TPBank là một điển hình về ứng dụng công nghệ để giảm nhân lực, tiết giảm chi phí hoạt động. Ảnh: Đức Thanh
Kế hoạch cắt giảm nhân sự chưa dừng lại
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, mặt bằng lãi suất huy động đang chịu rất nhiều áp lực do sự nóng lên của nhiều kênh đầu tư khác, trong khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vẫn định hướng lãi suất cho vay phải giảm thêm để hỗ trợ nền kinh tế. Trong bối cảnh này, các ngân hàng cắt giảm chi phí để có thêm dư địa giảm lãi vay. Tuy nhiên, chi phí vốn - chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí hoạt động của ngân hàng - không có khả năng giảm thêm. Chính vì vậy, các ngân hàng đang tìm cách cắt giảm chi phí hoạt động khác, trong đó có chi phí nhân sự.
“Ngoài chi phí vốn, với ngân hàng, chi phí lớn nhất là chi phí cho nhân sự. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh đầu tư công nghệ đang giúp ngân hàng tiết kiệm được chi phí này”, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết.
Được biết, năm 2024, TPBank bổ sung 500 robot để tự động hóa quy trình, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực. Theo đó, năm 2024, kế hoạch của Ngân hàng là quy mô nhân sự có thể tới 8.200 người, song thực tế, đến cuối năm 2024, nhân sự của ngân hàng này chỉ 7.700 người mà vẫn hoàn thành mọi mục tiêu tăng trưởng.
Năm 2025, Ngân hàng tiếp tục đổi mới công nghệ, ứng dụng AI trong hoạt động để đổi mới quy trình, tinh gọn bộ máy. Dự kiến, việc đổi mới quy trình, tinh gọn bộ máy sẽ giúp TPBank tiết giảm thêm 300-500 nhân sự, giúp giảm thêm chi phí vận hành, tối ưu hóa hoạt động.
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông tổ chức sáng 25/4, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cũng cho hay, ngân hàng này đang mạnh tay chuyển đổi số, giảm dần phòng giao dịch truyền thống và tiếp tục cắt giảm nhân sự.
Trước đó, VietinBank là ngân hàng đầu tiên trong nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước tuyên bố sẽ cắt giảm điểm giao dịch vật lý và thay thế bằng ứng dụng nền tảng số.
"Năm 2025, chúng tôi sẽ triển khai rất nhiều hoạt động liên quan chuyển đổi số, từ đầu tư hạ tầng, phần cứng, phần mềm, đến nguồn nhân lực. Đây là một trong những ưu tiên lớn nhất của VietinBank", Chủ tịch VietinBank Trần Minh Bình cho biết.
Ông Bình cho biết, ngân hàng cũng đang thử nghiệm mô hình trung tâm dịch vụ khách hàng (contact center) ứng dụng AI, có thể thay thế đến 70% nhân sự vận hành. Trong 2 năm gần đây, VietinBank hầu như không tuyển dụng nhân sự cho các hoạt động kinh doanh truyền thống, bao gồm tín dụng, nguồn vốn. Tuy nhiên, năm 2025, VietinBank tăng cường tuyển dụng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nâng số lượng nhân sự mảng này từ 300 người lên gần 1.000 người (gồm cả thuê ngoài) với dự kiến mức lương rất cao.
Năm 2024, có gần 30% ngân hàng niêm yết cắt giảm nhân sự. Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, quý I/2025, hơn 21% ngân hàng tiếp tục cắt giảm nhân sự. Theo các chuyên gia phân tích, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, tái cấu trúc hoạt động sẽ khiến số phòng giao dịch vật lý và nhân sự ngân hàng tiếp tục giảm mạnh thời gian tới.
Chuyển trọng tâm sang bán hàng trên kênh số
Với các ngân hàng thương mại, ứng dụng công nghệ không chỉ giúp cắt giảm chi phí, mà còn mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới.
"Kênh số trước đây không mang lại lợi nhuận trực tiếp cho ngân hàng, mà chủ yếu để gia tăng tiện ích cho khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay, kết hợp với thương mại điện tử và chuyển đổi số, kênh số đang mở ra cơ hội và tiềm năng to lớn cho các ngân hàng. Ngân hàng nào đi trước sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn", Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng nhận định.
Nhờ áp dụng công nghệ, nhiều ngân hàng thương mại ở Việt Nam đã giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập xuống dưới ngưỡng 30%, thể hiện tính hiệu quả nhờ chuyển đổi số toàn diện, tiệm cận các tổ chức tài chính hàng đầu trong khu vực.
- Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước)
Được biết, cách đây 2 năm, TPBank đã đầu tư hệ thống công nghệ thông tin và triển khai cho vay trên kênh số. Đến nay, ngân hàng có 4,5 triệu khách hàng vay vốn trên kênh số. Lợi nhuận từ hoạt động cho vay trên kênh số đã đủ bù đắp chi phí đầu tư công nghệ và bắt đầu đóng góp tốt cả về phí và lãi cho ngân hàng.
Tại VietinBank, ông Trần Minh Bình cho biết, Ngân hàng đang mạnh tay đầu tư cho công nghệ, chuyển đổi số, đầu tư nền tảng. Hiện có tới 60% sản phẩm của ngân hàng này được đưa lên kênh số và lượng giao dịch qua kênh số chiếm tới 99% tổng lượng giao dịch của Ngân hàng.
Có thể nói, sau nhiều năm tạo lập được thói quen giao dịch trên kênh số cho khách hàng, cùng với việc mở rộng hệ sinh thái và tận dụng sức mạnh của dữ liệu lớn (big data), AI…, ngân hàng ngày càng nhuần nhuyễn trong việc bán sản phẩm, dịch vụ và tiếp cận khách hàng trên kênh số cũng như sử dụng các công nghệ này để tăng cường năng lực quản trị.
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, thời gian qua, các ngân hàng đã ứng dụng công nghệ big data và thực tế ảo (VR) trong hoạt động cho vay với cá nhân, doanh nghiệp, giúp kết nối thanh toán trực tuyến cho nhiều loại phí, thuế và dịch vụ. Bên cạnh đó, các ngân hàng đang tích cực ứng dụng AI trong 2 lĩnh vực chính, gồm phát hiện rủi ro gian lận, rửa tiền; quản trị và phân tích dữ liệu phục vụ cho công tác dự báo và điều hành kinh doanh.
Năm nay, rất nhiều ngân hàng tuyên bố dành hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư công nghệ nhằm cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Điều này cho thấy, cạnh tranh giành “khách hàng số” giữa các ngân hàng sẽ ngày càng khốc liệt. Trong cuộc đua này, các ngân hàng vừa phải cạnh tranh với nhau, vừa phải ngăn chặn rủi ro gian lận, lừa đảo ngày càng tinh vi trên môi trường số.
Hà Tâm