Tăng vốn
Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) vừa thông qua phương án chào bán riêng lẻ 123,8 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư, tương ứng tỷ lệ 1,8% số cổ phiếu đang lưu hành với giá chào bán là 38.800 đồng/cổ phiếu.
Số tiền ước tính thu về hơn 4.800 tỷ đồng sẽ được BIDV bổ sung vốn kinh doanh, hoạt động tín dụng (4.084 tỷ đồng), hoạt động đầu tư (481 tỷ đồng), đầu tư cơ sở vật chất (240 tỷ đồng).
Dự kiến có năm tổ chức tham gia mua trong đợt phát hành này, trong đó có bốn nhà đầu tư nước ngoài và một nhà đầu tư trong nước.
Trong đó, quỹ tỷ đô Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) đã đăng ký mua khối lượng lớn nhất với gần 59 triệu cổ phiếu, chiếm 47,7% tổng lượng chào bán.
Ba nhà đầu tư ngoại khác đăng ký mua vào tổng cộng 26,1 triệu cổ phiếu.
Nhà đầu tư trong nước là Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đăng ký mua 38,7 triệu cổ phiếu.
Thời gian chào bán dự kiến trong quý I/2025. Cổ phiếu chào bán sẽ bị hạn chế chuyển nhượng một năm.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu BID của BIDV chốt phiên cuối tuần 10/1 ở mức 39.100 đồng/cổ phiếu, tương đương giá phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh BIDV, các ‘ông lớn’ khối ngân hàng quốc doanh khác cũng chuẩn bị triển khai các kế hoạch tăng vốn.
Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VietinBank cho biết, ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ hơn 11.000 tỷ đồng lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.
VietinBank cũng chia sẻ về kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hơn 12.000 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại từ năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016.
Nếu các kế hoạch trên hoàn thành, vốn điều lệ của VietinBank sẽ đạt trên mức 91.000 tỷ đồng.
Với Vietcombank, sau một thời gian tạm hoãn, các kế hoạch phát hành riêng lẻ có thể sẽ hoàn tất trong năm 2025.
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường hồi tháng 8/2024, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, việc rút nội dung “Thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ” là để điều chỉnh, không ảnh hưởng tới tiến độ kế hoạch.
Ngân hàng kỳ vọng có thể hoàn thành trong nửa đầu năm 2025 nếu thị trường thuận lợi.
Trước đó, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vietcombank cho biết, ngân hàng đang tiếp tục triển khai kế hoạch tăng vốn khoảng khoảng 27.700 tỷ đồng từ lợi nhuận còn lại của 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018.
Mặt khác, Vietcombank còn có kế hoạch phát hành riêng lẻ tỷ lệ 6,5%.
Theo nguồn tin của Bloomberg, Vietcombank đã chọn Citigroup để dàn xếp thương vụ bán vốn với trị giá khoảng 1 tỷ USD.
Bùng nổ lợi nhuận
Các kế hoạch tăng vốn trên của các “đầu tàu” ngành ngân hàng được ủng hộ bởi kết quả kinh doanh tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2024, đều đạt mục tiêu đề ra với các mức lợi nhuận kỷ lục.
Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Tổng giám đốc VietinBank, cho biết ngân hàng ghi nhận đà tăng trưởng tích cực. Ảnh: Vietinbank.
Tại một hội nghị tổng kết mới đây, ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VietinBank cho biết, ngân hàng đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu tích cực.
Đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng của VietinBank tăng trưởng 16,8% so với năm 2023 trong khi tổng nguồn vốn huy động đạt 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2023.
Qua đó, ngân hàng đã hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2024.
Ông Trung cũng cho biết, quy mô tổng tài sản của ngân hàng tính đến cuối năm 2024 tăng trưởng 17%.
Theo kế hoạch, năm 2024, VietinBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ là 26.300 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2023.
Dù chưa công bố chi tiết, nhưng lợi nhuận thực tế của Vietinbank năm 2024 nhiều khả năng đã vượt qua con số này.
Tương tự, BIDV ghi nhận lãi trước thuế riêng lẻ kỷ lục hơn 30.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Dư nợ tín dụng của BIDV trong năm qua đã tăng hơn 15%, đạt trên 2 triệu tỷ đồng, chiếm 13% thị phần tín dụng, đứng đầu toàn thị trường.
Tổng nguồn vốn huy động tăng hơn 13%, đạt 2,14 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,3%.
Trong khi đó, Vietcombank nhiều khả năng tiếp tục dẫn đầu lợi nhuận hệ thống ngân hàng.
Chia sẻ tại hội nghị tổng kết ngân hàng mới đây, Chủ tịch Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, trong năm 2024, nhà băng đã hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đại hội đồng cổ đông giao.
Trong đó, tín dụng tăng trưởng gần 14%, đạt quy mô trên 1,44 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng duy trì ở mức thấp 0,97%.
Về lợi nhuận, dù không công bố chi tiết, song tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Vietcombank đặt mục tiêu 42.000 tỷ đồng. Thông điệp của người đứng đầu ngân hàng cho thấy, nhiều khả năng Vietcombank đã đạt hoặc vượt qua con số này.
Dũng Phạm