Đối với Ngân hàng MB chi nhánh Lạng Sơn, kết luận số 60/TB-TTNH ban hành ngày 30/6 cho thấy: Chi nhánh đã có nhiều nỗ lực và cố gắng trong việc thực hiện, chấp hành các quy định nội bộ của MB, quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh.
MB Lạng Sơn được cấp giấy phép hoạt động từ năm 2016, hiện đặt trụ sở tại số 88-90 đường Trần Đăng Ninh, phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn, với cơ cấu gồm Ban Giám đốc và ba phòng nghiệp vụ: khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp và dịch vụ khách hàng. Báo cáo đánh giá đơn vị “nhiều năm hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực cho kinh tế địa phương”.
Kết quả thanh tra cho thấy MB Lạng Sơn còn một số tồn tại, hạn chế về thẩm định cho vay, định giá tài sản bảo đảm, thu thập thông tin về khách hàng và tuân thủ quy định phòng chống rửa tiền. Cụ thể, công tác thẩm định cho vay và kiểm tra giám sát sau khi cho vay chưa đầy đủ; thu thập tài liệu chứng minh khả năng tài chính của khách hàng chưa đúng quy định.
Một số cán bộ chưa nắm vững quy định pháp luật về hoạt động phòng chống rửa tiền, việc thu thập thông tin khách hàng mở tài khoản và phong tỏa tài khoản thanh toán còn thiếu sót. Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Khu vực 5 đã yêu cầu Trụ sở chính MB thực hiện 01 kiến nghị và MB Lạng Sơn thực hiện 07 kiến nghị để khắc phục các hạn chế trên, đảm bảo hoạt động của chi nhánh an toàn, hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật.
Trong khi đó, LPBank chi nhánh Cao Bằng – theo kết luận số 60/TB-TTNH – cũng bị chỉ ra hàng loạt tồn tại, đặc biệt trong việc lưu trữ hồ sơ tín dụng, sai lệch thẩm định, chưa tuân thủ quy trình nội bộ về xét duyệt và xếp hạng tín dụng khách hàng. Đơn vị này được cấp phép hoạt động từ năm 2013, hiện có 9 phòng nghiệp vụ với 74 cán bộ, hoạt động trải rộng trên địa bàn thành phố và các huyện lân cận như Hòa An, Trùng Khánh, Quảng Uyên...
Nguồn vốn của chi nhánh phần lớn huy động từ dịch vụ tiết kiệm qua bưu điện – một điểm được thanh tra đánh giá là phù hợp đặc thù địa phương. Mặc dù vậy, tỷ lệ nợ xấu tại đơn vị bị đánh giá ở mức “tiềm ẩn rủi ro về chất lượng tín dụng”, công tác lưu trữ hồ sơ “thiếu khoa học”, tình trạng “lộn xộn” trong kiểm soát thông tin khách hàng cũng được nêu rõ. LPBank Cao Bằng đã triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu nhưng bị yêu cầu thực hiện 05 kiến nghị chỉnh sửa tại chi nhánh, và 04 kiến nghị bổ sung tại Hội sở chính LPBank Việt Nam. Thời hạn khắc phục là trước ngày 20/8.
Với Shinhan Việt Nam (SHBVN) chi nhánh Thái Nguyên, kết luận số 59/TB-TTNH ghi nhận chi nhánh tuân thủ tương đối tốt quy định pháp luật về cấp tín dụng, xử lý nợ xấu và quản lý tài khoản thanh toán. Chi nhánh trực thuộc Ngân hàng Shinhan Việt Nam – ngân hàng 100% vốn Hàn Quốc – được thành lập theo quyết định từ năm 2014 và đặt tại thửa đất số 1090 và 2091, tổ 23, Khu đô thị Yên Bình, phường Đồng Tiến, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Mạng lưới hoạt động của đơn vị gồm 24 máy ATM, chưa có điểm giao dịch phụ thuộc. Báo cáo ghi nhận các sai phạm chủ yếu liên quan đến công tác thẩm định khoản vay, kiểm tra sử dụng vốn vay và hướng dẫn nội bộ về cộng thêm lãi suất huy động. Thanh tra xác định trách nhiệm thuộc về Giám đốc chi nhánh và các nhân sự trực tiếp thực hiện tác nghiệp, yêu cầu thực hiện các kiến nghị trong thời gian 03 tháng kể từ ngày công bố kết luận.
Nga Chen