hàng ngoài hệ thống; MB, VPBank, Vietcombank ứng dụng trong xử lý giao dịch tài chính. Về phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI), VPBank đã dùng để đồng bộ hóa dữ liệu, phân tích từ năm 2015; BIDV có smartbanking dùng AI; VIB kết hợp AI với Big Data vào quy trình chấm điểm tín dụng và xét duyệt hồ sơ tín dụng…
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, các ngân hàng cũng đứng trước những rủi ro lớn cũng như nguy cơ bị tấn công mạng. Tuần trước, ứng dụng ngân hàng TPBank bị “sập” nhiều giờ khiến khách hàng không thể thực hiện giao dịch trên cả ứng dụng Mobile Banking lẫn Internet Banking, gây nhiều phiền toái.
Nhiều ngân hàng thương mại thừa nhận, chuyển đổi số là động lực quan trọng giúp ngành ngân hàng nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí và mang lại trải nghiệm vượt trội cho khách hàng. Tuy nhiên, rủi ro từ công nghệ cũng có thể khiến các ngân hàng phải chịu hậu quả lớn.
Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank đề nghị, NHNN nghiên cứu cơ chế cho phép các ngân hàng trích lập quỹ dự phòng rủi ro hoạt động, bao gồm cả rủi ro công nghệ thông tin. Quỹ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó kịp thời với các sự cố tấn công mạng và đảm bảo quyền lợi tài chính cho khách hàng khi xảy ra tổn thất.
Hà Tâm