Ngân hàng Nhà nước cảnh báo về sàn giao dịch ngoại hối 'chui'

Ngân hàng Nhà nước cảnh báo về sàn giao dịch ngoại hối 'chui'
12 giờ trướcBài gốc
Trong thời gian qua, nhiều sàn giao dịch Forex hoạt động trái phép trên không gian mạng đã thu hút không ít nhà đầu tư bằng những lời hứa hẹn lợi nhuận cao trong thời gian ngắn. Phần lớn các giao dịch diễn ra không qua bất kỳ cơ chế kiểm soát hợp pháp nào, tiềm ẩn nhiều rủi ro mất mát tài sản.
Những cú lừa ngàn tỉ từ sàn giao dịch ngoại hối
Gần đây, Bộ Công an triệt phá thành công chuyên án, đánh sập sàn giao dịch ngoại hối Verbo Capital có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lên tới 300 tỉ đồng của 4.000 bị hại trên cả nước.
Cuối năm ngoái, Công an Hà Nội đã triệt phá ổ nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo gần 500 tỷ đồng thông qua ba sàn Forex trái phép (GFS, TOPMAX, RICHSMART) kết nối với nền tảng Meta Trader 4 và 5.
Song vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán trái phép lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam phải kể đến là vụ do Phó Đức Nam (thường được biết đến với tên gọi Mr Pips) cầm đầu. Trong vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã xác định được hơn 2.600 bị hại trên toàn quốc và thu giữ, phong tỏa nhiều tài sản của các đối tượng, ước tính hơn 5.200 tỉ đồng…
Nhiều sàn giao dịch ngoại hối trái phép đã bị cơ quan công an đánh sập, song hàng loạt nền tảng Forex vẫn tiếp tục mọc lên như nấm trên không gian mạng với những lời hứa hẹn về mức lợi nhuận hai, ba con số chỉ trong vài tuần.
Đa số nạn nhân là những người thiếu hiểu biết về tài chính, dễ dàng bị dụ dỗ bởi các chiêu trò như "cam kết lợi nhuận" hay "cố vấn đầu tư chuyên nghiệp", đến khi sàn sập, tiền biến mất, không ai đứng ra chịu trách nhiệm.
Sập bẫy sàn giao dịch ngoại hối trái phép khiến hàng nghìn người mất hàng ngàn tỉ đồng. Ảnh: Huỳnh Thơ
Sàn Forex không được phép hoạt động tại Việt Nam
Trước thực trạng này, câu hỏi về trách nhiệm quản lý và ngăn chặn được đặt ra. Một phần lời giải đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nêu rõ trong báo cáo vừa gửi Quốc hội.
Theo đó, trong báo cáo gửi Quốc hội, NHNN khẳng định rõ: "Đến nay, chưa có bất kỳ sàn giao dịch Forex nào được NHNN cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam. Forex không thuộc phạm vi hoạt động ngoại hối được phép trong khuôn khổ quản lý hiện hành".
Đồng thời NHNN cũng lên tiếng cảnh báo rằng mọi hành vi thanh toán và chuyển tiền ra nước ngoài liên quan đến các sàn Forex đều là hành vi vi phạm quy định về quản lý ngoại hối. Đồng thời các giao dịch này còn tiềm ẩn rủi ro lớn về tài chính và pháp lý cho người tham gia.
NHNN cho biết, đã cung cấp thông tin pháp lý liên quan đến hoạt động ngoại hối cho các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Cơ quan cảnh sát điều tra các tỉnh, thành phố, nhằm hỗ trợ việc xác minh, điều tra các vụ việc liên quan đến sàn Forex lừa đảo.
Ngoài ra, NHNN đã gửi văn bản đến Bộ Thông tin và Truyền thông, đề nghị tăng cường giám sát các nền tảng Forex hoạt động trên không gian mạng. Song song, các tổ chức tín dụng cũng được chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro, đặc biệt trong việc kiểm soát giao dịch thanh toán cho sàn Forex.
CBDC - Tiền đề chủ động trong kỷ nguyên mới
Cũng trong báo cáo lần này, NHNN đề cập đến một hướng đi đang thu hút sự quan tâm toàn cầu là tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC).
Theo đó, NHNN đã và đang chủ động nghiên cứu sâu rộng về CBDC, thông qua việc tham gia các hội thảo, tọa đàm quốc tế với sự góp mặt của các tổ chức lớn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), Ngân hàng Thế giới (WB)…
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện giữ vai trò Quan sát viên trong dự án CBDC mBridge của bốn ngân hàng trung ương gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Đây là bước đi chiến lược để tiếp cận mô hình triển khai thực tế, từ đó đúc rút kinh nghiệm phù hợp với bối cảnh trong nước.
Với vai trò là Cơ quan thường trực Tổ công tác nghiên cứu về tiền kỹ thuật số quốc gia, NHNN đang phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan để xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, đề xuất phương án triển khai, lựa chọn đơn vị đầu mối nghiên cứu, và định hình hướng đi phù hợp cho Việt Nam trong kỷ nguyên số hóa tiền tệ.
Hiện NHNN đang tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Phó Thủ tướng, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện các nội dung quan trọng của đề án nghiên cứu CBDC.
THÙY LINH
Nguồn PLO : https://plo.vn/ngan-hang-nha-nuoc-canh-bao-ve-san-giao-dich-ngoai-hoi-chui-post848852.html