Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về tỷ giá, lãi suất và tín dụng

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về tỷ giá, lãi suất và tín dụng
6 giờ trướcBài gốc
VND mất giá gần 3%
Sáu tháng đầu năm 2025 đánh dấu một giai đoạn thử thách trong điều hành chính sách tiền tệ. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, tác động bởi chính sách thuế quan thay đổi nhanh chóng và căng thẳng địa chính trị gia tăng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những điều chỉnh linh hoạt để hỗ trợ nền kinh tế, giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng.
Tính từ đầu năm, đồng Việt Nam đã mất giá gần 3% so với đồng USD, mặc dù đồng bạc xanh giảm giá mạnh so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác. Sáng 8/7, tại cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết, đồng Việt Nam mất giá 2,7 - 2,8% so với USD trong khi USD Index giảm khoảng 10% kể từ đầu năm 2024.
Lý giải nguyên nhân, ông Quang cho rằng, để duy trì sức mạnh đồng tiền thì đồng tiền đó phải có sức hấp dẫn, trong đó lãi suất là yếu tố quan trọng. Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay đã giảm 0,6% so với cuối năm 2024.
Tuy nhiên, khi lãi suất VND thấp, đồng nội tệ kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh USD mang lại lợi suất cao hơn. Nhiều tổ chức tài chính đã chuyển sang nắm giữ USD. Dù cán cân thanh toán tổng thể vẫn thặng dư, nhưng dòng vốn ngoại rút ròng khỏi thị trường chứng khoán từ đầu năm 2024 đến nay.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà phát biểu tại họp báo. Ảnh: SBV
Nói thêm về tỷ giá, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế để xây dựng các kịch bản điều hành phù hợp, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt.
Khi thị trường chịu áp lực lớn, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản thị trường, phục vụ nhu cầu ngoại tệ thiết yếu, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô. “Thị trường ngoại tệ đang hoạt động ổn định, thanh khoản thông suốt, nhu cầu ngoại tệ được đáp ứng đầy đủ. Tỷ giá được điều hành linh hoạt”, Phó Thống đốc khẳng định.
Vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp. Mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm, lãi suất cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại chỉ còn hơn 6,2%.
Tính đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tăng gần 19,4% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2023. Ông Phạm Chí Quang cho biết, mức tăng trưởng gần 10% trong 6 tháng là rất cao, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2024.
Để đạt mức tăng trưởng kinh tế 8% trong năm nay và hai chữ số trong các năm tiếp theo, tín dụng là động lực không thể thiếu. Mặc dù tăng trưởng tín dụng cao, Ngân hàng Nhà nước vẫn theo sát và không chủ quan với lạm phát. Mục tiêu lạm phát năm nay khoảng 4,5%. Nếu kiểm soát được lạm phát, tín dụng lành mạnh và nợ xấu được kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh dư địa tín dụng.
Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 5,31% so với cuối năm 2024, chiếm 23,16% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, tín dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm 4,07%, chiếm 0,64% dư nợ nông nghiệp, nông thôn.
Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 5,71%, chiếm 17,51% dư nợ tín dụng nền kinh tế. Tín dụng xuất khẩu tăng 2,91%, chiếm 2,06% dư nợ. Tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 15,69%, chiếm 3,24%. Tín dụng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 17,59%, chiếm 0,43%.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ phát biểu: Ảnh: SBV
Về bỏ room tín dụng, ông Phạm Chí Quang cho biết, trong giai đoạn chính sách tiền tệ nới lỏng, có thời điểm tín dụng tăng tới 54%, Ngân hàng Nhà nước đã duy trì room tín dụng để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, đây là giải pháp hành chính và không mang tính vĩnh viễn.
Ngân hàng Nhà nước đã gỡ bỏ room tín dụng cho nhóm ngân hàng nước ngoài, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Việc áp dụng room tín dụng hiện chỉ còn với các ngân hàng thương mại. Đây là một bước trong lộ trình gỡ bỏ giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Về thị trường vàng, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, trong những tháng đầu năm, giá vàng thế giới biến động mạnh và phá kỷ lục, khiến giá vàng trong nước cũng biến động theo. Nhờ các giải pháp đồng bộ, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới được kiểm soát trong biên độ khoảng 5 triệu đồng/lượng.
Liên quan đến tiến độ sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, ông Đào Xuân Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý ngoại hối, cho biết: Ngân hàng Nhà nước đã lấy ý kiến rộng rãi, đang tổng hợp để trình xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, cố gắng hoàn thành trước ngày 15/7 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng tiếp theo trong năm 2025, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để giảm lãi suất cho vay.
Ngân Thương
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/ngan-hang-nha-nuoc-len-tieng-ve-ty-gia-lai-suat-va-tin-dung-409672.html