Ngân hàng Nhà nước chính thức có 20 đầu mối sau sắp xếp

Ngân hàng Nhà nước chính thức có 20 đầu mối sau sắp xếp
6 giờ trướcBài gốc
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Quochoi.vn
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 26/2025/NĐ-CP ngày 24-2-2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2025.
Nghị định quy định cơ cấu tổ chức của NHNN gồm:
1. Vụ Chính sách tiền tệ.
2. Vụ Thanh toán.
3. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế.
4. Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính.
5. Vụ Hợp tác quốc tế.
6. Vụ Pháp chế.
7. Vụ Tài chính - Kế toán.
8. Vụ Tổ chức cán bộ.
9. Văn phòng.
10. Thanh tra NHNN.
11. Sở Giao dịch.
12. Cục Công nghệ thông tin.
13. Cục Phát hành và kho quỹ.
14. Cục Quản lý ngoại hối.
15. Cục Phòng, chống rửa tiền.
16. Cục Quản lý, giám sát tổ chức tín dụng.
17. Cục An toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
18. NHNN chi nhánh tại các Khu vực (NHNN Khu vực).
19. Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam.
20. Thời báo Ngân hàng.
Các đơn vị quy định từ 1 đến 18 là tổ chức hành chính giúp Thống đốc NHNN thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng Ngân hàng Trung ương; các đơn vị quy định tại 19 và 20 là đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của NHNN.
Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính có 6 phòng. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tài chính - Kế toán, Vụ Tổ chức cán bộ có 5 phòng. Vụ Thanh toán có 4 phòng. Vụ Pháp chế có 3 phòng.
NHNN thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật NHNN Việt Nam, Luật Tổ chức Chính phủ, quy định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:
Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hằng năm của NHNN đã được phê duyệt và các nghị quyết, dự án, đề án theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hằng năm và dài hạn; chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hành động và các dự án, công trình quan trọng quốc gia thuộc lĩnh vực NHNN quản lý.
Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc lĩnh vực NHNN quản lý hoặc theo phân công.
Ban hành thông tư và các văn bản khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của NHNN. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển đã được ban hành hoặc phê duyệt thuộc phạm vi quản lý của NHNN. Xây dựng chỉ tiêu lạm phát hằng năm để trình Chính phủ; sử dụng các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bao gồm: Tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở, phát hành tín phiếu NHNN và các công cụ, biện pháp khác để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
Theo Lao động
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/ngan-hang-nha-nuoc-chinh-thuc-co-20-dau-moi-sau-sap-xep-694073.html